Nói nhịu sau sinh là một trong những “tật” mà nhiều chị em mắc phải. Tật này khiến nhiều chị em rơi vào tình huống bi hài.

Bi hài chị em nói nhịu sau sinh

Sau khi sinh Xuka - con gái đầu lòng, chị Thương (Minh Khai, Hà Nội) càng ngày càng xinh đẹp. Được cái Xuka rất ngoan, đến giờ ăn là ăn, ngủ là ngủ, ít quấy khóc khiến ai trong gia đình cũng hoan hỉ. Nhưng đi cùng với niềm hạnh phúc ấy là chị Thương nói nhịu “thành thần”.

Trong một buổi tiệc chúc thọ cụ đằng nhà chồng, vợ chồng chị Thương mang ra một chai rượu quý, chị đã nhanh nhẩu: "Mời cụ dùng rượu thuốc này ạ, bổ vô cùng, đảm bảo điều hòa kinh nguyệt”.

Sau khi thấy cả nhà cười lăn cười bò, chị mới biết mình bị nói nhịu tai hại. Chồng chị vừa cười hô hố vừa nhắc vợ: “Điều hòa kinh mạch chứ em”.

Cả nhà chị thần tượng đội tuyển MU, một buổi tối nọ, cả nhà thức khuya để tận hưởng trận đấu, thấy đội bóng của mình đá hơi yếu, chị đứng dậy gào thét: "Ơ cái thằng hậu môn kia bắt bóng kiểu gì thế nhể?" làm cả nhà lại được một trận cười vỡ bụng.

Chị tâm sự: "Lúc phát ngôn rồi mới phát hiện là mình nói sai, mọi người trong nhà trố mắt ra nhìn làm mình ngượng quá phải bỏ lên phòng".

Cát Bà là điểm du lịch gia đình chị định đi vào đợt hè tới, và thế là cứ khi nào chị nhắc tới địa danh đó lại bị nhầm thành “Bát Cà”, cả nhà thì được phen cười đau ruột còn chị thì lo lắng đứng ngồi không yên: “Mình mà cứ bị tật nói nhịu này ám ảnh thì còn dám thò mặt ra nhìn ai cơ chứ”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tật nói nhịu còn ảnh hưởng đến cả công việc của chị. Là một cô giáo dạy Địa lý cấp 2, từ "ngụ cư" là từ được chị dùng khá phổ biến. Thế nhưng từ ngày sinh Xuka xong, từ đó toàn được chị “biến tấu” thành “ngự cu”.

Cứ khi nào đang dạy mà trò cười khúc khích là chị biết ngay mình bị “bé cái nhầm”. Đến ngày có Đoàn trường về dự giờ, chị quyết phải cẩn thận nói chậm rãi nhưng cứ dùng đến từ đó lại nhầm.

Cùng cảnh sau khi sinh bị nói nhịu giống chị Thương là chị Hoa (Hàn Thuyên, Hà Nội). Chị khóc nức nở khi “mình bị nhịu chữ gì không nhịu là nhịu đúng từ condom”.

Chị làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về HIV/AIDS, 1 ngày chị phải gặp không biết bao nhiêu lần từ condom thành ra nhịu từ này. Ngoài chồng chị, những người trong gia đình không ai biết tiếng Anh nên khi nhịu từ này lúc đó chỉ có hai vợ chồng rũ rượi cười với nhau.

Nhưng ở cơ quan chị lại khác, cứ khi nào cả phòng Dự án cười như pháo rang là quả nhiên “bà Hoa béo nói nhịu”.

Lúc thì tìm khẩu trang trong túi xách, chị bảo: “Thôi chết! Quên mang... condom rồi!'’, lúc thì “Đeo condom đỡ bụi hơn, thiếu khó chịu bỏ xừ, bắt chồng đeo đấy thế nhưng lão ấy ngại”…

Thế là thôi, tất cả chừng ấy con người, già trẻ lớn bé gái trai cứ bò ra bàn ra sàn nhà mà cười. Mấy lần chị định thanh minh thanh nga nhưng chẳng thể chen ngang được vào những tràng cười ấy nên đành vội vã… chuồn lẹ.

Ngoài từ “condom” nổi bật, chị thi thoảng cũng nhịu líu lo những từ khác. Điển hình, có lần, chị phải nhờ đến sự viện trợ của sếp cho dự án công việc của mình. Đang hí húi làm, chị lôi ra được một sợi tóc đen dài. Chị trêu sếp là “mang về mà xâu kim”, líu lưỡi thế nào chị lại bảo: “Sếp mang về mà xâu chim”, trong khi tay thì đang căng sợi tóc dài trước mặt sếp.

Mọi người xung quanh thì ôm bụng cười, sếp thì trợn mắt lên khó hiểu, chị thì nửa cười nửa mếu nhìn lại sếp vì ngượng.

Chuyện chưa dừng ở đó, khi dự án được thông qua, vợ chồng chị qua nhà cảm ơn sếp đã giúp đỡ. “Vụ lần này của tớ khiến ông xã phải bảo ‘ôi thật ngoạn mục với chiêu nói nhịu của em", chị nói.

Hôm đó, đến nhà sếp chơi, chị hồn nhiên nhận xét bể cá bonsai nhà sếp: “Sếp ơi, quả này tốn điện nhờ, phải bật điện cả ngày cây mới có thể giao hợp được”.

Cả sếp và chồng đứng hình trong vài giây. Chồng quá hiểu vợ nên chữa lại ngay: “À, quang hợp”.

Đúng lúc đó, mẹ sếp đi khám vì đau bụng về. Chị với vẻ mặt lo lắng, hỏi rất nghiêm túc “Bệnh viện trả về hở bác?” ngay sau câu đó chị chữa ngượng ngay: - Ý cháu là “Bác sĩ bảo gì ạ?”. Thấy "ban căng", sếp chuyển ngay chủ đề "Hai bạn uống cafe nhé". Vì đang nuôi con bằng sữa mẹ nên sếp lịch sự mang cho chị cốc sữa tươi. Chẳng hiểu nghĩ gì chị nhận xét: “Tuyệt vời, sữa tươi tinh trùng hả sếp?”. Sau một màn cười gượng gạo của tất cả mọi người, vợ chồng chị lầm lũi đi về.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Cũng vì tật nói nhịu này mà chị Liên (Thành Công, Hà Nội) năm lần bảy lượt bị mọi người cười cho “thối mũi”. Sau khi sinh bé, chị rất khó hiểu vì mình liên tục bị nói nhịu. Chị là sếp cấp cao của tập đoàn liên doanh nọ, uy là thế, vậy mà biết bao lần chị bị cả phòng đông như kiến cười sằng sặc vì cái tật nói nhịu liên hồi của mình.

Lúc thì là: “Em ơi, trong buổi launching sản phẩm lần này, em phải chuẩn bị cho mỗi thành viên 1 cuốn sổ, 1 bút kỳ chim nghe”.

Rồi đang trong phòng họp, chị hướng dẫn một cán bộ lên chỗ mình: “Anh đi thẳng, gặp phòng tiếp dâm thì hỏi bảo vệ lên gặp tôi”. Nói xong, chị thấy đầu dây bên kia im phăng phắc và một tràng cười từ đám đồng nghiệp của chị.

Khắc phục chứng nói nhịu sau sinh

Nói nhịu là một trong những “tật” mà nhiều chị em mắc phải sau khi sinh. Nói nhịu là nói nhầm ý này thành ý kia, từ này thành từ kia. Để khắc phục chứng nói nhịu chị em cần phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, nói chậm rãi vì nói nhanh thì khả năng nhịu sẽ cao hơn.

Nên nói những câu đơn giản, dễ hiểu, hạn chế từ mình thường nói nhịu.

Tuy nhiên, có kiêng có lành bởi sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ sẽ yếu đi nên chị em tránh nói nhiều, nói nhanh để cơ thể mau chóng bình phục.

(Theo Afamily)