Mới đây, họa sĩ Lê Đình Nguyên (Nhà hát múa rối Việt Nam) đã ngẫu hứng rủ tôi đi Bắc Hà (Lào Cai) để tìm mua một chú chó Lài, loài chó mà theo anh, là giống chó huyền thoại, hội tụ đầy đủ sự tinh túy: Trung thành, thông minh, thính nhạy và sức mạnh.

Sở dĩ tôi lập tức lên đường theo anh, là vì mục đích mua chó của anh không phải để săn thú, trông nhà, mà là… đuổi ma. Chả hiểu sao, ông họa sĩ vốn chẳng sợ trời, chẳng sợ đất này bỗng dưng lại sợ… ma.

Chó lai sói

Bắc Hà nổi tiếng với chợ phiên họp vào ngày chủ nhật. Chợ phiên Bắc Hà lại nổi tiếng với chợ ngựa, chợ trâu, chợ chim và chợ chó. Cứ đến phiên chợ, các gia đình có con thú nào thừa, hoặc cần tiền thì đem xuống bán. Được giá thì bán, không thì mang về, coi như có cớ để đi chợ.

Sớm tinh mơ, tôi và họa sĩ Lê Đình Nguyên đã có mặt ở đầu chợ chó cùng với đám buôn chó. Hàng trăm người chầu chực ở ngay đầu chợ, người thì tìm mua chó thịt, người mua chó giống. Người mua chó thịt thì thích những chú chó vàng, ri, nặng độ trên dưới 10kg. Người mua chó về nuôi thì xem đốm trán, đốm sống mũi, đốm đuôi, đốm chân và đặc biệt là đốm lưỡi.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên chọn chó ở chợ Bắc Hà.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên thì vểnh râu tìm chú chó Lài. Gặp ai bê chó đến, anh cũng hỏi: “Có phải chó Lài không? Nhà có chó Lài không?”. Hàng trăm người bê chó đều lắc đầu: “Kiếm đâu ra chó Lài”.

Đứng đợi chó Lài đến gần trưa thì nản. Một anh chàng người Nùng, giới thiệu tên Quang đi đến bắt tay anh chàng họa sĩ bảo: “Anh kiếm chó Lài à?”. Lê Đình Nguyên tưởng gặp được người bán chó liền gật đầu lia lịa. Nào ngờ, anh bạn Nùng bảo: “Hơn năm trời, với 50 phiên chợ, ngày nắng cũng như ngày mưa, em đều chầu trực ở chợ chó này, mà tuyệt nhiên không gặp con Lài nào cả. Bác chân ướt chân ráo lên đây không kiếm được chó Lài đâu”.

Xem lưỡi có đốm không nào?
Nghe anh chàng Nùng nói thế, họa sĩ Lê Đình Nguyên chán hẳn. Chẳng chó má gì nữa, ông họa sĩ lôi anh chàng Nùng vào chợ huyện uống rượu ngô, ăn thắng cố để được nghe kể về chó Lài.

Nâng chén ngà say, anh chàng Nùng rơm rớm nước mắt kể về chú chó Lài của mình: “Con chó thông minh, hiểu chủ lắm. Chỉ nhìn nó là nó biết ông chủ muốn gì”.

Với đồng bào miền núi, đây là giống chó săn cực quý, khôn ngoan và dữ dằn. Nó là người lính gác vô cùng tin cẩn, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ và tài sản.

Con chó nghi là giống chó Lài.
Chó Lài có dáng dài, chân to, đuôi dài, màu vàng pha chút đen hoặc đen từ đầu đến đuôi. Đặc biệt, tai hơi dài và cụp. Mõm dầy và to. Chó Lài trưởng thành nặng tới 50kg.

Không ai rõ giống chó này xuất xứ từ đâu, cũng không có tài liệu nào nghiên cứu, nhưng theo anh chàng người Nùng này, thì nó là giống chó lai giữa chó nhà và chó sói. Chó nhà thì nhiều, nhưng chó sói thì mỗi ngày thêm hiếm, nên để có được chú chó Lài, gần như là chuyện không tưởng.

Theo anh chàng người Nùng nọ, nếu ai sở hữu một chú chó Lài, thì coi như quanh năm suốt tháng no đủ, không sợ đói kém, thậm chí còn có thể làm giàu. Xách súng vào rừng, nếu có chó Lài dẫn đường, thì kiểu gì cũng thu được chiến lợi phẩm. Nó sẽ tìm dấu vết thú, lùa thú vào trước họng súng cho chủ bắn.

Lê Đình Nguyên (phải) và anh chàng người Nùng Triệu Văn Quang ngồi uống rượu ngô, ăn thắng cố ở chợ Bắc Hà.
Thậm chí, chẳng cần phải đi săn, cứ yêu cầu nó vào rừng, kiểu gì nó cũng tha về khi thì con bìm bịp, khi thì con chồn hương, cầy, cáo, dũi, chuột rừng, nhím…

Giống chó này là sát thủ của rắn độc. Nó không dại dột xông vào tóm rắn độc, bởi có thể mất mạng, nhưng sự dũng mãnh của nó khiến rắn độc sợ hãi co mình nằm im. Chủ nghe thấy tiếng chó sủa trong rừng, chỉ việc chạy vào tóm sống rắn độc mang bán.

Cuộc chiến giữa chó Lài và “quái thú”

Theo lời anh bạn Nùng Triệu Văn Quang, trận tóm sống con rắn chúa khổng lồ hồi đầu năm ngoái là thành tích hoành tráng nhất của chú chó Lài. Con rắn này là loại đã thành tinh, là “quái thú” của rừng già.

Nhà Quang ở xã Tả Củ Tỷ, một xã xa nhất của huyện Bắc Hà, giáp với Xín Mần (Hà Giang). Vùng đất này núi cao, rừng thẳm, thú dữ khá nhiều.

Hổ mang chúa khổng lồ trong bình rượu.
Tuy nhiên, cánh rừng giáp bản Quang ở chẳng có bóng dáng loài rắn nào, ngoài một con “quái thú” khổng lồ mà chưa ai từng tận mắt. Sở dĩ, người Nùng trong bản biết có con hổ chúa khổng lồ là bởi vì hàng năm họ vẫn bắt gặp một bộ da rắn lột dài bằng mấy lần đòn gánh, to bằng cái phích.

Người dân trong bản vẫn thường xuyên tóm được rắn hổ chúa hoang dã, tuy nhiên, con to nhất cũng chỉ chừng 5 đến 6kg, dài độ 3-4m. Chưa ai từng thấy bộ da lột nào khủng khiếp như thế.

Sở dĩ bao năm qua, cánh rừng dưới chân ngọn núi Nam Lo U O, cao tới 1.843m, không có bóng dáng con rắn nhỏ nào là bởi vì hổ chúa thích xơi các loại rắn nhỏ hơn. Người dân trong bản thi thoảng tổ chức vào rừng truy tìm con “quái thú” này, song đều thất bại.

Con rắn này đã thành tinh, thấy hơi người từ xa đã tìm cách trốn vào rừng thẳm, nên không sao bắt nổi nó. Nó chạy rất nhanh trên mặt đất, lại biết leo cây, bơi dưới suối, nên địa hình thế nào nó cũng thoát được.

Một ngày, khi Quang vừa đi nương về, thì nghe thấy tiếng chú chó Lài sủa văng vẳng từ trong rừng. Nếu gặp thú nhỏ thì nó đã tóm sống tha về, nên Quang tin rằng nó đã săn được rắn độc.

Quang tức tốc tìm gậy hình chữ Y (dùng để ấn đầu rắn) cùng với chiếc bao tải, rồi chạy lên hướng đỉnh Nam Lo U O. Giữa bãi đất trống, chú chó Lài của Quang sủa liên hồi, khuôn mặt dữ tợn, gầm gừ hướng về phía hốc cây mục.

Quang tiến lại phía chú chó, nhìn theo hướng nó sủa và lạnh sống lưng khi thấy một con “quái thú” khổng lồ, thân to đúng bằng cái phích, lưng màu nâu xám, thân như dây rừng khổng lồ quấn vào thân cây mục, ngóc cái đầu lên cao, đầu bành ra, lưỡi thè lè nhìn chú chó.

Nhìn “quái thú”, chân Quang cứ ríu lại, không bước nổi nữa, chứ đừng nói đến chuyện xông vào tóm nó. Nó chỉ mổ một nhát thì có trời mà cứu.

Định thần lại, Quang chuồn thẳng về bản gọi thêm 6 thanh niên nữa, toàn hạng khỏe mạnh, dũng mãnh và đặc biệt là không sợ rắn. Thuốc men giải độc rắn được chuẩn bị, các đồ nghề cũng sẵn sàng.

Lúc nhóm của Quang quay lại, con rắn không ngóc đầu lên nữa, mà rúc đầu vào hốc cây mục nằm im. Riêng chú chó Lài thì vẫn hung dữ sùng sục quanh “quái thú” để đe dọa. Không biết con rắn chúa khổng lồ này không thèm chấp chú chó Lài nên rúc đầu vào hốc cây để ngủ (loài rắn chúa thường thích ngủ trong hốc đá, hốc cây mục) hay sợ quá nên chui vào hốc cây để trốn.

Cơ hội ngàn vàng đã đến, nhóm của Quang giàn trận để tóm sống con rắn chúa khổng lồ này. Người xông vào đè phần đuôi, người đè phần thân. Chú rắn khổng lồ ngọ nguậy tìm cách rúc sâu vào hốc cây, nhưng không thể được nữa. Nhóm người này kéo dần chú rắn ra, rồi mấy người cùng lúc xông vào đè nghiến đầu rắn.

Cả nhóm thanh niên khỏe mạnh phải vật lộn một lúc lâu, mệt nhoài, mới thu phục được con rắn.

Sau vụ tóm được “quái thú” khổng lồ, Quang đã đưa chú chó Lài xuống chợ huyện chơi. Không hiểu lý do gì, chú chó lăn đùng ra đất sùi bọt mép chết. Quang nghi nó xơi phải bả chuột, hoặc xơi chuột bị đánh bả.

Chẳng biết làm thế nào, Quang ngồi ôm chó khóc. Đang tính chở chú chó yêu quý về bản chôn, thì có người đi qua hỏi chuyện. Biết chó dính bả, nhưng anh này vẫn hỏi mua xác. Anh ta hỏi Quang đòi bao nhiêu, Quang bảo trả bao nhiêu cũng được. Không ngờ người đàn ông lạ này rút ra 6 triệu đồng trả cho Quang.

Đến bây giờ Quang vẫn không hiểu người đàn ông lạ kia mua chú chó dính bả với giá 6 triệu đồng về làm gì. Không rõ có phải anh ta dùng làm chó nhồi bông không. Giống chó Lài quý thế, có được con chó nhồi bông cũng thỏa chí.

Từ ngày chú chó Lài yêu quý chết thảm, chủ nhật nào Triệu Văn Quang cũng cưỡi xe máy mấy chục cây số xuống chợ phiên để tìm chó Lài. Nhưng đã một năm qua, anh không tìm được chú chó Lài nào nữa.

(Còn tiếp…)

(Theo Dương Thụy Bình - VTC News)