- Đường đua phim Tết năm nay được dự báo là cuộc cạnh tranh giữa phim cổ trang “Mỹ nhân kế” và phim hài “Nhà có 5 nàng tiên”.


Mỹ nhân kế: nhiều tranh cãi


 Phim “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng”.

“Mỹ nhân kế”, bộ phim được trông đợi nhất trong mùa phim Tết vừa ra mắt đã nhận được những phản hồi trái chiều. Một số ý kiến cho rằng đây là bộ phim đáng xem nhất giữa dòng phim hài bình dân chiếm số lượng áp đảo, số khác lại thấy phim không được như mong đợi. Điều này dễ hiểu bởi đây là bộ phim kiếm hiệp giả tưởng khá lạ so với những bộ phim trước, lại được đầu tư kỹ lưỡng cả về thời gian và tiền của, nên đương nhiên sẽ được kỳ vọng nhiều và bị “soi” kỹ hơn.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua những tranh cãi thì “Mỹ nhân kế” mang nhiều chất điện ảnh nhất trong số các phim chiếu Tết năm nay. Điều này thể hiện trước hết ở sự chăm chút cho từng khuôn hình, sự tìm tòi những góc máy nhằm tôn lên vẻ đẹp của bối cảnh và nhân vật. Tiếp đó là sự sáng tạo những chi tiết cho phép khai thác sự hấp dẫn của hình ảnh, thay cho các dùng thoại để kể chuyện mà nhiều phim thiếu sự đầu tư đang làm. Khán giả sẽ thấy thích thú với cảnh lau dọn nhà cửa, cảnh đá cầu, hay vừa làm bếp vừa giao chiến hết sức độc đáo. Chỉ tiếc là những chi tiết thú vị này không nhiều. Phần đầu phim bị loãng bởi quanh quẩn mãi chuyện sinh hoạt của các mỹ nhân và những suy tư chuyện đời của họ.

Sau phần đầu khá trầm, nhịp phim chuyển hướng nhanh hơn ở nửa sau với nhiều cảnh chiến đấu hơn và những bí mật dần dần được hé lộ. Một phần quan trọng trong phim là võ thuật, nhưng các cảnh đánh đấm lại chưa tạo được cảm giác thật mà giống múa nhiều hơn. Cũng không biết do thích thú học tập cách dựng hình ảnh võ thuật đẹp mắt (dĩ nhiên là phản vật lý) như kiểu cách phô trương của phim Hoa ngữ, hay nhằm che điểm yếu của các nữ diễn viên, mà hầu hết các pha hành động đều được quay chậm. Vì thế, bộ phim mang đến tinh thần của “người đẹp múa võ”, chứ không phải là những pha hành động nảy lửa.

Dù còn những điểm yếu nhưng Mỹ nhân kế vẫn là bộ phim đáng xem nhất trong mùa Tết này vì sự kết hợp của cảnh đẹp, người đẹp, kịch bản hợp lí và đậm chất điện ảnh nhất. Nếu có chút gì đó còn băn khoăn thì đó là liệu khán giả có sẵn sàng lựa chọn một bộ phim với khá nhiều cung trầm cho dịp đầu năm?

“5 nàng tiên”: lại kịch truyền hình lên màn ảnh!

Phim “Nhà có 5 nàng tiên” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu.

 Trước khi ra mắt, “Nhà có 5 nàng tiên” được dự đoán là một phim hài nhảm. Tuy nhiên, độ nhảm đã được tiết chế rất nhiều, mặc dù phim vẫn đậm chất truyền hình. Đây bộ phim tập hợp nhiều “sao” nhất trong mùa Tết này. Không kể danh hài Hoài Linh xuất hiện “độc quyền” là một lợi thế lớn, phim còn có sự tham gia của dàn hotboy, hotgirl như Trương Thế Vinh, Minh Luân, Quốc Trường, Miu Lê, Bảo Anh, Ngân Khánh... Điều này cho thấy nhà sản xuất quá hiểu đối tượng khán giả của họ vào dịp Tết.

 Tuy nhiên, do quá tập trung vào diễn viên nên phần kịch bản có vẻ bị lơ là. Tựa phim nhắc đến 5 nàng tiên, nhưng các “nàng” đều rất ít đất diễn, các chàng lại càng mờ nhạt hơn. Phim hầu như chỉ dành đất cho Hoài Linh – Việt Hương là chính. Nhìn tổng thể, kịch bản không có nhiều cao trào được tạo nên nhờ xung đột tình huống, mà chỉ giống như những mảnh ghép vụn vặt thiếu sự đan cài, thúc đẩy lẫn nhau. Có thể mỗi mảnh ghép đều có chút gì đó thú vị, nhưng khi kết hợp lại với nhau vẫn không thể giúp bộ phim bùng nổ.

Cũng như “Hiệp sĩ guốc vông”, “Nhà có 5 nàng tiên” giống một vở kịch truyền hình hơn là một tác phẩm điện ảnh, khi mà toàn bộ nội dung, thông điệp (nếu có) đều chỉ được chuyển tải qua lời thoại. Phim hoàn toàn vắng bóng những khung hình biết nói, bởi tất cả đã được diễn viên…nói thay. Chưa kể góc máy, tông màu, ánh sáng đều không được để ý tới.

Dù vậy, Nhà có 5 nàng tiên vẫn được dự đoán sẽ mang lại doanh thu không tồi cho nhà sản xuất. Trước hết, phim thuộc dòng phim hài, vốn luôn là sự lựa chọn ưu tiên của khán giả dịp đầu năm, chỉ cần đến rạp cười là đủ. Tiếp theo, đây còn là một bộ phim gia đình, đáp ứng được nhu cầu xem phim cùng nhau của mỗi gia đình, dù là lứa tuổi nào. Và cuối cùng, phim thoát được bẫy “hài nhảm” bị công chúng lên án trong thời gian qua. Các tình tiết gây cười được khai thác một cách sạch sẽ, không bị đi quá đà, sẽ không gây khó chịu đối với khán giả ở những vùng miền khác nhau, những trình độ khác nhau.

Minh Khôi