Vịnh San Francisco là nơi kỳ lạ. Tiền thuế cao, hàng xóm kém thân thiện. Sống ở đây, bạn có thể mất cả tiếng để đến Facebook, Google hay Apple. Đi trong thành phố, bạn sẽ gặp những tên tội phạm, hút chích còn cà phê được bán giá 5 USD. Tuy nhiên, nơi đây vẫn thu hút nhiều người chuyển đến vì là đại bản doanh của những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Điều đó vẫn đúng cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Làm việc từ xa trong nhiều tháng mang đến cảm giác mới mẻ cho nhân viên công nghệ. Họ nhận ra môi trường bình yên sẽ dễ thở hơn những nơi đông đúc.
Họ tháo chạy đến thị trấn bãi biển, những nơi bán cà phê rẻ hơn và không có thuế thu nhập. Đó là câu chuyện diễn ra tại vùng vịnh San Francisco, nơi ngày càng chật chội với những công ty, nhân viên mới chuyển đến.
Theo moveBuddha, lựa chọn số một cho những người rời San Francisco là Austin, bên cạnh Seattle, New York và Chicago. Một số thành phố mở chương trình trợ cấp để thu hút người chuyển đến. Thị trưởng Miami thậm chí kêu gọi người đến ở trên Twitter.
Đại dịch Covid-19 khiến những văn phòng này không được sử dụng trong nhiều tháng. Ảnh: New York Times. |
Cuộc sống bình thường
"Tôi nhớ San Francisco, nhớ cuộc sống ở đó" là chia sẻ của John Gardner, 35 tuổi, nhà sáng lập kiêm CEO Kickoff - startup đào tạo cá nhân từ xa. Đó là suy nghĩ của Gardner khi thu dọn đồ đạc cho chuyến đi lang thang khắp nước Mỹ.
"Xin chào từ bãi biển Miami. Đây là nơi thứ 40 được tôi đặt trụ sở tạm thời cho Kickoff", Gardner chia sẻ sau 4 tháng khởi hành.
Đào tạo cá nhân từ xa, lĩnh vực mà startup của Gardner nhắm đến, vô tình trùng hợp với chuyến đi xa xôi của anh. Theo Gardner, trải nghiệm rời bỏ "trung tâm công nghệ" San Francisco, hòa mình vào cộng đồng giúp anh phát triển thêm cho Kickoff.
Cuộc di cư khỏi vùng vịnh là có thật, dù các hãng công nghệ lớn vẫn nằm tại đây, những CEO trẻ không ngừng kéo đến với ước mơ lập nghiệp. Giá thuê nhà tại San Francisco đã giảm 27% so với năm trước, tỷ lệ văn phòng trống tăng lên 16,7%, con số chưa từng có trong 10 năm qua.
Theo thống kê của Zillow, lượng nhà được rao bán tại San Francisco nhiều hơn năm trước. Chỉ trong hơn một tháng, moveBuddha cho thấy 90% tìm kiếm liên quan đến San Francisco là của người sắp chuyển đi nơi khác.
Twitter, Yelp, Airbnb và Dropbox đang cho thuê một số văn phòng của họ tại San Francisco. Pinterest, sở hữu một trong những văn phòng ấn tượng nhất vùng vịnh, đã đền bù 90 triệu USD do phá hợp đồng thuê văn phòng. Các công ty như Twitter, Facebook đã cho phép nhân viên "làm tại nhà vĩnh viễn" sau thời gian dài bùng phát dịch.
"Chuyển đến căn nhà 1,3 triệu USD sau khi xem video trong 20 giây. So với căn nhà cùng giá tại San Francisco, nơi đây như biệt thự", Mike Rothermel, nhà thiết kế của Cisco - chuyển đến Boulder (bang Colorado) cùng vợ vào mùa hè năm ngoái - chia sẻ. Khi đến nơi, họ còn được hàng xóm chào đón bằng bánh mì cuộn hương quế và những mảnh giấy viết tay.
Cùng một giá tiền mua ngôi nhà 3 phòng ngủ tại San Francisco, có thể mua được căn nhà 5 phòng và mẫu đất 4.000 m2 ở Texas. Ảnh: New York Times. |
Không thuế thu nhập
"Chúng tôi đang bán nhà để chuyển khỏi San Francisco. Nên đi đâu và tại sao?", đồng sáng lập Twitch, Justin Kan chia sẻ trên Twitter vào tháng 8/2020. Trả lời bên dưới, nhà sáng lập công ty phần mềm Palantir, Joe Lonsdale ghi rằng: "Hãy đến Austin với chúng tôi. Hệ sinh thái công nghệ đang phát triển và Texas là nơi tốt nhất để cùng nhau xây dựng xã hội tự do".
Texas được xem là khu vực có "tinh thần công nghệ" gần giống vùng vịnh nhất. Hãng máy tính Dell đặt trụ sở tại Texas, còn Đại học Texas là một trong những trường hàng đầu của Mỹ.
Austin cũng là điểm đến của các hãng công nghệ lớn. Văn phòng 1 tỷ USD, rộng hơn 500.000 m2 của Apple đang được xây dựng tại đây. Alphabet, Amazon và Facebook cũng đã xây dựng, hoặc lên kế hoạch mở rộng cơ sở tại Austin. Elon Musk, CEO Tesla đã chuyển đến sống ở Texas.
Sahin Boydas, nhà sáng lập một startup làm việc từ xa đã cùng gia đình chuyển từ Cupertino (California) sang Austin. Cùng một giá thuê nhưng căn hộ mới tại Austin có 5 phòng ngủ, còn ở Cupertino chỉ có 3 phòng. Nhờ có thêm không gian ngoài trời, Boydas đã mua 2 con thỏ, dự định nuôi thêm mèo và chó, những điều không thể làm trước đây.
Bên cạnh phí thuê nhà rẻ hơn, tiền điện nước, đổ rác và ăn uống tại Austin cũng thấp hơn đáng kể so với Cupertino. Boydas cho biết mình còn không bị đánh thuế.
"Khi xem bảng lương, tôi thấy số 0 (ở phần thuế). Tôi gọi kế toán vì cho rằng đó là lỗi, nhưng họ đáp rằng không có thuế nào cả", Boydas chia sẻ.
Keyan Karimi, có cha mẹ sống ở Atlanta, bị thu hút bởi những ngôi nhà cổ kính tại Savannah (Georgia). Ảnh: New York Times. |
Điều khó chịu duy nhất là muỗi chích
"Mọi người nghe đây, sẽ ra sao nếu chúng ta chuyển từ Thung lũng Silicon đến Miami?", Delian Asparouhov, chủ nhiệm Quỹ Founders chuyên đầu tư cho startup, chia sẻ trên Twitter. Phía dưới, thị trưởng Miami trả lời: "Tôi có thể giúp gì?".
Miami đang là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, giám đốc startup đến sinh sống. Không chỉ Miami, thành phố Topeka (bang Kansas) đã khởi động Choose Topeka, chương trình trợ cấp 10.000 USD cho những người thuê nhà tại đây trong năm đầu tiên, hoặc 15.000 USD nếu mua nhà. Tulsa (bang Oklahoma) cũng sẽ trả 10.000 USD cho người chuyển đến ở.
Một chương trình tương tự tại Savannah (bang Georgia) sẽ trả cho những lao động ở xa 2.000 USD nếu chuyển đến sinh sống. Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động làm quen, gắn kết những người mới đến với người dân địa phương.
Keyan Karimi, 29 tuổi, một nhà đầu tư startup, đã chuyển đến Savannah. Nhận ra sự bất bình đẳng giữa các tỷ phú trong khu phố Pacific Heights của San Francisco với người vô gia cư dưới chân đồi, Karimi đã về nhà cha mẹ ở Atlanta để làm việc. Anh nhận thấy thành phố từng xem là nhàm chán lại trở nên thú vị, hoặc trước giờ chưa từng nhận ra.
Chỉ vài tháng sau khi rời căn hộ một phòng ngủ có giá thuê 4.000 USD/tháng ở San Francisco, Karimi đang làm việc với nhóm kinh doanh địa phương để thành lập trung tâm đổi mới hàng hải ở Savannah, đầu tư và hướng dẫn các startup về vận chuyển và logistic. Điều khó chịu duy nhất là muỗi quá nhiều.
Gillian Morris (giữa) trong một căn nhà tại Puerto Rico cùng Laura Thompson (trái) và Wren Dougherty. Ảnh: New York Times. |
Mọi người đều ở đây
Trên Facebook, nhóm có tên Leaving California (Rời California) thu hút 33.000 thành viên, và 51.000 người đang có mặt trong nhóm Life After California (Cuộc sống sau khi rời California)
Người sáng lập của 2 nhóm, Terry Gilliam, đang lên kế hoạch đưa các thành viên tham gia chuyến đi "săn nhà" qua miền đông Tennessee.
“Khi mọi người quyết định rời San Francisco, họ thường không biết mình muốn đi đâu. Họ chỉ muốn đi mà thôi", Gilliam nói.
Một trong những điều tốt đẹp ở San Francisco là sự gần gũi. Các doanh nhân có thể bắt gặp hàng chục cuộc thi startup trong một tuần. Nếu nghỉ việc tại công ty công nghệ lớn, sẽ có lời mời từ những công ty khác. Nếu một startup thất bại, sẽ luôn có một cái tên khác nổi lên.
Đó là những gì người rời bỏ San Francisco muốn tạo dựng lại. Ed Zaydelman, lãnh đạo cộng đồng Burning Man tại San Francisco, đã thành lập công ty Nookleo, xây dựng 5 căn nhà chung dành cho người làm việc từ xa. Một ngôi nhà có giá khoảng 30.000-40.000 USD. Mỗi khu có 4-6 ngôi nhà, một trang trại hữu cơ nhỏ, sàn tập yoga, hồ bơi và nhà bếp chung. 2 khu này đã được xây dựng tại Costa Rica, tiếp theo là Mexico và Bồ Đào Nha.
Tại Puerto Rico, Gillian Morris, người sáng lập ứng dụng du lịch Hitlist, cũng có ý định tương tự. Cô rời khỏi San Francisco sau khi một người bạn bị tấn công trên đường phố. Morris chuyển đến San Juan vào năm 2019, sống trong một ngôi nhà khổng lồ.
“Tôi có 12 người rời San Francisco trong vòng 2 tháng tới để tham gia một cộng đồng chung do tôi tạo nên", Morris nói. "Ở đây thật tuyệt vời".
Vòng tròn ở vịnh San Francisco
Nikil Viswanathan, đồng sáng lập startup về blockchain Alchemy, cũng đã tháo chạy khỏi San Francisco. Ông nói rằng không còn lý do gì để ở đó nữa, và muốn chuyển đến sống trên bãi biển. Giờ đây, Viswanathan đã thỏa ước mơ khi chuyển đến San Diego.
Xe tải chở một thế hệ tham vọng rời khỏi San Francisco. Vài năm sau, một xe tải chạy đến mang những ước mơ mới. Ảnh: New York Times. |
Tại nơi ở mới, Viswanathan thường tìm thấy "đồng hương", lần gần nhất là trong một bữa tiệc.
"Tôi biết đó là người chuyển từ San Francisco bởi khi bước vào, tôi nhìn thấy 2 màn hình máy tính, bàn phím kiểu công thái học trên chiếc bàn đứng", Viswanathan kể rằng họ đang trò chuyện về chi phí sinh hoạt tại San Diego thấp hơn so với San Francisco.
"Một chàng trai kể lại cảm giác hào hứng khi mua được bánh burrito với giá 6 USD". Với Viswanathan, chiếc burrito cuối cùng anh mua tại San Francisco có giá 15 USD.
Tại San Francisco, cư dân lâu năm đã quen với cảnh tượng xe tải chở một thế hệ tham vọng rời khỏi thành phố. Vài năm sau, một xe tải khác chạy đến mang những ước mơ mới.
Sau khi bong bóng Dot-com vỡ vào năm 2001, San Francisco đã chứng kiến nhiều năm hoang vắng trước khi đông đúc trở lại. Điều đó từng xảy ra khi ngành công nghiệp máy tính bùng nổ 10 năm trước. Đó là vòng tròn xoay quanh cuộc sống tại vịnh San Francisco.
Theo Zing/New York Times
Chống độc quyền kích thích sự đổi mới ở Thung lũng Silicon?
Những cuộc điều tra chống độc quyền được đặt trên hy vọng nối lại sự đổi mới ở Thung lũng Silicon.