Phong trào mua hàng trên mạng qua xách tay nở rộ với những lời quảng cáo hấp dẫn tuy nhiên không ít người mua đã phải cười ra nước mắt.
Tiền triệu vứt xó
Nghe quảng cáo dịch vụ đặt hàng qua web của nước ngoài, ship về Việt Nam qua đầu mối trung gian đảm bảo hàng xịn, anh Nguyễn Anh Dũng (Hoa Bằng, Cầu Giấy – Hà Nội) cùng người bạn đã đặt 4 sản phẩm với tổng giá trị gần 6 triệu đồng. Gần tháng sau, số quần áo đã về tới Việt Nam, người bạn của anh Dũng mới phát hiện ra chiếc áo da giá 1,8 triệu đồng bị lỗi, còn chiếc áo sơ mi lại khác màu anh đặt.
Thất vọng hơn khi anh Dũng yêu cầu người đặt phải có trách nhiệm, anh nhận được câu trả lời “Hàng đã đặt miễn đổi lại”. Anh Dũng ngậm ngùi vứt chiếc áo da hơn triệu trong xó tủ. Nguyên nhân từ việc chiếc áo da có lỗi ngay ở phía vai, nếu không xử lý thì khó có thể mặc được.
Tương tự như vậy, chị Lê Thị Nga, nhân viên văn phòng (Quang Trung, Hà Đông – Hà Nội), cũng đã dị ứng với dịch vụ đặt như vậy. Cách đây không lâu, chị đọc trên một diễn đàn cha mẹ thấy có dịch vụ nhận đặt hàng thời trang quốc tế, chị liền đặt thử hai chiếc váy của một hãng nổi tiếng với giá gần 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến khi gửi hàng tới tay, chị cũng tá hỏa vì sản phẩm khác xa với trên web. Sau nhiều lần trao đổi, người đặt giải thích: “trên web có thể người mẫu mặc nên nó thế, nếu không nhận cũng không được hoàn lại tiền”, cuối cùng chị cũng bị ép nhận sản phẩm không ưng ý. Cùng cảnh, một người bạn của chị Nga cũng vừa mua phải chiếc áo da bị “nổ” mà cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tưởng rẻ hóa ra đắt, đó là ý kiến của chị Hoàng Tú Lan, trưởng phòng công ty truyền thông tại Nam Trung Yên. Đợt khuyến mại cuối năm vừa rồi, hàng loạt quần áo giảm giá trên website của HM, chị đặt gần chục sản phẩm từ quần áo, kính tới cả gang tay.
Nhưng khi tính tiền chị mới giật mình, những sản phẩm nhỏ như gang tay, khăn có giá lên tới tiền trăm. Đơn cử, đôi gang tay len trị giá chỉ 3 Euro trên web (khoảng 90 nghìn tiền Việt) nhưng cộng thêm tiền đặt, tiền ship lên tới 300 nghìn đồng. Chị buồn rầu: “300 nghìn đồng, ở Việt Nam mua được cái gang tay da đẹp”.
Rủi ro khách hàng chịu
Đặt hàng online qua mạng hoạt động theo phương thức, các chủ hàng ở Việt Nam có người nhà ở nước ngoài liên kết với nhân viên hàng không để chuyển hàng. Quy trình bao gồm, khách hàng tìm hiểu trên website bán hàng của các hãng thời trang, sau đó chọn sản phẩm chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để đơn vị này đặt hộ.
Họ chỉ nhận đặt hàng, còn lại việc mua bán, chuyển hàng đều không quản lý được. Chính vì thế, ngay điều kiện đầu tiên khi mua hàng là không có chuyện hoàn đổi nếu không ưng ý. Dịch vụ đặt hàng kiểu này thường mập mờ, thậm chí là không nêu điều khoản khi hàng về Việt Nam bị lỗi chủ hàng cũng không chịu trách nhiệm.
Giá một sản phẩm về tới tay người tiêu dùng, cũng bị đội giá lên khá cao. Các dịch vụ đặt hàng cao hơn website từ 200 đến 500 nghìn đồng. Công thức tính tiền cho các dịch vụ xách tay thường bao gồm các khoản: giá trên website + phí dịch vụ + phí ship hàng + phí ship nội địa. Tuy nhiên, rủi ro mua phải hàng fake vẫn tương đối cao.
Thực tế, các website bán hàng nước ngoài thường có chính sách bán miễn phí vận chuyển nội địa, hoặc giảm giá nếu mua nhiều nhưng các cửa hàng nhận đặt không bao giờ tính đến chuyện này. Để có thêm lợi nhuận, họ thường chỉ đặt hàng của một hãng nhất định, và gom đơn đặt hàng lên giá trị lớn mới đặt về.
Không chỉ vậy, họ cũng thường áp giá euro hay đô la Mỹ cao hơn so với giá quy đổi của ngân hàng. Dịch vụ đặt quần áo thời trang của Đức của một cửa hàng trên mạng tính mỗi euro tương đương với 30 nghìn đồng nếu thanh toán luôn sau khi đặt hàng, còn thanh toán sau lên tới 31 nghìn đồng/euro. Tính giá đô cũng tương tự, một đô la Mỹ, các cửa hàng thường tính 22 nghìn đồng.
Do vận chuyển thủ công chính vì thế thời gian hàng về tới Việt Nam cũng thường lên tới vài tuần, có khi cả tháng. Trong hợp những hãng hàng không và hải quan quản lý chặt chẽ, hàng có thể bị chậm hoặc hủy luôn cả đơn hàng.
Bà Ngô Lan Hương, đại diện một đơn vị bán hàng tại Việt Nam cho hay, các sản phẩm thời trang đặt hàng kiểu xách tay như vậy luôn có nhiều rủi ro và khách hàng là người chịu thiệt.
Bà đơn cử, các hãng đều có điều kiện vận chuyển còn các dịch vụ này thường đóng hàng kiểu đổ đống, không đảm bảo quy trình vận chuyển. Họ thường dồn vào các thùng hàng lớn, chèn nén để được số lượng nhiều, chính vì thế khi sản phẩm về có thể gặp lỗi do vận chuyển. Thường mua kiểu này không có chính sách bảo hành nếu sản phẩm lỗi và không thể trả lại hàng về nước do hàng về Việt Nam đi lòng vòng không qua vận chuyển chính thức của hãng.
Bên cạnh đó, họ thường lợi dụng việc đặt nhiều được giảm giá nên họ đã có một khoản chênh lệch lớn. Chưa kể, những sản phẩm trôi nổi trên thị trường nước ngoài, không đảm bảo hàng thật. Ở nước ngoài cũng có hàng giả là chuyện bình thường.
Bà Hương đưa ra lời khuyên, khách hàng khi đặt qua các dịch vụ này cần tìm hiểu kỹ sản phẩm có trên web của đơn vị chính hãng hay không, nếu có đại diện tại Việt Nam thì nên mua trong nước để có chính sách tốt nhất. Còn không thì nhờ người nhà mua hộ, không nên ham hàng ngoại để rồi tiền mất mà lại mang ấm ức trong lòng.
Duy Anh