Điểm nóng phía Đông

Theo báo cáo của JLL, giá bất động sản TP.HCM tiếp tục tăng, cá biệt sản phẩm biệt thự xác lập kỷ lục giá mới 127 triệu đồng/m2, tăng 36% cùng kỳ. Các đô thị ven đô trở thành điểm đến đầu tư mới khi sở hữu các yếu tố thu hút như hạ tầng giao thông, mức giá hợp lý, có thể phát triển đa dạng sản phẩm...

Ngay từ trước khi có chủ trương sáp nhập 3 quận (Thủ Đức, quận 2, quận 9) thành thành phố phía Đông, khu vực này đã liên tục đón những làn sóng đầu tư mới ăn theo các dự án hạ tầng giao thông.

Theo chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển, khu Đông chính là khu vực năng động nhất ở cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. Không chỉ nhờ vị trí thuận lợi mà còn được Nhà nước và các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ cảng biển nước sâu, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các khu công nghiệp lớn trong vùng.

{keywords}
Khu Đông với cơn sốt mang tên “Thành phố Thủ Đức”

Khu vực này cũng đã và đang được đầu tư về hạ tầng, dịch vụ, TP.HCM cũng sẽ chuyển hướng về đây những lĩnh vực công nghệ cao, mang tính thân thiện môi trường, do đó tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn.

Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TP.HCM triển khai 216 công trình, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này là hạ tầng kết nối với khu Đông. Trong đó đáng chú ý phải kể đến các dự án trọng điểm như: xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ...

Dự án TP. Thủ Đức tại TP.HCM được công bố khiến giá nhà đất 3 quận khu Đông nóng bỏng tay. Khảo sát của trang gachvang.com cho thấy, giá đất đường Phạm Văn Đồng, đường Linh Đông, quận Thủ Đức lần lượt có giá từ 86,8 triệu đồng/m2, 54,9 triệu đồng/m2, trong khi giá đất khu vực này hồi đầu năm 2020 (trước thời điểm đề án TP. Thủ Đức được Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập) lần lượt dao động từ 80-83 triệu đồng/m2 và 45-50 triệu đồng/m2.

Chỉ riêng ở phân khúc căn hộ trong 10 tháng năm 2020, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM có 9 dự án mới mở bán tại khu Đông, cung cấp ra thị trường hơn 8.000 căn, chiếm 66,3% nguồn cung căn hộ toàn thành phố (12.134 căn) và có mức giá trung bình từ 38-67 triệu đồng/m2. Hiện tại, khó có thể tìm ra căn hộ có mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 tại khu Đông thành phố.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, việc đẩy giá nhà đất theo kiểu đón đầu quy hoạch lâu nay vẫn thường xuất hiện, dễ tạo ra cơn sốt ảo. Về mức giá hiện tại, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, cho rằng, giá bất động sản khu Đông đang rất cao. Nhiều dự án căn hộ đã tăng giá gấp đôi, dù chưa tương xứng với chất lượng thực.

Khu Tây nhìn về dài hạn

Nhiều người cho rằng, TP.HCM đang tập trung quá nhiều cho khu Đông, trong khi khu Tây - phía bên kia thành phố đang bị “bỏ rơi”. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khu Tây đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng thời gian qua và không hề thua kém gì “người đàn anh” khu Đông.

“Nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều bệnh viện lớn hàng đầu của TP.HCM đã được xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình 10 năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận”, ông Châu nói.

{keywords}
Khu phía Tây trong cuộc đua thu hút nhà đầu tư

Cũng theo ông Châu, vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc “tỷ đô” TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), TPHCM - Cần Thơ, tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Ngoài các tuyến metro, TP.HCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3, giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.

Theo quan sát, khu Tây TP.HCM đang thu hút giới đầu tư với nhiều dự án được triển khai, quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông đầu tư mạnh. Xác định đây là khu vực ưu tiên thứ hai sau khu Đông về mức độ phát triển hạ tầng của TP.HCM, đồng thời cũng là nơi tập trung nguồn cầu lớn, các sản phẩm của khu Tây đang định vị mức giá vừa phải hơn.

Trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung thì chỉ một số dự án bất động sản mới “bung hàng” tại khu Tây. Đây được xem là thời điểm bung hàng nhiều lợi thế về sức mua lẫn giá bán. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia bất động sản tại TP.HCM, cho biết, mỗi trục đều có những lợi thế phát triển riêng. Bất động sản phát triển là nhờ vào nhu cầu của thị trường, nhu cầu nhà ở thật của người dân.

Theo bà Hương, ở khu Tây, mật độ dân số đã tăng mạnh trong thời gian qua. Hạ tầng phát triển tốt và giá bất động sản còn “mềm” là lợi thế để khu Tây phát triển.

“Nếu nói về mức tăng giá thì bất động sản khu Đông là mức tăng tốt nhất tại TP.HCM, nhưng nếu nói về mức giá hợp lý thì khu Tây có mức giá bất động sản rất tốt. Gọi là mức giá hợp lý, bởi mức giá này tăng ổn định, đều và dựa vào nhu cầu thật của thị trường”, bà Hương chia sẻ.

Trong tương lai, bất động sản khu Tây TP.HCM dự báo sẽ còn bùng nổ hơn nữa, khu vực này không chỉ là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển đô thị tập trung và đa cực của TP.HCM mà còn là khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư, hạ tầng kết nối cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại.

Với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch hợp lý thì bất động sản khu Tây sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với khu Nam và cả khu Đông của TP.HCM.

D.Anh