Những người dân trong ngôi nhà bằng sậy, trao đổi sản phẩm để sống mà không cần kiếm tiền.

Tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes, ở độ cao 3.812m so với mực nước biển, Titicaca là hồ trên núi cao nhất thế giới. Titicaca cũng là hồ có lưu lượng nước ngọt lớn nhất khu vực Nam Mỹ.

Nơi đây cũng sở hữu một quần đảo nhân tạo gồm 44 hòn đảo tìm thấy ở khu vực Uru. Các hòn đảo này đều do người Uros - bộ lạc nhỏ lâu đời ở Nam Mỹ tạo ra trong thời kỳ Inca. Họ có một cách sống khá kỳ lạ.


Lịch sử hình thành những hòn đảo này xuất phát từ nhu cầu việc người Uros muốn tránh khỏi các cuộc chiến tranh liên miên và những khó khăn của cuộc sống nơi đất liền.

Đây là cách người Uros có thể thoát khỏi mối đe dọa từ những kẻ hiếu chiến và mặt hồ Titicaca trở thành nơi sinh sống của họ đã hàng thế kỷ qua.


Có khoảng 3.000 người Uros hiện đang sinh sống trên các đảo nổi trên mặt hồ Titicaca, mỗi đảo gồm hơn 10 gia đình chung sống với nhau.

Khu vực hồ được chia thành hai vùng: Willy Rio với khoảng 370 gia đình là hơn 2.200 người sinh sống và khu vực Cacapi, với khoảng 105 người là 1.050 người sinh sống.


Người Uros là những người tiền Inca với 3 nhóm người chính là Uru-Chipayas, Uru-Muratos và Uru-Iruito. Theo truyền thuyết, người Uros là những người có “máu đen” bởi vì họ không cảm thấy lạnh. Họ tự gọi mình là “Lupihaques” (Con trai Thần Mặt trời).


Nơi ở của người Uros là những hòn đảo nhân tạo được hình thành từ những câu sậy có tên là totora, mọc tự nhiên trên bờ hồ Titicaca.

Những cây sậy đổ xuống và xếp chồng chất lên nhau tạo thành những đảo lênh đênh trên hồ. Chúng như những chiếc phao và có thể chịu được một sức nặng cực lớn.


Những ngôi nhà như những chiếc phao nổi trên mặt hồ là nơi định cư của người Uros ở Peru hàng nghìn năm qua.

gioi thieu

Những hòn đảo này chắc chắn đến nỗi nó có thể tải được rất nhiều gia đình nhưng cũng bị mục rữa rất nhanh bởi những cây sậy ngập chìm trong nước nhanh chóng bị phân hủy.

Khi đó, người Uros thường phải phủ một lớp sậy mới lên bề mặt hòn đảo mình sinh sống. Việc này rất dễ dàng vì sậy totora có sẵn ở khu vực mép hồ Titicaca. Tuy nhiên, bề mặt đảo sậy rất xốp và đôi khi gây khó khăn cho việc đi lại.


Người Uros làm nhà, đồ gia dụng và thuyền từ những cây sậy totora. Họ cũng biết thêu, dệt và làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.


Người Uros sống một cuộc sống đơn giản, đánh bắt cá, săn bắn chim hoang dã làm lương thực trên hồ Titicaca bằng cách sử dụng những ngọn giáo bằng sậy totora.


Họ có thể dùng những thứ cần thiết cho cuộc sống của mình bằng cách trao đổi cho nhau. Theo họ, cuộc sống đơn giản chỉ cần đổi chác cho nhau tất cả các sản phẩm từ thiên nhiên là đủ, nên đôi khi không cần kiếm tiền.


Điều thú vị là ở trên đảo không có bất kỳ đồ dùng nấu nướng hiện đại nào, vậy mà người Uros vẫn nấu ăn bình thường mà không bắt lửa vào lau sậy làm phá hủy ngôi nhà của mình.

Cái mà họ làm là tạo một đống đá nhỏ đủ cao để đốt lửa ở bên trên đồng thời không làm cho lửa có thể bén xuống.


Mặc dù chỉ là một bộ lạc với số lượng nhỏ, người Uros đã chấp nhận những nét văn minh của xã hội châu Âu. Nhiều người đã sử dụng các tấm pin Mặt trời để cung cấp điện cho các thiết bị trong nhà.

Một máy phát điện chạy bằng gas được sử dụng để phát điện chiếu sáng vào ban đêm tuy nhiên cũng rất hạn chế vì chi phí đắt đỏ. Thay vào đó, người dân ở bộ lạc dùng thêm nến và đèn flash.


Khí hậu ở hồ Titicaca rất khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày hiếm khi vượt quá 18 độ C và ban đêm thường xuống dưới con số 0 độ C trong suốt mùa hè.

Những người quen sống ở đất liền khi đến thăm Titicaca đều có cảm giác lúc đầu khó thở, chóng mặt vì không chịu được môi trường khắc nghiệt nơi đây.


Hiện nay, dân cư ở vùng Willy Rio sống chủ yếu dựa vào du lịch, trong khi dân cư khu vực Cacapi duy trì cuộc sống chủ yếu bằng những nghề truyền thống như đánh cá, bẫy chim. Khách du lịch rất khó để bước chân được vào khu vực của họ.


Cuộc sống hoang dã trên đảo nổi càng ngày càng trở nên khó khăn và khắc nghiệt. Nhiều người dân Uros đã tìm cách chuyển tới đất liền để có cuộc sống tươi mới hơn, song người ở lại vẫn duy trì những phong tục tập quán của mình dù cuộc sống có đôi chút thay đổi.

(Theo MASK)