“Mãi đến năm 1974, các mũi khoan đầu tiên mới xuống lòng thềm lục địa phía Nam còn do chính quyền Sài Gòn quản lý...”. Trong căn nhà nhỏ ở hẻm sâu đường Lê Quang Định, TP.HCM, kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh đã bước qua tuổi 70, vẫn không quên nỗ lực tìm dầu khí ở miền Nam.

Đại diện Tổng cuộc Dầu hỏa Sài Gòn làm việc với đối tác nước ngoài và từng ở giàn khoan trước năm 1975, kỹ sư Vĩnh là một trong những nhân chứng hiếm hoi đang sống ở TP.HCM...

“Đạo luật dầu hỏa”

Nếu như suốt những năm 1960-1970, cuộc trường chinh tìm “vàng đen” miền Bắc tập trung tối đa thăm dò dầu khí thì miền Nam lại tiến hành hơi khác. Chính quyền Sài Gòn đầu tư xây dựng đạo luật dầu hỏa để làm cơ sở luật pháp cho các hoạt động tiếp theo. Tham gia từ đầu con đường tìm kiếm dầu khí miền Nam, kỹ sư Vĩnh kể: “Ngay từ năm 1967, các ông Hồ Mạnh Trung và Võ Anh Tuấn của nha tài nguyên thiên nhiên, bộ kinh tế chính quyền Sài Gòn đã được giao nhiệm vụ soạn thảo đạo luật dầu hỏa trong khi thăm dò dầu khí mới chỉ khảo sát địa vật lý mà chưa có mũi khoan nào chạm được dòng dầu”.


Đuốc dầu đầu tiên được phát hiện trên thềm lục địa miền Nam trước năm 1975 - Ảnh: Q.Việt chụp lại ảnh tư liệu

Ngày 1-12-1970, đạo luật dầu hỏa số 011/70 được chính quyền Sài Gòn ban hành. Luật gồm sáu chương với 66 điều. Dựa kinh nghiệm luật dầu khí Iran, Mỹ, “linh hồn” đạo luật dầu hỏa của chính quyền Sài Gòn là hợp đồng đặc nhượng. Nội dung này ấn định các công ty dầu hoạt động ở miền Nam phải thanh toán cho chính quyền tiền nhượng tô (thuê đất) 12,5% và thuế lợi tức 45-55% số lượng dầu sản xuất.

Luật cũng quy định thời gian thăm dò là năm năm, có thể gia hạn thêm năm năm và thời gian hoạt động khai thác 30 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm. Quyền đặc nhượng do người đứng đầu chính quyền quyết định.

Vẫn nhớ chi tiết đạo luật này, kỹ sư Vĩnh kể thời điểm ấy miền Nam chưa có công ty trong nước nào có khả năng tìm kiếm, khai thác dầu khí ngoài khơi nên “sân chơi” chủ yếu chỉ dành cho công ty quốc tế. Muốn xin cấp quyền đặc nhượng, họ phải đóng trước 500 USD hoặc 137.000 đồng được xem là tiền chữ ký. Diện tích đặc nhượng tìm kiếm được chia thành từng nhượng địa. Mỗi nhượng địa không quá 20.000km2...

Đầu năm 1971, Ủy ban quốc gia dầu hỏa được thành lập, sau đó là Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản để đại diện chính quyền làm việc với các công ty quốc tế và xây dựng dần lực lượng chuyên môn. Do chưa trực tiếp tham gia thăm dò nên lực lượng ngành dầu hỏa miền Nam lúc đó không đông bằng miền Bắc, nhưng cũng tập hợp được nhiều kỹ sư, chuyên viên trong nước và học nước ngoài về.

Ngoài các kỹ sư địa chất, hóa học, công nghệ, còn có cả các luật sư, bác sĩ, nhà quản trị kinh doanh. Đây cũng là thời gian luật biển được nghiên cứu để chuẩn bị cơ sở pháp lý khai thác dầu khí trên thềm lục địa...

Cuộc đấu thầu đặc biệt

Trong ký ức kỹ sư Vĩnh và tư liệu vẫn còn lưu giữ hoạt động khảo sát địa vật lý biển miền Nam từ năm 1967. Đầu tiên là khảo sát toàn bộ thềm lục địa phía Nam của cơ quan hải dương học Hoa Kỳ. Năm 1968, không quân Mỹ đo đạc từ hàng không vùng đồng bằng sông Cửu Long và biển nông ven bờ. Đồng thời chuyên gia Anh với tàu biển, thiết bị địa vật lý cũng sang khảo sát địa chấn vùng biển Đông và vịnh Thái Lan.

Kỹ sư Vĩnh kể: “Kết quả cho thấy triển vọng tương đối khả quan với tầng trầm tích dày 3-4 km và các cấu trúc kiến tạo với nếp gãy địa chất thuận lợi cho chứa dầu”. Đặc biệt, Công ty địa vật lý GSI còn đề nghị khảo sát chi tiết vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ tin có thể tìm thấy dầu ở đất trũng này, vì nó nằm cùng bể trầm tích kéo dài ra biển gồm cả mỏ Bạch Hổ mà sau này đã tìm thấy dầu.

Trong lúc hoạt động khảo sát dầu khí tiến hành ngoài biển, Tổng cuộc Dầu hỏa ở Sài Gòn cũng hối hả xúc tiến gọi thầu quốc tế. Vùng biển phía Nam rộng khoảng 300.000km2 vào thời điểm đó được phân thành 60 lô nhỏ và một lô lớn để đấu thầu. Số liệu này là kết quả đo địa vật lý của Công ty Geophysical năm 1970 ở thềm lục địa Nam VN.

Kỹ sư Vĩnh lúc đó là chuyên viên Tổng cuộc Dầu hỏa và thành viên ban xét thầu, vẫn nhớ: “Kết quả khảo sát tiềm năng dầu khí, rồi tình hình khai thác thành công ở những nước lân cận đã thu hút các công ty dầu quốc tế, nhưng khi đấu thầu lại không đơn giản...”. Ông kể năm 1970, Công ty Conoco, Mỹ đã gặp riêng và đề xuất được cấp các lô lớn để khai thác tối ưu.

Họ “khuyên” không nên quan tâm đến các công ty dầu khí lớn chỉ “xí chỗ” để đấy trong khi đầu tư các nơi khác. Cuối buổi, Conoco lật “bài ngửa” đề nghị chính quyền Sài Gòn cấp cho lô lớn ít nhất là 10.000 km2 mà không qua đấu thầu. Không được như ý, về sau Conoco không tham gia thầu.

Đợt gọi thầu lần nhất năm 1971 không thành. Đến ngày 24-4-1973, Tổng cuộc Dầu hỏa nhận 37 thư trả lời mời thầu lần bổ sung. Sau khi loại 10 thư mà trong đó có một thư lập chứng thư giả, tổng cuộc mời các công ty đến nhận hồ sơ dự thầu và giải đáp thắc mắc vào ngày 2-7-1973. Kỹ sư Vĩnh có kỷ niệm khó quên về chuyện này: “Hôm đó anh em văn phòng hồi hộp lắm. Mọi người ăn vận chỉnh tề, chuẩn bị làm việc với công ty quốc tế. Tuy nhiên, suốt buổi sáng trôi đi rồi qua giờ chiều vẫn không thấy công ty nào.

Chúng tôi lo lắng không biết có phải do sự kiện quân sự, chính trị gì đó tác động và đã nghĩ cuộc gọi thầu thất bại. Gần hết giờ làm việc chiều, bất ngờ xe Esso đến, rồi 18 công ty hối hả vào đông đến nỗi văn phòng không kịp tiếp. Tôi hỏi tại sao trễ vậy, họ trả lời đã tới Sài Gòn hôm trước nhưng không muốn nhận hồ sơ dự thầu sớm, vì sợ có thay đổi chính trị gì xảy ra sẽ mất trắng những cam kết trong tín dụng thư bất khả hoàn”.

Cuộc săn tìm dầu khí ở miền Nam bắt đầu khi tháng 8-1974, giàn khoan đầu tiên đến thềm lục địa là Ocean Prospector của Pecten và gặp ngay khó khăn do biển động. Pecten khoan bốn giếng Hồng 1X, Dừa 1X, Dừa 2X, Mía 1X. Trong đó, giếng Hồng 1X “mở hàng” khoan đầu tiên, đến độ sâu 1.609m đụng biểu hiện dầu khí nhưng không đủ sản lượng công nghiệp.

Đến giếng khoan Dừa 1X, Pecten may hơn khi xuống độ sâu 4.500m giữa tháng 10-1974, phát hiện lưu lượng 2.200 thùng dầu cùng 480.000m3 khí/ngày đêm. Chỉ thời gian tám tháng, Pecten đã khoan được bốn giếng, và mũi khoan cuối cùng ở giếng Dừa 2X dở dang ở độ sâu 1.800m thì nhổ neo trong tháng 4-1975.

Chậm chân sau Pecten, mãi đầu năm 1975 Mobil mới đưa giàn khoan Glomar IV đến giếng Bạch Hổ 1X, nhưng đã phát hiện lưu lượng 2.400 thùng dầu, 25.000m3 khí/ngày đêm ở độ sâu khoảng 3.000m. Kỹ sư Vĩnh kể: “Chuyên viên Tổng cuộc Dầu hỏa thay nhau ra giàn khoan mỗi tuần để học hỏi kinh nghiệm. Các giàn khoan tự hành thuộc loại hiện đại lúc bấy giờ và ra vào đất liền đều bằng máy bay trực thăng”. Mobil dự kiến khai thác dầu thương mại ở Bạch Hổ sau ba năm. Nhưng cũng giống Pecten, họ rút lui giữa chừng ở giếng khoan Đại Hùng giữa tháng 4-1975. Riêng Công ty Esso và Sunningdale chậm hơn, chưa kịp khoan giếng nào.

  • Quốc Việt (Tuổi trẻ)