Năm 1987, Saroo khi đó là một cậu bé 5 tuổi bị lạc anh trai ở một sân ga. Cậu không biết rằng trong nhiều thập kỷ tiếp theo thì con tàu định mệnh đó đã mang đến một chuỗi những ngày tháng thú vị xen lẫn khủng khiếp. Những ngày tháng đã đưa cậu bé ra khỏi gia đình và đến một nơi mới.

Và hành động năm đó đã đánh dấu một cuộc tìm kiếm tung tích giữa hai mẹ con cậu, với một sự thực rằng, không bao giờ cậu có thể trở về nhà lần nữa.
Người mẹ khốn cùng sống vì những đứa con
Fatima Munshi đang rất bực tức khi cô ấy quay trở lại căn nhà chật hẹp của mình sau một ngày làm việc mệt mỏi, và cô ấy nhận ra rằng hai đứa trẻ của mình vẫn chưa có mặt ở nhà. Chúng đáng lẽ phải ở đây từ vài giờ trước.
Fatima sinh ra ở một vùng nông thôn ở Hindu, cha mẹ cô phải làm việc rất vất vả trên đồng ruộng. Cha cô bị chết bởi một cơn đau tim và mẹ cô ấy mất chỉ vài tháng sau khi sinh con.
Chỉ mới 10 tuổi, Fatima đã có một cuộc đời bất hạnh: mồ côi, không có gia đình hỗ trợ hay bảo vệ, không ai sắp xếp cuộc hôn nhân cho mình hoặc trả tiền hồi môn cho cô.

Fatima Munshi

Nhưng cô đã can đảm vượt qua.
Cô vào làm việc tại nông trường, thu hoạch cây trồng để kiếm sống. Ngoài ra, cô còn đi nhặt phế liệu. Lớn hơn một chút, cô chuyển đến làm cho một công trường xây dựng, công việc của cô là chuyển xi măng bằng cách cho bao xi măng đó lên đầu và chuyển đi bằng sức mạnh.
Cô đã được người giám sát của mình chú ý, đó cũng là một người không gia đình, mồ côi giống cô. Vượt qua rào cản, định kiến của người Ấn Độ, họ đã yêu và cưới nhau. Cô chuyển sang đạo Hồi và đổi tên thành Fatima.
Vợ chồng cô chuyển tới thị trấn Khandwa và tìm được một ngôi nhà ở Ganesh Talai, một khu phố gồm những người lao động được thuê theo ngày, những người bán rau quả và công nhân làm việc trong thị trấn.
Cô sinh được 3 đứa con: Guddu, Kallu và cậu bé Saroo. Cô ấy nghĩ rằng, khi lớn lên, chúng sẽ sống ở một ngôi nhà lớn hơn và mỗi ngày đưa cho cô 10 rupees (khoảng 20cent), vì thế cô có thể không làm việc và ở nhà trông cháu. Tuy nhiên cuộc sống mà cô hằng mong ước đã nhanh chóng sụp đổ.

Chồng cô không trở về nhà nhiều đêm. Ông ấy đã không đưa cho cô tiền và lương thực. Thậm chí, trong khi Fatima đang mang thai đứa con thứ tư, ông ta đã cưới người vợ khác. Fatima đổ lỗi cho số phận đen đủi của mình.
Vào một ngày Chủ nhật thật tuyệt vọng, khi cô đang bế đứa bé trên tay, cô đã gặp mặt chồng mình. Cô đánh hắn bằng một chiếc giầy, hắn tađáp trả lại với một cây gậy vào người cô. Ngay sau đó, toàn bộ khu phố đã vào can ngăn, tuy nhiên trước những người có địa vị ở khu phố, họ đã chính thức ly dị.
Đứng trước cửa nhà, quay lại với những gì mà cô đã bắt đầu, một người phụ nữ với bốn đứa trẻ và không có ai giúp đỡ. Cô ấy trở thành người nghèo nhất trong những người nghèo.
Fatima quay trở lại với công trường xây dựng. Guddu, khi đó mới 7 tuổi và Saroo 4 tuổi, đã đi nhặt những thức ăn thừa và tiền lẻ để sống qua ngày.
Khi gió mùa kéo qua ngồi nhà của cô và làm cho ngôi nhà đổ nát, cô đã phải kéo bọn trẻ vào một góc khô để ngủ. Khi cái nóng của mùa hè đến, họ buộc phải ra ngoài ngủ và cô ấy đã dùng tấm khăn quàng đầu của cô để che chắn cho những đứa nhỏ.
Thường thì không có bữa ăn tối, cô ấy chỉ đi ngủ với một ly nước. “Mẹ ơi, chúng con đói” bọn trẻ nói với cô ấy. “Không có gì để ăn cả đâu”, cô trả lời trong sự xấu hổ.
“Tôi chẳng có gì cả” cô ấy nghĩ lại trong những đêm tồi tệ nhất của cuộc đời “nhưng cuối cùng, tôi lại có những đứa trẻ, đó là điều hạnh phúc nhất.
Hành trình lưu lạc của đứa trẻ 5 tuổi
Saroo bị nảy mạnh trong chỗ ngồi của mình. Cậu bé đã ngủ được bao lâu rồi? Lúc trời tối cậu ở trên tàu và bây giờ trời đã sáng. Nửa ngày đã trôi qua thật rồi. Cậu bé đang suy nghĩ, làm cách nào mà Guddu và cậu có thể lên tàu rời bỏ quê hương, từ Khandwa, tới Burhuanpur, khoảng 70km (40 dặm), để tìm kiếm sự thay đổi.
Khi tới nơi, Saroo đã rất mệt mỏi và ngồi bệt xuống nền đất. Guddu bỏ đi một mình và hứa sẽ quay trở lại trong vài phút.
Khi Saroo mở mắt ra, một con tàu khác đang chờ ở đường ray. Saroo nghĩ Guddu chắc là đang ở trên tàu, và vẫn đang ngủ. Vì thế, cậu bé đã bước lên con tàu đó và trôi dạt một lần nữa, với suy nghĩ rằng anh trai cậu, Guddu, sẽ đánh thức cậu ở Khandwa.

Bức ảnh Saroo đặt chân lên nước Úc

Nhưng bây giờ con tàu đã dừng lại. Không có Guddu, và đây cũng không phải là Khandwa. Cánh cửa mở ra và Saroo bị rơi vào một đám đông hỗn loạn.
Đám đông xô đẩy nhau, chỉ toàn những giọng nói không quen thuộc. Cậu bé đang ở Calcutta, cách gần 1500km từ nhà. “Nó cũng có thể là sao Hỏa”, cậu bé nghĩ. Cậu bé cầu xin sự giúp đỡ, nhưng cậu chỉ nói được tiếng Hindi, và hầu hết mọi người ở đây nói tiếng Bengali. Ngoài ra, cậu bé cũng chưa từng được đến trường, vì vậy, tên tuổi, địa chỉ của cậu cũng không thể đánh vần được. Không ai có thể hiểu được cậu bé nói gì. Không ai quan tâm tới một đứa bé đang bị lạc ở cái đất nước có hàng triệu người nghèo khổ như thế này.
Thật điên rồ, cậu bé quay trở lại con tàu khác, với hy vọng con tàu sẽ đưa cậu quay về nhà. Con tàu đưa cậu bé quay trở lại Calcutta. Cậu nhảy lên một tàu khác rồi một cái khác nữa, cầu mong sớm trở về nhà. Nhưng ở nơi đây chỉ là nơi xa lạ và thật đáng sợ.
Sau khi Saroo bỏ đi cả ngày, cậu bé đã cầu xin hành khách một chút thức ăn. Và giống như mọi khi, cậu bé đã xin được một tách trà và một ít bánh mỳ vụn. Đến đêm, cậu ngủ dưới những cái ghế chờ ở nhà ga. Cuối cùng, cậu đã mạo hiểm đi vào những con phố ở đây.
Khi đi ngang qua sông Hằng, cậu bé đã nhớ lại những kỷ niệm về những thác nước ở quê nhà, nơi mà cậu đã rất thích thú khi nhìn những người dân địa phương bắt cá cho bữa ăn tối của họ.
Nhưng con sông này không hiền hòa một chút nào, nước sâu và xoáy làm cho cậu bé sợ hãi. Cậu bé quay trở lại một con phố nhỏ, tới lại gần một người đàn ông và cầu xin sự giúp đỡ. Người đàn ông đưa Saroo về nhà, cho cậu bé ăn và sắp xếp cho chỗ ngủ.
Sáng hôm sau, Saroo cảm thấy khá khó chịu khi người đàn ông mời một người bạn tới ăn sáng. Cậu bé rùng mình sợ hãi mà không hiểu lý do tại sao. Đến nữa đêm, khi Saroo bị bắt rửa bát, cậu bé đã bỏ trốn.
Cậu chạy trên đôi chân trần và người đàn ông đó đang đuổi theo phía sau. Nhưng Saroo rất nhỏ con và nhanh nhẹn. Cậu bé đã chạy vào trong một ngõ hẻm, ở đó chờ đợi cho đến khi họ đi qua.

Sang phía bên kia sông Hằng, ở đây cậu bé gặp được một người đàn ông biết nói tiếng Hindi. Người đàn ông đã dẫn cậu bé tới một trung tâm lớn, nơi mà những đứa trẻ bị bỏ rơi sinh sống. Quản lý ở đây đã tiếp nhận cậu, sau đó đưa cậu tới một nơi rộng hơn, rất đông những đứa trẻ bị bỏ rơi. Đây thực sự là địa ngục. Những đứa trẻ lớn hơn chế giễu cậu, không ai nói tiếng Hindi. Cậu bé cố gắng để giải thích cho mọi người cậu là ai, nhưng không có một chút hy vọng nào.
Vài tuần sau, một nhân viên tới gặp cậu bé và đưa cậu đi. Cậu được tắm rửa, mặc quần áo mới và chuyển tới Trung tâm Bảo trợ và nhận con nuôi Ấn Độ.
Đây đúng là thiên đường. Chỉ có khoảng 15 đứa trẻ, và không ai bắt nạt cậu. Cậu đã làm quen được một vài người bạn. Cậu có một chiếc giường sạch sẽ, quần áo mới và thức ăn nữa.
Nhân viên của Trung tâm tìm cách liên lạc với gia đình cậu, bằng cách sử dụng những thông tin mà Saroo cung cấp. Nhưng đó là chưa đủ. Chính phủ tuyên bố cậu bé là một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Một tháng trôi qua, vào một ngày, cậu bé nhận được thông tin từ Trung tâm. Một gia đình muốn chăm sóc cậu, và họ sống ở Úc.
Tuyệt vọng tìm con
Khi màn đêm buông xuống, Fatima thật sự hoảng sợ khi những đứa con của cô ấy vẫn chưa về nhà. Cô nhờ một người hàng xóm, người mà cô gọi là Bác Akbar để đến nhà ga tìm bọn trẻ. Những con tàu cứ đến và cứ đi. Họ tìm kiếm ở một khu chợ gần đó, nơi mà bọn trẻ thường hay ăn xin. Cô lại tới đài phun nước ở quảng trường, nơi bọn trẻ vẫn hay chơi.
Đến sáng hôm sau, cô cảm thấy thân thể của mình rã rời, tâm trí rối loạn. Có thể bọn trẻ đã bị bắt cóc hoặc cũng có thể chúng đã chết.
Cô khóc rất nhiều và cầu xin thần linh cho bọn trẻ trở về nhà an toàn. Cô đã đi gặp một thầy bói và ông ta nói: “Đã không còn hai bông hoa nữa rồi. Một bông hoa đã rụng, còn một bông khác đã tới một nơi rất xa. Cậu bé không nhớ nơi mà cậu ấy tới. Cậu bé sẽ trở lại, nhưng sẽ là một thời gian dài, rất dài nữa”.
Cô không tin lời ông ấy nói, cô tin rằng những đứa trẻ của cô vẫn đang rất tốt.
Ngay sau đó, cảnh sát đã gọi cô tới và thông báo một tin khủng khiếp: Guddu đã chết. Cậu bé bị đẩy và rơi từ trên tàu xuống. Cảnh sát đưa những bức ảnh mà cơ thể cậu đã bị dập nát, cậu bé đã được hỏa táng ngay sau đó. Nghe tin đó, Fatima ngất lịm đi.

Fatima luôn nghĩ tới Saroo, cô chắc cậu bé đang được hạnh phúc, cậu bé đang được chăm sóc tốt với những bữa ăn đầy đủ. Tám ngày nay, Fatima đang nghỉ ở nhà bởi cô bị thương khi đang cố gắng làm việc. Sau đó, cô lại cùng với bác Akbar, một người đàn ông Hồi giáo tốt bụng, quay trở lại nhà ga tàu hỏa. Ông ấy đã mang một chút thức ăn theo. Fatima đã đi hỏi rất nhiều người, từ những hành khách, nhân viên đường sắt và cả cảnh sát. Cô khóc rất nhiều, cảm thấy rất đau xót khi không tìm được những đứa trẻ của cô.
Họ tìm kiếm quanh các nhà ga xe lửa ở Bhopal và Sikanderabad, các trạm cảnh sát tại Hyderabad hay cả những nhà tù ở Bombay. Họ đã đến thành phố đó ba thậm chí là bốn lần, nói chuyện với bất cứ ai, hy vọng họ có thể đã nhìn thấy con trai bà mất tích. Nhưng cô không bao giờ đi xa như Calcutta. Cô không thể tưởng tượng con trai cô đã đi quá xa.
Chuyện cổ tích của đứa trẻ nghèo
Saroo đang ngắm nhìn những làn mây khi máy bay đang bay qua hòn đảo Tasmania. Cậu bé nhai thanh sô-cô-la và nghĩ về gia đình mới của mình. Cậu bé đã nhận được hình ảnh về bố mẹ nuôi, về ngôi nhà mới và chiếc xe của bố nuôi cậu. Đó là một cuộc sống mới.
Khi máy bay hạ cánh, cậu bé được đưa tới khu vực VIP, ở đây cậu đã gặp cha mẹ nuôi của mình. Cậu cảm thấy lo lắng và xấu hổ. Họ hỏi han cậu một vài câu rồi sau đó đưa cậu về ngôi nhà mới.
Thật là tiện nghi! Phòng khách, bốn phòng ngủ, khu bếp rộng rãi và một khoảng sân lớn nơi cậu có thể vui chơi thỏa thích.
Cậu bé có một phòng riêng, được trang trí bằng màu vàng và xanh. Trên giường ngủ, có một chú gấu nhồi bông mà cậu gọi là “Koala Dundee”. Cậu bé rất thích thú với đồ chơi mới của mình.
Nhà bếp rất sạch sẽ với nhiều bánh kẹo, và bữa tối nay, bố mẹ nuôi cậu đã chuẩn bị một bữa ăn Ấn Độ cho cậu. Cậu ăn như thể đây là lần cuối cùng cậu được ăn vậy. Cảm nhận được sự cô đơn của cậu, họ đã nhận nuôi một đứa trẻ Ấn Độ khác, và cậu có em trai mới.
Thật sự đây giống như một câu truyện cổ tích, chỉ rất ít trong số hàng triệu đứa trẻ ở Ấn Độ được người nước ngoài nhận nuôi; số lượng chỉ khoảng 1200 người trong một thập kỷ (Theo Cơ quan nhận nuôi con nuôi Trung ương Ấn Độ).
Saroo đã có một cái tên mới, đó là Brierley. Cậu bé được đi học, học tiếng Anh và có những người bạn mới. Nhưng những câu hỏi về quá khứ luôn đeo bám cậu. Bản đồ Ấn Độ được treo trong phòng ngủ, một bài hát hay một bài học nào đó vẫn gợi lên hình ảnh từ cuộc sống cũ của cậu bé.
Những đêm không ngủ được, cậu bé vẫn luôn nhớ về người mẹ của mình. Mẹ vẫn ổn chứ? Còn anh Guddu thì sao?
Thỉnh thoảng cậu khóc, cậu cầu nguyện rằng: Nếu có điều kỳ diệu trên thế giới này, hãy giúp cho cậu tìm được gia đình của mình.

Tìm lại gia đình qua Facebook

Bây giờ, Saroo đã lớn hơn, là một sinh viên đại học ngành kinh doanh và khách sạn. Cậu có rất nhiều bạn, và luôn tìm những người bạn tới từ Ấn Độ.

Mẹ con hội ngộ sau 25 năm tìm kiếm vô vọng
Đã nhiều năm trôi qua kể từ cái ngày trên con tàu khủng khiếp đó, nhưng Saroo vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời. Cậu luôn hỏi những người bạn Ấn Độ về nhà ga xe lửa bắt đầu bằng chữ B, hay là Bara?
Có rất nhiều nhà ga ở Ấn Độ bắt đầu bằng chữ cái như vậy. Cần phải có thêm nhiều thông tin mới tìm ra được. Và tất cả những ký ức của Saroo về quê hương của mình chỉ là thác nước nơi cậu sống, khu nhà ga xe lửa và đài phun nước cạnh rạp chiếu phim. Ngoài ra còn là những con đường sắt xung quanh ngôi nhà của cậu.
Ngôi nhà….cậu đã sử dụng tính năng tìm kiếm trên bản đồ của Google để nhìn được chính xác tổ chim ở ngôi nhà của mình tại Australia. Vậy những hình ảnh đó có thể thấy được ở quê hương Ấn Độ của mình chứ?
Cậu ngồi xuống máy tính và tìm trên bản đồ Ấn Độ. Cậu phóng to một đường ray xe lửa và chạy theo đường xe lửa đó, qua rất nhiều nhà ga. Cậu bắt đầu từ Calcutta, nhà ga cuối cùng cậu đã xuống, và quay ngược lại để tìm kiếm. Cậu đã rút ngắn thời gian bằng cách tính toán tốc độ những con tàu Ấn Độ có thể chạy nhanh như thế nào.
Nó giống như là mò kim đáy bể vậy, cậu biết điều đấy, nhưng cậu vẫn tìm kiếm trong nhiều năm. Bạn gái cậu, Lisa Williams, nhìn thấy cậu thức hàng đêm trên máy tính. Cô tự hỏi rằng bao giờ việc này sẽ dừng lại, bao giờ Saroo sẽ dừng lại.
Đôi mắt của Saroo vẫn không ngừng tìm kiếm qua các ga tàu và thác nước. Những cây cầu, đài phun nước – chính xác như cậu nghĩ. Cậu kéo lại gần hơn nữa. Đó là thác nước nơi cậu đã từng bơi. Một đường hầm quen thuộc, cái đài phun nước.
Trái tim cậu đập nhanh hơn, cậu vỗ một tay lên trán của mình. Bản đồ liệt kê đó là thị trấn “Khandwa”. Cậu vào Facebook, gõ từ Khandwa và nhận ra có một nhóm được gọi là “Khandwa’ My home Town - Khandwa quê hương tôi”
Ngày 31 tháng 3 năm 2011, cậu viết: “Có ai có thể giúp tôi được không, tôi nghĩ mình tới từ Khandwa. Tôi đã không quay trở lại đó 24 năm rồi. Tôi chỉ nhớ được có phải ở đó có một ngọn núi lớn gần rạp chiếu phim phải không?”
Không có ai trả lời cậu, ngày 3 tháng 4 năm 2011, cậu thử lại một lần nữa “Có ai có thể cho tôi biết tên của thị trấn hoặc vùng ngoại ô nằm phía bên tay phải của Khandwa được không, tôi nghĩ nó bắt đầu bằng chữ G”
Và có một hồi âm từ quản trị nhóm: “Ganesh Talai”
Đúng là Ganesh Talai rồi. Đó là quê hương của mình. Cậu chạy ra khỏi phòng ngủ, chạy tới gặp Williams và rất vui mừng kể với cô đã tìm thấy quê hương. Cậu kể câu chuyện này với cha mẹ nuôi, họ rất vui mừng nhưng cũng rất thận trọng, “Có rất nhiều đài phun nước ở Ấn Độ”, mẹ nuôi cậu nói. Điều đó cậu biết, và cậu biết phải tìm ra những gì đã xảy ra đối với gia đình mình, Guddu, mẹ, cậu sẽ quay trở lại.
Nhưng cậu sẽ quay trở lại như thế nào?
(còn tiếp)

  • Đình Sơn (Theo AP)

Câu chuyện được tường thuật bởi Nessman, tới từ Khandwa, Ấn Độ và Gelineau tới từ Sydney, Úc. Dựa trên các cuộc phỏng vấn với Saroo Brierley, bạn gái cậu Lisa Williams, mẹ cậu Fatima Munshi, em gái Shakila Khan và các tổ chức….