Tiếp nối trong dòng chảy những cuốn sách về Sài Gòn xưa xuất hiện gần đây trên thị trường, tác giả Nguyễn Ngọc Hà góp thêm vào mạch cảm xúc đó tập tản văn “Sài Gòn thương và nhớ".

Thời gian trôi qua, phủ lên ký ức những lớp bụi mờ. Có người quên, có người nhớ. Dù vậy, nhiều kỷ niệm nhiều câu chuyện vẫn nằm đâu đó tận trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người; để mỗi lần có dịp nhớ về lại bồi hồi, bâng khuâng.

Vốn là một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của gia đình, của thời cuộc - chính điều này đã tạo nên sự giàu có trong ký ức của tác giả Nguyễn Ngọc Hà. Những ký ức đó, không còn nằm yên mà “thức dậy” trên từng trang viết, sống động như vừa mới hôm qua.

52 bài tản văn cùng rất nhiều tư liệu hình ảnh trong cuốn sách Sài Gòn thương và nhớ xoay quanh những ấn tượng và kỷ niệm về Sài Gòn - từ những món ăn, thức uống, quán cóc, chợ búa, đến những công viên, trường học, di tích lịch sử và văn hóa… Tất cả được khởi đi từ nỗi nhớ niềm thương của một người, bây giờ trở thành nỗi niềm chung với những ai đã và đang ở Sài Gòn; nhất là những người từng gắn bó với Sài Gòn trước kia. 

Như một hành trình ngược về quá khứ, đến với Sài Gòn thương và nhớ bạn đọc một lần nữa được quay về thập niên 70 của thế kỷ 20 rồi cùng chậm rãi bước lên chiếc xe thổ mộ, được “ngồi trên sàn xe bằng gỗ bóng mượt, rồi đong đưa chân theo nhịp đi của con ngựa”; được “lưu luyến cảm giác “lắc cùng nhịp đi với bước chân ngựa” của xe thổ mộ” (Chiếc xe thổ mộ).

Hành trình đó vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục rong ruổi trên những con phố của Sài Gòn. Theo bước chân tác giả, người đọc lần lượt đi qua những nơi chốn, cũng chính là tên các bài viết trong sách: Chợ Nacy, Công viên Chi Lăng, Nhà mồ Trương Vĩnh Ký, Nhà hàng Brodard, Nhà thờ Huyện Sỹ… Trải qua thời gian, những địa danh này ít nhiều đã có sự thay đổi, thậm chí không còn nữa. Tuy vậy, những câu chữ của tác giả Nguyễn Ngọc Hà vẫn khiến người đọc bồi hồi.

Vẫn trên hành trình đó, bạn đọc lại có cơ hội thưởng thức những món ăn thức uống mà bây giờ, dù nhiều bạc tiền đến mấy cũng khó để tìm mua, như bánh pá chạng, bánh pẻng, xí muội cán dẹp…

Cũng có khi đó là món ăn quen thuộc, giản đơn như ổ bánh mì thôi, vậy mà qua ngòi bút của tác giả Nguyễn Ngọc Hà, người đọc không khỏi thổn thức: “Cầm ổ bánh nóng giòn trong hai bàn tay và đưa lên miệng cắn. Miếng bánh ngập giữa hai hàm răng, bột thơm ngọt hòa với vị bùi bùi của patê, chả, thịt, jambon, vị beo béo của sốt, vị gay gay của hành, ngò, cảm giác man mát của dưa leo, chua chua của cà chua, đồ chua và cay xè của ớt... thêm vào âm thanh giòn rụm của bánh mì. Chao ôi, tuyệt vời!” (Bánh mì Sài Gòn).

{keywords}

Tập sách Sài Gòn thương và nhớ của tác giả Nguyễn Ngọc Hà.

Với Sài Gòn thương và nhớ, tác giả Nguyễn Ngọc Hà còn đưa bạn đọc về với cuộc sống và nền nếp sinh hoạt của Sài Gòn xưa. Cuộc sống ấy bình dị, có thiếu thốn, lam lũ nhưng luôn an vui và ấm áp trong tình người nhân ái. Sự ấm áp ấy đến từ những người bán hàng rong ngày ngày vất vả mưu sinh; từ sự thương yêu, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Những bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Hà thiên về cảm xúc cá nhân, không phải là một cuốn sách mang tính khảo cứu về Sài Gòn xưa. Hầu hết, các bài viết có điểm chung giống nhau khi cùng nhìn về quá khứ với niềm rung cảm lắng sâu. Tình cảm ấy vẫn còn nóng hổi.

Ở đó, có những buồn vui, những tinh nghịch thơ trẻ; thậm chí tác giả không ngần ngại chia sẻ cả những tính xấu của bản thân. Chính điều này, đã tạo nên sự gắn bó và thiết thân giữa tác giả và bạn đọc. Không còn khoảng cách, tác giả Nguyễn Ngọc Hà giống như đang thủ thỉ tâm tình cùng bạn đọc về hồi ức vàng son vẫn luôn nằm trang trọng trong một góc nhỏ của trái tim.

Đọc Sài Gòn thương và nhớ, Giáo sư Huỳnh Như Phương đánh giá: “Nguyễn Ngọc Hà là một trường hợp đặc biệt: chị sinh trưởng, đi học, dạy học ở đây, cuộc đời chẳng mấy ngày xa thành phố, có thể tự hào là 'dân Sài Gòn chính hiệu'. Người đọc có cảm tưởng như ngả đường nào của thành phố cũng có dấu chân của chị; quán ăn nào, tiệm cà phê nào chị cũng từng ghé qua; hiệu sách nào, cửa hàng nào chị cũng có lần bước vào.

Thành ra, chị có cả một kho chuyện về Sài Gòn để kể, không phải chuyện lịch sử xã hội lớn lao mà là chuyện đời riêng, bình thường, dung dị của một người gắn bó với thành phố này như một người dân thuần lương, mặc cho vật đổi sao dời, vẫn tìm nguồn vui sống nơi từng bóng cây, góc phố.”

Theo Zing