Tháng 10/2011, dư luận cả nước bàng hoàng chứng kiến vụ vỡ nợ “tín dụng đen” lên đến hàng nghìn tỷ tại thôn thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội.

Trong phiên xử diễn ra tháng 12/2012, Nguyễn Thị Cúc, kẻ bị kết tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 200 tỷ đồng và hơn 400 cây vàng đã phải nhận án tù chung thân. Trả giá cho hành vi tội lỗi bằng cả cuộc đời sau song sắt, Cúc bỏ lại hai đứa con thơ cho bố mẹ già và chồng chăm sóc. Thời gian trôi qua, ngôi nhà vợ chồng Cúc từng sinh sống vẫn vậy. Nhưng những người thân của trùm lừa đảo này thì dường như đã phải hứng chịu quá nhiều đau buồn.

{keywords}
Chị Điềm vẫn bán hàng để tích cóp tiền trả số nợ

Sự mặc cảm về một thời… “đại gia”

Dừng xe ở Thị trấn Phú Minh (giáp thôn Văn Minh - PV), tôi hỏi đường vào nhà Hùng – Cúc thật dễ dàng bởi “danh tiếng” của cặp vợ chồng này. Vào sâu trong ngõ, ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng Cúc khang trang, rộng rãi, bên trong trồng rất nhiều cây cảnh.

Cửa cổng đang mở, tôi đánh bạo bước vào hỏi thăm. Từ trong bếp, một người đàn ông dong dỏng cao bước ra và nói: “Cậu gặp ai, có chuyện gì (?)”. Đoán chừng đây chính là anh Nguyễn Xuân Hùng (chồng Cúc – PV), chúng tôi giới thiệu mình là phóng viên, muốn đến hỏi thăm gia đình. Như bị “chạm nọc”, ban đầu anh Hùng xua tay đây đẩy: “Thôi, chuyện xong lâu rồi có gì mà hỏi”, rồi thừ người ra ngồi phệt xuống hiên nhà. Phải mất một hồi thuyết phục, tâm tình, người viết mới được người chồng “nổi tiếng” này mời lên phòng khách.

Ngồi đối diện với tôi, anh Hùng trông dáng người gầy, khuôn mặt lúc nào cũng buồn rầu. Hỏi chuyện liên quan đến vụ vỡ nợ năm nào, anh thường tránh và không muốn trả lời. Tôi hỏi về tình hình gia đình kể từ khi chị Cúc bị bắt, anh trả lời nhưng đôi vai run run như thể bị xúc động mạnh vì biến cố khủng khiếp ập lên đầu gia đình mình suốt thời gian vừa rồi.

Anh cho biết, từ khi vợ bị bắt cũng ít đến trại thăm, toàn gia đình bên ngoại đi. Hai vợ chồng anh cưới nhau từ năm 2002, trước đây anh làm nghề lái xe công nông, còn Cúc thì hàng ngày cặm cụi bên chiếc máy khâu.

Hiện nay, anh sống với bố mẹ già đều đã ngoài 70 tuổi và 2 đứa con, còn chị gái lấy chồng và sống cách nhà anh 30m. Nghe anh kể, tôi nhìn lên góc tường thấy mấy bức ảnh cưới và hai đứa con của hai vợ chồng Cúc mà thấy xót xa.

Ngược dòng quá khứ, anh từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng giờ đang ngồi tù, bỏ lại con cho anh và gia đình chăm sóc. Anh chua chát: “Cũng từ ngày Cúc bị bắt, tôi chỉ ở nhà không đi làm đâu, phần vì sức khỏe, phần vì xấu hổ với bà con dân làng. Gần hai năm rồi kể từ sau khi vụ vỡ nợ xảy ra, tôi vẫn cứ thấy ngượng khi bắt gặp ánh nhìn của ai đó ngoài đường. Mà ngẫm lại, chuyện mình trước đây đã thế, giờ đi ngửa tay xin việc, liệu ai thương”.

Quả thật, từ khi xảy ra vụ vỡ nợ nghìn tỷ chấn động dư luận, người dân thôn Văn Minh chưa bao giờ lấy lại được thiện cảm với gia đình Cúc. Trong mắt họ, vợ chồng anh Hùng là những kẻ lừa đảo không hơn. Cứ thế, giữa gia đình anh Hùng và xã hội bên ngoài như bị ngăn chia bởi thứ mặc cảm về một thời quá khứ. Ở đó, vợ chồng anh là “đại gia”, nhưng không phải nhờ khả năng làm giàu chân chính thực sự.

Nhớ lại dạo trước khi vỡ nợ, gia đình Hùng - Cúc được biết đến như một “doanh nhân” thành đạt, là một đại gia của cả xã. Người dân quanh vùng hoa mắt khi chứng kiến cảnh tiêu tiền như nước và nể phục với việc làm “từ thiện” của gia đình Cúc, như chuyện bỏ tiền ra làm đường bê tông cho bà con trong xóm, rồi lại tổ chức liên hoan linh đình, toàn sử dụng những đồ xịn, hàng hiệu, thay đổi ô tô liên tục.

Nhưng từ khi chuyện Cúc vỡ nợ rồi bị bắt, cuộc sống vương giả ấy chỉ còn là ký ức nằm đâu đó. Anh Hùng nghẹn giọng nói rất thật: “Bây giờ, tôi chẳng lúc nào có nổi 1 triệu bạc trong người. Dịp nghỉ lễ 30/4, gia đình chẳng đi đâu cả, vì lấy tiền đâu mà đi chơi”.

Nói đến đấy, “đại gia” một thuở lại liếc mắt nhìn lên tấm ảnh chụp chung của hai vợ chồng. Có lẽ, anh chưa thể quên những ngày huy hoàng, khi trong tay từng cầm cả trăm tỷ đồng. Nhưng nhớ chỉ để thêm chua chát, bởi nào ngờ đâu, đến một triệu bạc trang trải cho những sinh hoạt bình dị nhất hàng ngày, bây giờ anh Hùng cũng không có.

“Giờ chỉ muốn yên để nuôi hai cháu”

Đang nấu cơm trưa cho hai đứa cháu nội dưới bếp, chợt nghe con trai nói về hoàn cảnh bi đát sau vụ vỡ nợ, mẹ anh Hùng lên nhà chen ngang câu chuyện: “Thôi chú thông cảm, chuyện đã xong là xong, chúng tôi đau lòng lắm rồi, giờ chỉ muốn yên để nuôi hai cháu, muốn hỏi gì cứ lên trại mà hỏi”. Nhìn ánh mắt của bà, tôi cảm nhận được nỗi đau vô tận và ẩn chứa trong đó là tình thương đối với hai đứa cháu nội phải chịu cảnh xa lìa mẹ.

{keywords}

Cửa cổng nhà Cúc giờ không còn đóng im ỉm nữa

Như không mấy để ý lời mẹ, anh Hùng vừa rót nước mời tôi uống, vừa kể miên man: “Con gái đầu của vợ chồng tôi giờ học lớp 3 ở trường xã, sáng đưa đi học chiều đón về. Chuyện xảy ra nhưng may là việc học tập của cháu cũng không bị ảnh hưởng gì. Đứa thứ hai là con trai mới 29 tháng tuổi, lúc mẹ nó bị bắt mới có 10 tháng, tôi ở nhà trông 2 đứa, không làm gì.

Ông bà nội có lương khoảng hơn 5 triệu/tháng, nhưng nuôi cả 5 người, ở vùng quê thế này cũng đủ sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng”. Câu chuyện đến đây, anh Hùng đột nhiên ngước lên thở dài. Với tay châm điếu thuốc, rồi hướng mắt xa xăm, anh nói giọng buồn rầu: “Chuyện xảy ra như thế này từ lớn đến bé đều buồn, con cái giờ không được mẹ chăm sóc”. Anh bảo, giờ cũng chỉ mong các con được sống bình thường như bao đứa trẻ khác, không ai ghét bỏ các con mình.

Rời nhà anh Hùng sải bước trên con đường làng, tôi cứ nghĩ mãi về cái ước mơ tưởng chừng quá đỗi nhỏ nhoi của người đàn ông từng một thời “lên xe xuống ngựa”. Cái bi kịch mà anh, vợ anh và cả gia đình phải hứng chịu hôm nay, âu cũng là lẽ “nhân quả” ở đời.

Tại miền quê ven đô này, biết bao người dân lao động thật thà, cả đời tích cóp được chút tiền đã bị mất trắng vì trò lừa đảo của Nguyễn Thị Cúc. Bây giờ, họ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, coi như đành mất trắng.

“Của đau con xót”, trách sao được khi người ta dè bỉu, coi thường kẻ đã cướp đi tài sản mồ hôi nước mắt của mình. Nhưng nghĩ đến cuộc trò chuyện với chồng Cúc, tôi lại chợt thấy nhẹ lòng một chút. Những đứa trẻ vô tội (con anh Hùng – PV) không làm chuyện xấu xa như mẹ chúng.

Vậy nên, để lũ trẻ có một mái ấm bình yên (dù nghèo khó) và những ngày thanh thản đến trường, dường như cũng là một “nghĩa cử” nhân văn, một sự bao dung mà dư luận dành cho cặp vợ chồng một thời đẩy họ vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Tự sự cay đắng của một chủ nợ

Trên đường rời nhà anh Hùng, một người dân khẽ vẫy tôi lại bảo: “Vừa nãy có đứa là chủ nợ cũng mất khối tiền, nó tên là Điềm, nó bảo tiếc quá không gặp chú”. Lời gợi chuyện ấy làm tôi tò mò, nên cố lần tìm đến tận nơi chị Điềm đang bán hàng ở ven đường thị trấn Phú Minh. Gặp phóng viên, chị Điểm hỏi ngay: “Tôi nghe nói có nhà báo về.

Thế bây giờ tôi có lấy được tiền không chú (?)”. Rồi chẳng cho tôi kịp phản ứng, chị thao thao trút những tâm sự lâu nay phải “chôn chặt” trong lòng: “Tôi có đứa bạn thân tên Vinh ở chợ, nó bảo gom tiền đưa cho nó để cho người khác vay lấy lãi. Nó chuyển cho một tay nữa rồi mới đến nhà Hùng – Cúc.

Giờ có đòi thì gia đình nó cũng chẳng có mà đòi, tôi mất 195 triệu, nhà thì toàn làm ruộng chứ có tiền đâu, phải đi vay anh em, bạn bè, người ngoài nữa. Của nhà thì xác định mất, nhưng mình vay bên ngoài thì giờ mới trả được 20 triệu, còn 30 triệu xin khất trả dần. Tôi cũng vì muốn cho vay, lấy lãi đóng học cho 3 con, ai ngờ vẫn chưa lấy được đồng lãi nào mà giờ gốc thì mất hết. Xót xa quá chú ơi…”.


(Theo GĐXH cuối tuần)