Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) đỗ thủ khoa khóa đầu tiên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Trong thời gian học, Giáo sư được gia đình gọi về lấy vợ, sau đó quay lại Hà Nội tiếp tục học tập.

Cụ bà Trần Thị Vân (1896) ở quê tiếp tục làm ruộng và buôn vải ở chợ Mễ Sở (Hưng Yên). 

Năm 1920, GS Hàm nhận bằng tốt nghiệp và được bổ nhiệm dạy ở trường Bưởi. Để ổn định cuộc sống, chuyên tâm theo đuổi công việc, Giáo sư đón vợ lên Hà Nội. Khi đó GS Hàm 22 tuổi, còn bà Vân bước sang tuổi 24.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, GS được bổ nhiệm làm thanh tra Trung học vụ, rồi làm hiệu trưởng trường Bưởi.

Người vợ 7 năm xa cách của vị hiệu trưởng

Gần 7 năm sau ngày cưới, vợ chồng Giáo sư Hàm mới chính thức được kề cận sớm tối. Bà lo buôn bán, kiếm tiền, đảm đương mọi việc lớn nhỏ trong nhà.

Vợ chồng Giáo sư Hàm có 8 người con. Bốn người con trai được đặt tên lần lượt là Bành, Bái, Hồng, Minh. Bốn người con gái là Ngân, Thoa, Duyên, Cương.

{keywords}
Ông Dương Tự Minh - con trai út của vợ chồng GS Dương Quảng Hàm.

Trong mắt ông Dương Tự Minh (SN 1935) - con trai út vợ chồng GS Hàm, cụ bà Vân là người nóng tính nhưng luôn dành cho chồng sự nể phục đặc biệt.

'Mẹ tôi học chữ Nho từ nhỏ, tư chất thông minh, có khiếu kinh doanh. Tám tuổi mẹ theo bà ngoại tôi ra chợ buôn bán. Năm 10 tuổi cụ được cấp vốn tự mua hàng, mang ra Hà Nội bán dưới sự hướng dẫn của người lớn’, ông Minh xúc động nói.

Vợ chồng đoàn tụ, cùng gây dựng cơ nghiệp, Giáo sư Hàm bàn với vợ mua đất, dựng nhà, định cư tại Hà Nội.

Giáo sư Hàm vốn sống giản đơn, không phô trương nhưng cụ quan niệm ngôi nhà là tổ ấm để các con khôn lớn, trưởng thành vì vậy, cụ muốn xây ngôi nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi cho cả gia đình sinh sống.

Chiều chồng, cụ bà Trần Thị Vân mua mảnh đất 300m2, dựng căn nhà 3 tầng ở phố Hàng Bông. 

'Thời điểm đó, đây là khu đất rộng lớn. Mẹ tôi kể, cụ chọn mảnh đất này vì thấy có tàu điện đi qua và dừng ở đây, dân cư đi lại tấp nập. Nếu vừa ở, vừa kinh doanh rất hợp lý', ông Minh nói. 

{keywords}
Tủ gỗ lưu giữ tư liệu về Giáo sư Dương Quảng Hàm ở ngôi nhà trên phố Hàng Bông.

Những năm 30 của thế kỷ trước, các gia đình Hà Nội gốc thường xây nhà theo kiến trúc cổ nhưng GS Hàm xây nhà theo kiến trúc mới, trần cao 4 mét, sàn lát gạch hoa, hệ thống cửa bằng gỗ lim. Trong nhà có đèn điện, quạt trần, nước máy.

'Cha tôi là nhà nghiên cứu văn học nhưng có kiến thức rộng và toàn diện, luôn cập nhật kiến thức qua mọi loại sách báo. Vì thế cụ mua bộ Tự điển Bách Khoa toàn thư gồm 6 quyển khổ lớn về nghiên cứu và tự vẽ thiết kế, thuê nhà thầu khoán xây nhà. 

Các anh chị tôi kể, công trình được cha tôi giám sát thi công rất kỹ lưỡng nên trải qua 90 năm vẫn vững chãi', ông Minh kể.

{keywords}
Phố Hàng Bông ngày nay.

Ấm trà sáng sớm và biểu tượng hạnh phúc

Đến với nhau từ sự mai mối của hai dòng họ nhưng vợ chồng GS Hàm đã có cuộc hôn nhân viên mãn. 

Cụ bà Vân lặng lẽ đứng sau chồng, gánh vác việc gia đình để ông chuyên tâm với sự nghiệp.

Đại gia đình Giáo sư Hàm thức giấc lúc 5 giờ 30 sáng, tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi bắt đầu những công việc của một ngày.

{keywords}
Vợ chồng Giáo sư Hàm bên 8 người con.

Buổi sáng, cụ Vân chuẩn bị sẵn một ấm trà ngon, cùng chồng thưởng thức. Trong khi đó, giáo sư Hàm giở tờ báo mới ra đọc tin tức và giảng giải cho vợ những vấn đề phức tạp.

Cảnh tượng hai vợ chồng Giáo sư Hàm ngồi uống trà, đọc báo đầy bình yên, trở thành biểu tượng hạnh phúc của gia đình cho đến mãi sau này.

Sau đó, GS Hàm đạp xe đến trường, còn cụ Vân ở nhà bận rộn với cửa hàng bán vải vóc, quần áo.

'Từ lúc biết nhận thức, tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ to tiếng với nhau dù chỉ một lần. Hai người sống rất hòa thuận, bình đẳng’, ông Minh nhớ lại.

Với cụ bà Trần Thị Vân, Giáo sư Hàm không chỉ là người chồng mà còn là người bạn tri kỷ, là điểm tựa tinh thần lớn. Sự ra đi đột ngột của GS Hàm như cú sốc lớn, khiến cụ Vân chao đảo.

‘Khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra, bố mẹ tôi được dân quân tự vệ đưa đến đền Hàng Bạc. Từ nơi này, tất cả người tản cư sẽ được dân quân tự vệ hỗ trợ di chuyển ra vùng tự do bằng cách đi qua bãi đất dưới chân cầu Long Biên có lính Pháp chiếm đóng.

Dân quân tự vệ có chủ trương: Đàn bà đi trước, đàn ông đi sau. Cha mẹ tôi đành chia tay, để mẹ tôi đi trước và hẹn gặp nhau ở quê nhà. Thế nhưng, khi mẹ tôi về đến quê, ngóng trông nhiều ngày vẫn chưa thấy bóng dáng chồng đâu.

Đến khi có người báo tin, gia đình tôi mới biết, quá trình ra khỏi nội thành, cha tôi cùng nhóm dân quân tự vệ gặp phục kích của địch, bị bắn chết. Mặc dù vậy, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp mẹ con tôi vẫn hi vọng cha trở về.

Sau này, giải phóng Thủ đô, niềm tin đó mới thực sự dập tắt. Đến nay thi thể cha tôi vẫn không rõ ở đâu’, giọng đượm buồn, ông Dương Tự Minh nói.

Sau sự ra đi của chồng, cụ Vân tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Giải phóng Thủ đô, phu nhân Giáo sư Hàm trở thành Ủy viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Đi đâu, làm việc gì, cụ Vân không dùng tên riêng của mình mà xưng là bà Dương Quảng Hàm, như gợi nhớ về người chồng nổi tiếng của mình.

‘Một tuần trước khi mất, mẹ tôi đòi con đỡ ngồi dậy ra thắp hương cho cha nhưng tôi chỉ dạ vâng rồi quên bẵng đi. Đến giờ, tôi vẫn ân hận khi không giúp mẹ thực hiện tậm nguyện cuối đời đó’, ông Minh nghẹn ngào nói.

Đám cưới lạ lùng, hóa giải thù hận giữa hai gia tộc ở Hưng Yên

Đám cưới lạ lùng, hóa giải thù hận giữa hai gia tộc ở Hưng Yên

 Vì một chức vụ của làng, hai gia tộc ở Hưng Yên đã mâu thuẫn thù hằn cho tới khi đám cưới của đôi trẻ diễn ra.

Diệu Bình