- Trao đổi với báo chí bên hành lang QH chiều 20/5 ngay trước khi báo cáo QH về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết chủ đề giàn khoan Biển Đông có thể được trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Đông Á mà Thủ tướng tham dự ngày 22/5 tới.

>> TOÀN CẢNH Phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Ông Phạm Bình Minh nói: Cuộc đấu tranh trên Biển Đông rất phức tạp, tại các hội nghị liên quan đến kinh tế thế giới, nếu tình hình phức tạp có thể ảnh hưởng đến kinh tế thì chủ đề này có thể được trao đổi.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) bên lề kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Ảnh: VOV

- Đoàn ngoại giao VN ở nước ngoài và bản thân ông đã trao đổi với phía TQ nhiều lần, kết quả như thế nào?

Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì biện pháp đấu tranh ngoại giao, giao thiệp trực tiếp với TQ. Đến nay có khoảng 20 cuộc giao thiệp. Chúng ta kiên quyết yêu cầu họ rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực, đấy là lập trường kiên quyết của ta.

- Lập trường của TQ thế nào?

Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan, ngày càng tăng cường lượng tàu ở đó, cho thấy TQ vẫn ngoan cố không chịu rút về.

- Vậy VN có thái độ như thế nào?

Thủ tướng đã tuyên bố và trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch QH cũng nói rõ: Chúng ta kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Chúng ta có tính đến kiện TQ không?

Tất cả các biện pháp hòa bình, các bạn phải hiểu là tất cả biện pháp hòa bình mà chúng ta có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

- TQ có nói rút một số thỏa thuận với chúng ta, ông bình luận thế nào?

Chưa có thỏa thuận nào rút cả, tất cả hoạt động, quan hệ của chúng ta, quan hệ phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Chúng ta không cho các nước xâm phạm quyền chủ quyền của chúng ta.

Cũng bên hành lang QH, Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh chia sẻ: Hy vọng với dư luận quốc tế, TQ sẽ có những hành động, cử chỉ, xem xét lại thái độ của mình.

Theo tôi, đến một lúc nào đó, khi chúng ta đã làm mọi cách, như ông cha ta từ trước đến nay đều cố gắng dùng hết những biện pháp hòa bình, mà phía TQ vẫn không chấp nhận thì chúng ta cũng phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này trên cơ sở rất tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chúng ta sẽ thiện chí đợi xem TQ thực hiện các biện pháp tiếp theo như thế nào để có biện pháp ứng xử và đối sách tương xứng, ví dụ đưa ra tòa án quốc tế để phân xử đúng sai.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Trong điều kiện trước mắt, ta lấy đấu tranh ngoại giao là hàng đầu. Ngay trên hiện trường chúng ta thể hiện thái độ luôn muốn duy trì hòa bình, không tạo ra những cái cớ để xung đột.

{keywords}
ĐB Dương Trung Quốc đồng tình việc QH ra một nghị quyết về tình hình Biển Đông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Kinh nghiệm cho thấy TQ luôn tìm những cái cớ. Nếu tránh được, đó sẽ là cách chúng ta đạt mục tiêu chính là làm cho thế giới nhận thức đúng, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều điểm nóng khác nhau và các mối quan hệ lợi ích liên quan đến TQ là rất phức tạp.

Hãy lấy chính nghĩa làm sức mạnh cao nhất của chúng ta. Trong các cuộc kháng chiến trước đây, dù tương quan lực lượng nghiêng về phía bên kia, nhưng qua thời gian, ta luôn nhận được sự ủng hộ.

Cá nhân tôi rất đồng tình việc QH ra một nghị quyết về tình hình Biển Đông.

Chung Hoàng ghi