Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) trước dịp 27/7 vài ngày. Trái với không khí thanh bình, tĩnh mịch bên ngoài cổng, đâu đó vẫn tràn ngập tiếng nói cười của những người tuổi đã "thất thập cổ lai hy".
Hiện trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 97 thương, bệnh binh nặng, hạng 1/4, với tỷ lệ thương tật từ 81 đến 100%. Trong số họ có 61 người là thương binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 1 người từ thời chống Pháp, còn lại là 35 người lính bị thương trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Loan (thương binh 1/4, tỷ lệ thương tật 96%), người lính từng tham gia Chiến dịch mùa xuân 1968 tại Quảng Trị kể với phóng viên, trước sự tấn công bất ngờ của bộ đội Việt Nam, địch co cụm ở các đồn bốt, chung cuộc chúng ta đã giành nhiều thắng lợi. Lúc này, ông cùng đồng đội chiếm phá nhà lao tại mặt trận Quảng Trị, nơi giam giữ các chiến sĩ. "Đó là cuộc chiến tuy đổ máu nhiều nhưng cũng rất oanh liệt", ông nói. 
"Rất nhiều đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống trước mắt. Mảnh đạn xuyên qua cột sống đến bây giờ như một minh chứng rõ nhất khắc sâu vào cơ thể tôi", ông Loan bồi hồi nói.
Ông Loan tham gia kháng chiến khi mới 20 tuổi. Trận chiến năm 1968 đã cướp đi đốt xương sống của người thương binh quê Hưng Yên. “So với các vùng chiến thuật khác, mặt trận Đường 9-Khe Sanh là vùng địch tập trung số lượng quân và phương tiện chiến tranh có quy mô lớn nhất. Ngay ngày đầu tôi cùng các đồng đội sẵn sàng lao lên chiến đấu không quản thương vong. Đó là bước mở đầu rất lớn cho mặt trận phía sau tiến vào đánh phá trung tâm. Mảnh đạn khiến tôi rời chiến trường và liệt giường 10 năm trước khi chuyển vào trung tâm năm 1978", ông Loan chia sẻ thêm.
Những vết thương, dấu vết mảnh đạn để lại trên người như một phần minh chứng lịch sử, khẳng định sức mạnh của ý chí của người lính cụ Hồ năm xưa.
Ngoài ông Loan và nhiều đồng đội nam giới trung tâm còn có các nữ chiến sĩ từng tham gia các hoạt động thời chiến. Bà Nguyễn Kim Thoa là một trong 5 nữ thương bệnh binh tại trung tâm. 
Kế bên phòng bà Thoa là phòng ông Nguyễn Văn Hinh, người từng tham gia chiến trường bảo vệ Thái Nguyên và bị thương khi chiến đấu với máy bay Mỹ năm 1965.  Trên tay ông là ảnh gia đình trong một lần đến thăm quảng trường Ba Đình năm 1992.
 Hơn 90% trong số họ bị thương cột sống, gây liệt nửa người nên phải di chuyển sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc. Nhiều người còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu… Mỗi khi trái nắng trở trời, thời tiết thay đổi, các vết thương cũ gây ra những cơn đau nhức nhối ở hốc mắt, mỏm cụt, bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo ra những cơn co giật gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ của các thương binh.
"May mắn hơn các anh em tại trung tâm, tôi tham gia quân đội những năm thời kỳ bảo vệ xây dựng đất nước nên mức độ khốc liệt của chiến trường cũng ít hơn. Có những người ở đây bị liệt 4 mùa phải nằm liệt giường không cử động được ngay cả những việc sinh hoạt hàng ngày cũng phải nhờ thân nhân hoặc hộ lý. Vì vậy, tôi học thêm việc sửa chữa linh kiện điện tử để giúp đỡ mọi người", ông Nguyên (tham gia chiến trường ngã ba Đông Dương) chia sẻ.
Hàng năm cứ đến dịp hè, hàng ghế đá trước cửa gia đình ông Lê Ngọc Quang lại tấp nập người hơn thường ngày. Các cháu nghỉ hè đều thích về chơi với ông bà. Điều này như một niềm động viên rất lớn với người cựu binh.
Năm ngoái là năm duy nhất Khánh không được về thăm ngoại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ lúc nghỉ hè, hai chị em được bố mẹ đưa đến trung tâm để cùng sinh hoạt, vui chơi với ông bà và các thương binh hàng xóm. "Về đây năm nào cũng vui vì cháu được ở gần ông bà, được thoải mái đá bóng và kết bạn với các bạn của gia đình các thương binh khác. Chúng cháu đến đây được vui chơi, còn ở thành phố các bạn chỉ thích chơi điện thoại thôi", Khánh vui vẻ nói.
Từng tham gia chiến trường ở biên giới Tây Nam, ông Quang và đồng đội làm nhiệm vụ đánh đuổi quân Khmer Đỏ giúp đỡ đồng bào Campuchia. Khi trở về trên người ông đã có một viên đạn xuyên vào cột sống. Ngoài chiếc xe lăn làm bạn lúc này, ông còn một người bạn đời rất quan trọng và tri kỷ của mình là bà Hoàng Thị Mai.
Ông Quang, bà Mai kết hôn và chung sống với nhau tại trung tâm này từ năm 1986. Hàng xóm xung quanh vẫn hay trêu hai ông bà dù đã lớn tuổi vẫn giữ thói quen xưng hô "anh em" rất tình cảm.
"Sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ cũng như hộ lý tại trung tâm giúp ông ổn định sức khỏe và tránh tái phát những cơn đau. Tôi yêu ông ấy lắm, việc vào đây là tôi tự nguyện, một phần để được tận tay chăm sóc cũng như hỗ trợ hết mức để chồng mình không phải tự tay làm bất cứ việc gì", bà Mai tâm sự.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương do bom đạn, do súng hàng ngày vẫn hành hạ cơ thể những người thương binh nặng nơi đây. Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành là nơi lưu giữ những minh chứng lịch sử đi cùng năm tháng.