Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn Vì nghĩa nước non của tác giả Trần Hồng Vân, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn.
Vở diễn Vì nghĩa nước non tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư khi chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân, trở thành "cống vật" và làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan, nhằm kìm hãm quân giặc, cứu đất nước trong lúc gian nguy.
Công chúa An Tư là con gái thứ năm, cũng là con gái út của Thượng hoàng Trần Thái Tông, do một bà thứ phi sinh ra. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên, công chúa được vua Trần cống cho tướng Thoát Hoan “để làm thư giãn nạn nước”.
Sau thời gian làm "gián điệp" cho nhà Trần, trước khi quân Nguyên tháo chạy, công chúa An Tư đã hóa thân thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần đánh vào doanh trại quân Nguyên, khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy tháo thân về nước…
Theo sử liệu, sự kiện này diễn ra sau khi Thoát Hoan chỉ huy quân Nguyên tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2, tháng Giêng năm 1285.
Có lẽ đạo diễn và tác giả kịch bản đều là nữ nên vở Vì nghĩa nước non có sự đồng cảm đặc biệt với nhân vật chính - công chúa An Tư. Đó là sự thấu hiểu và sẻ chia của những trái tim đàn bà dành cho nhau. "Có lẽ vì thế mà tôi thiên vị hơn, say đắm hơn khi dựng tác phẩm này" - nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai nói.
Những điểm mờ trong lịch sử về cuộc đời của công chúa An Tư trở thành mảnh đất màu mỡ cho nghệ sĩ sáng tạo. Một trong số đó là việc đạo diễn chọn lựa để nàng công chúa tài sắc biến thành ngọn đuốc sống, làm ám hiệu dẫn đường cho quân nhà Trần truy bắt Thoát Hoan.
Trích một cảnh diễn đầy nội tâm của công chúa An Tư:
Trong Vì nghĩa nước non, Hoàng Quỳnh Mai tiếp tục trung thành với những mảng miếng truyền thống, thế mạnh âm nhạc của cải lương nhưng đồng thời có sự cách tân, thử nghiệm mới mẻ. Thiết kế sân khấu lung linh như một tà Phượng bào, luôn được biến hóa, có lúc như con thuyền, lúc tựa ngọn lửa, khi lại tả tơi như tâm trạng của người con gái trắng trong sau đêm hợp cẩn cùng tướng giặc…
"Với tác phẩm gắn với lịch sử, tôi cố gắng nghiên cứu thật kỹ để không đi sai đường. Sau đó, từ các chi tiết dã sử chưa được khẳng định sẽ sáng tạo, khai thác bằng trí tưởng tượng. Chúng tôi xây dựng tác phẩm trở nên lãng mạn, bay bổng trong ngôn ngữ của cải lương", NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Vì nghĩa nước non quy tụ dàn nghệ sĩ trẻ, tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trong đó, thủ vai công chúa An Tư là nghệ sĩ Thùy Dung, với chiều cao lý tưởng 1,76m, gương mặt khả ái và giọng hát mượt mà, ngọt ngào đã chinh phục người xem.
Ngoài ra, vở diễn còn có sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Mạnh Hùng (Thoát Hoan), nghệ sĩ Hồng Hạnh (Cốt Đãi Tam), Lê Tuấn (Trần Thông), Văn Thuân (vua Trần Thánh Tông, Vũ Long (vua Trần Nhân Tông).
NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, trong những ngày Hà Nội nóng cao điểm, các nghệ sĩ vẫn miệt mài tập luyện để vở diễn kịp ra mắt.
"Các diễn viên ngày 3 buổi lăn lê bò toài. Nữ diễn viên chính Thùy Dung bị phù nề thanh đới vì tập nhiều quá, phải bơm thuốc kháng sinh vào họng, gầy rộc đi mấy cân. Nam diễn viên Mạnh Hùng (vai Thoát Hoan) bị u xơ, phải điều trị thuốc mệt và hại sức khỏe nhưng "sinh nghệ tử nghệ", lên sân khấu là phải hay, phải đẹp", NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.
Trích đoạn 'Vì nghĩa nước non':