CHẠY TRỐN VÀ SĂN LÙNG
Một bộ tiền vàng trục vớt tàu tàu đắm SS Central America. Ảnh: Dispatch |
Ở một nền dân chủ như Mỹ, nơi không có nhà vua, không Pharaoh, không hầm mộ, thì số vàng dưới xác tàu SS Central America thực sự là một kho báu quốc gia.
Năm 1988, Tập đoàn Khám phá Mỹ-Columbus do Thompson lãnh đạo đã công bố các bằng chứng trước tòa án chứng minh chính họ đã tìm ra vị trí xác tàu đắm Central America và có quyền sở hữu bất cứ thứ gì họ phát hiện dưới biển. Nhưng tuyên bố này đã bị thách thức gần như ngay khi Thompson đặt chân trở lại đất liền.
Thompson và hai công ty của ông đã bị kiện bởi không dưới 114 thực thể, bao gồm 39 công ty bảo hiểm tuyên bố họ là bên bảo hiểm hàng hóa trên hành trình của con tàu SS Central America, trước khi tàu đắm cùng số vàng khổng lồ vào năm 1857. Luật sư của các công ty bảo hiểm – mà Thompson gọi là “những tên cướp biển mang ca táp” – lập luận rằng vì các công ty đã trả tiền bồi thường vào năm 1857, họ phải được nhận kho báu ngay khi nó được tìm thấy.
Do một loạt vụ kiện tụng, các hoạt động trục vớt xác tàu đắm đã bị đình chỉ vào năm 1991, khiến lô vàng đã được đưa lên bờ rơi vào tình trạng tranh cãi pháp lý, trong khi hàng tấn vàng vẫn còn nằm lại ở xác tàu dưới đáy biển.
Tìm thấy kho báu mới là lúc mở ra hành trình căng thẳng, mệt mỏi của Tommy Thompson. |
Những thách thức pháp lý, cộng với cuộc ly hôn kéo dài và cái chết của cha ông, đã khiến tương lai các công ty của Thompson lâm nguy. Những bản chứng thực tại tòa cho thấy Công ty Khám phá Columbus-America đã chi hơn 30 triệu USD cho hoạt động trục vớt, điều hành doanh nghiệp và chi phí pháp lý chỉ riêng trong năm 1992.
Quá trình tranh cãi dai dẳng kéo dài đến năm 1998 khi cuối cùng, Thompson và các công ty của ông được trao quyền định đoạt đối với 92,2% kho báu, 7,8% còn lại được chia cho các công ty bảo hiểm.
Năm 2000, sau khi thỏa thuận bán vàng thông qua nhà đấu giá Christie đổ vỡ, Thompson đã thương lượng bán vàng thông qua Tập đoàn Tiếp thị Vàng California. Phần lớn vàng được bán cho những người buôn vàng và tiền xu cổ, và một phần được trưng bày trong một serie triển lãm trên khắp nước Mỹ.
Tiền vàng và thỏi vàng từ tàu SS Central America được mang đi triển lãm. Ảnh: Narratively |
Việc bán vàng mang về cho công ty khoảng 50 triệu đô-la nhưng Thompson tuyên bố với các nhà đầu tư rằng họ sẽ không nhận được bất kỳ khoản nào, vì toàn bộ số tiền đã được dùng để chi trả các khoản vay và phí pháp lý dồn lại kể từ khi bắt đầu sứ mạng tìm kho báu.
Nghi ngờ Thompson gian lận tiền và biển thủ 500 đồng vàng từ kho báu, vi phạm hợp đồng và nghĩa vụ ủy thác, năm 2005, hai nhà đầu tư đã kiện ông ra tòa. Sau đó, Thompson còn bị kiện bởi một nhóm 9 kỹ thuật viên định vị âm thanh trong chiến dịch tìm tàu đắm, cáo buộc rằng họ đã bị lừa 2% lợi nhuận từ vàng, cộng với tiền lãi.
Ba vụ kiện này đã tạo ra một tình huống pháp lý rối rắm với ngay cả nhóm luật sư tại tòa án.
Tháng 3/2012, công ty Recovery Limited Partnership của Thompson nộp đơn phá sản. Và tháng 7/2012, Thẩm phán liên bang Edmund Sargus đã ra lệnh cho ông phải nộp lại hàng trăm đồng tiền vàng bị nghi lấy cắp hoặc tuyên thệ rằng ông không biết chúng đang ở đâu.
Vào ngày 13/8/2012, đúng ngày mà Thompson được lệnh phải trở lại hầu tòa, ông ta như biến mất vào lòng đất, buộc Tòa án phải phát lệnh truy nã. Lúc này các chủ đơn kiện nhanh chóng hiểu ra rằng, việc tìm ra Thompson cũng chẳng hề dễ dàng hơn con tàu đắm.
Tới tháng 11 năm đó, nữ trợ lý của Thompson là Alison Antekeier cũng biến mất. Hai người được cho là ở cùng nhau, và các nhà đầu tư nghi ngờ họ sở hữu hàng triệu đô-la tiền mặt cùng với 500 đồng vàng. Ngoài các vụ kiện dân sự, Thompson còn bị buộc tội hình sự là khinh miệt tòa án, và Cảnh sát Tư pháp Mỹ đã được giao nhiệm vụ săn lùng ông.
Từng là thợ săn kho báu thành công nhất thế giới, giờ đây Tommy Thompson rơi vào cảnh bị săn đuổi.
Thompson cùng trợ lýAntekeier bỏ trốn cùng những va li tiền mặt và vàng. |
Điều tra sau đó cho thấy, ông ta và Antekeier đã sử dụng tên giả, giấy tờ giả mạo lẩn tới sống trong một biệt thự ở thị trấn Vero Beach, bang Florida, nơi ông ta bỏ tiền thuê từ 6 năm trước. Đôi tình nhân không sử dụng thẻ ngân hàng và mọi chi tiêu đều dùng tiền mặt.
Khi cảnh sát lần ra được tung tích của Thompson tại Vero Beach thì cặp tình nhân đã kịp cao chạy xa bay. Nhà chức trách thu được tại đây 12 chiếc điện thoại di động dùng một lần. Vuột khỏi tay cảnh sát, lần này Thompson thuê một phòng khách sạn tại thị trấn nghỉ mát Boca Raton, cũng thuộc Florida. Cả hai hầu như ở lỳ trong nhà, chỉ đi bộ ra ngoài khi cần thiết.
Tên của Tommy Thompson xuất hiện trên danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI cùng với những kẻ khủng bố cuộc chạy đua Boston Marathon. Thompson là một người có đầu óc thông minh và chiến lược đáng kinh ngạc, nhưng ông ta không phù hợp với cuộc sống chạy trốn. Và nỗi thất vọng lớn nhất với nhà khoa học đại dương này có lẽ là việc trục vớt tàu Central America sẽ tiếp tục mà không có ông.
Tommy Thompson với những thỏi vàng từ đợt trục vớt đầu tiên. Ảnh: Dispatch |
Vào năm 2013, một thẩm phán đã xác định rằng công ty của Thompson đang ở trong tình trạng hỗn loạn và mất khả năng thanh toán. Tòa án đã chỉ định một luật sư tên là Walter Kane tiếp nhận sứ mạng trục vớt kho báu trong tàu đắm. Kane ký hợp đồng với Công ty thám hiểm Hàng hải Odyssey để kết thúc cuộc trục vớt tàu Central America. Mục tiêu là đưa số vàng còn lại lên bờ và đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ được trả tiền.
Lần trục vớt mới được tiến hành vào tháng 4/2014, khi áp phích truy nã Thompson được treo ngay cả trên tàu để đề phòng trường hợp ông tìm cách quay trở lại. Chiến dịch trục vớt khá thành công, mang về hơn 45 thỏi vàng, 7.500 đồng tiền vàng và hàng trăm cổ vật.
Vào ngày 27/1/2015, Thompson, lúc đó 62 tuổi, xanh xao và ốm yếu ngồi trong căn phòng thuê tại khách sạn Hilton Suites ở Boca Raton. Xung quanh ông ta ngổn ngang những món đồ hỗ trợ một kẻ chạy trốn: thẻ căn cước giả, điện thoại dùng một lần, thiết bị thay đổi giọng nói và thông tin về các quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Trong tủ quần áo là gần 430.000 đô-la tiền mặt, xếp thành xấp trong va li.
Thompson già nua trong ảnh chụp năm 2018. |
Với mái tóc hoang dại của một nhà khoa học, Thompson là người dễ nhận ra hơn, vì vậy Antekeier được giao nhiệm vụ chạy việc vặt và thanh toán các hóa đơn.
Giống như mọi ngày, khi trở lại khách sạn vào buổi chiều ngày 27/1, Antekeier nhìn quanh một cách giận dữ để chắc chắn rằng mình không bị theo dõi. Nhưng lần này thì cô không may mắn.
Cuộc săn lùng Thompson được dẫn đầu bởi một cảnh sát tư pháp đáng sợ, tên là Mike Stroh. Trước đó, anh ta đã tham gia vào nhiều cuộc săn lùng trên khắp nước Mỹ. Stroh đã theo đuổi cặp tình nhân kể từ khi họ trốn thoát khỏi Ohio hơn 2 năm trước. Sau 7 giờ theo dõi Antekeier, Stroh lần tới khách sạn, khiến cả hai kẻ chạy trốn khiếp sợ.
Cảnh sát cuối cùng mang đi 75 thùng bằng chứng từ căn phòng nơi Thompson ẩn náu. Họ tìm thấy những chiếc hộp trông rất giống với những chiếc hộp chứa tiền xu, nhưng 500 đồng vàng thì vẫn mất dạng.
Thompson và Antekeier xuất hiện trong phòng xử án của Thẩm phán Algenon Marbley tại Columbus vào ngày 8/4/2015. Cả hai đều thừa nhận tội danh khinh miệt tòa án. Antekeier cuối cùng bị phạt 5.000 USD và hai tháng quản chế sau khi ngồi tù một tháng. Thompson lãnh án 2 năm tù cho tội danh khinh miệt cùng khoản tiền phạt 250.000 USD. Ngoài ra, ông cũng sẽ bị nới dài án tù cho đến khi nào chịu khai ra tung tích của 500 đồng tiền vàng.
Kỳ cuối: CÁI KẾT "BẠC" CỦA TRÒ CHƠI VỚI VÀNG
Theo baotintuc.vn