22 năm ngồi sau song sắt, trong đó có hơn 500 ngày đêm ngồi trong phòng biệt giam, thấp thỏm đếm ngược từng giờ để được dẫn giải ra pháp trường thi hành án tử hình, vậy mà Nguyễn Đức Nguyên vẫn có thể viết tiểu thuyết.
Nhà xuất bản Công an nhân dân vừa tổ chức ra mắt cuốn tiểu thuyết "Núi Mẹ" của một tác giả rất đặc biệt - một tử tù may mắn được Chủ tịch nước ân xá.
Mới 55 tuổi, nhưng những gì tác giả Nguyễn Đức Nguyên phải trải qua thật khủng khiếp: 4 lần bị bắt, 4 lần ngồi tù, với tổng cộng thời gian 22 năm 9 tháng trong trại giam. Tức là hơn một nửa cuộc đời phạm nhân Nguyễn Đức Nguyên đã sống... ở trong tù. Trong đó, có tới hơn 500 ngày đêm ngồi trong phòng biệt giam, chờ bị giải thi hành án tử hình.
Nguyễn Đức Nguyên sinh ra tại Nam Định, lớn lên tại Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Tháng 2/1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Nguyễn Đức Nguyên được biên chế vào Tiểu đoàn 9 bộ đội địa phương Lộc Bình, rồi có mặt tại Tú Mịch - một vùng chiến sự ác liệt. Sau chiến tranh, hai phần ba quân số của đơn vị đã hy sinh. Nguyên tiếp tục bám trụ ở địa bàn giáp biên gian khổ của vùng biên giới Lạng Sơn suốt 10 năm trời.
Trong thời gian này, do thẳng tính, lại bị kẻ xấu vu khống làm hại, nên đã hai lần Nguyên bị Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu I và Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương truy tố, bắt tạm giam tổng cộng là 26 tháng. Nhưng cả hai lần đó, vụ việc của anh đều bị đình chỉ điều tra. Người ta kết luận Nguyên vô tội và trả về đơn vị cũ công tác.
Năm 1989, Nguyên lại mắc lừa, lại vướng vòng lao lý với án 3 năm tù. Ra tù, số tiền nợ của gia đình đã lên tới hơn 20 triệu đồng. Túng quá hóa liều, Nguyên đã đi buôn… heroin. Đó là một sai lầm chết người, bị bắt ngay trong chuyến hàng đầu tiên, vận chuyển 300 gram ma túy. Cả tòa sơ thẩm (tháng 12 năm 1999) và phúc thẩm (tháng 5 năm 2000) Nguyễn Đức Nguyên đều bị tuyên án tử hình. Người nhà và thậm chí cả Giám thị trại giam động viên mãi, Nguyễn Đức Nguyên mới chịu viết Đơn xin ân xá, nhờ người mẹ già trình lên Chủ tịch nước...
Năm 2009, một cuộc thi viết tự truyện cho phạm nhân mang tên “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” được Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an phối hợp cùng Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức đã phát hiện ra khả năng viết của phạm nhân Nguyễn Đức Nguyên khi anh đề đạt nguyện vọng được viết tiểu thuyết.
Tiểu thuyết "Núi Mẹ" của Nguyễn Đức Nguyên đã lấy cảm hứng từ cuộc sống gắn liền với thiên nhiên hoang dã của những bà con dân tộc trong các bản làng nơi có dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Họ đã bị bọn quan lại, cường hào ác bá, cấu kết với thực dân Pháp bóc lột tận xương tủy, cướp hết ruộng nương, nhà cửa dồn họ vào đường cùng, phải lên núi xây dựng Sơn Trại để làm “lục lâm thảo khấu”. Nhưng nhờ có cán bộ cách mạng cảm hóa, giác ngộ, từ những “giặc cướp” bất đắc dĩ, họ đã lột xác để trở thành những chiến sĩ du kích kiên cường, anh dũng vùng lên chống lại quan binh, địa chủ cường hào, giành lại cuộc sống độc lập tự do cho quê hương…
"Có thể, những trang viết của Nguyên chưa đạt tới chuẩn mực văn học nghệ thuật, nhưng giá trị của nó, theo tôi, đã vượt qua một cuốn sách thông thường bởi chuyển tải thành công một thông điệp nhân văn, dù con người ta có thể gây ra tội lỗi, sai lầm tới đâu, nhưng sau khi đã chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật, được Nhà nước ân xá, thì khi họ trở về, hòa nhập với cộng đồng và xã hội, vẫn có thể đóng góp những điều tốt đẹp, trong khả năng của mỗi người.
Tác giả của tiểu thuyết “Núi Mẹ” là một ví dụ cụ thể. Viết sách là công việc nhọc nhằn, đòi hòi không chỉ trình độ, năng khiếu mà còn cả đức tính kiên trì. Viết tiểu thuyết lại càng khó hơn. Những người bình thường, không phải ai cũng làm được. Nguyễn Đức Nguyên có tố chất của một nhà văn…", nhà thơ Đặng Vương Hưng nhận xét.
T.Lê