- Chuyện gì đang xảy ra khi đám đông thể hiện sự cuồng mộ với cả “trai đẹp bị trục xuất” lẫn người không chân tay biết vượt lên số phận?


Cơn lốc truyền thông xã hội chưa bao giờ thổi vào đời sống mạnh mẽ đến vậy. Chúng không chỉ cuốn đi và làm phát tán những gì riêng tư được chia sẻ, mà còn chở theo những câu chuyện lạ lùng khích động sự hiếu kỳ, tò mò và bàn tán. Nhờ có không gian để trao đổi, bày tỏ, đám đông dễ hình thành hơn bất cứ thời đại nào khi người ta nhanh chóng nhận ra họ chung nhau một cảm xúc.

{keywords}
Các bạn trẻ bày tỏ sự hâm mộ đối với “trai đẹp” Omar.

Sự lây lan tâm lý

Chuyện anh chàng Nick Vucijic không chân tay bẩm sinh biết cách vượt lên số phận để sống hạnh phúc, hay chuyện Omar “bị trục xuất vì quá đẹp trai” rõ ràng là những chất men khơi cảm xúc và kết nối những cá thể thành một đám đông kiểu như vậy.

Đặt hai trường hợp cạnh nhau, người ta có thể hiểu cảm xúc đã chi phối đám đông ở một cường độ mạnh đến mức không có chỗ cho sự phán xét của lý trí, rằng: điều nào có ý nghĩa và điều nào là vô nghĩa; chuyện nào có thật và chuyện nào là hư cấu, thêu dệt. Khi dành sự cuồng mộ cho cả hai nhân vật này, có lẽ chẳng ai nghĩ mình đang tự mâu thuẫn với chính mình.

Khi cơn bàn tán, chia sẻ náo nhiệt còn dừng ở trên mạng thì đám đông, dù lớn trong cảm nhận, vẫn là vô hình, không thuần nhất và liên kết yếu. Chuyện kể ra cũng vui vẻ nếu người ta chia nhau những câu chuyện là lạ, cảm động hay thuần túy mua vui.

Nhưng khi các nhà tổ chức sự kiện tìm cách khai thác thương mại câu chuyện được bàn tán trên truyền thông xã hội, thì vấn đề lại hoàn toàn khác và rất nên cẩn trọng. Nếu việc đi nghe Nick trò chuyện là sự kiện có ý nghĩa trong cảm nhận của nhiều người, thì việc mua vé xem “trai đẹp” quả thật gây khó chịu vì tính chất lố bịch và thuần túy mua vui của nó.

Ở một góc nhìn khác, TS.Ngô Xuân Điệp – Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM cho rằng, các bạn xuất hiện trong đám đông hâm mộ chưa chắc đã thích nhân vật nhưng có mặt vì lời rủ rê, hoặc vì thể hiện hình ảnh bản thân qua cách cho thấy mình đang tham dự vào một sự kiện được nhiều người quan tâm.

Ông cũng nhìn thấy trong sự cuồng nhiệt của đám đông hâm mộ, có một cơ chế giúp các bạn trẻ giải tỏa những ức chế cảm xúc trong đời sống hàng ngày. Vì vậy mà những xã hội nặng về truyền thống, kìm nén cảm xúc của con người, lại càng dễ phát sinh những đám đông thể hiện cảm xúc một cách thái quá.

Bụt chùa nhà không thiêng?

Trong lá thư gửi về VietNamNet, một bạn đọc còn phát hiện những nhân vật nước ngoài thường dễ gây được cảm xúc hâm mộ hơn. Bạn đọc viết: "Người ta cuồng lên và biểu lộ tình cảm yêu mến nồng hậu với Nick Vujicic người không chân tay. Người ta cuồng lên và biểu lộ tình yêu mãnh liệt với Omar vì anh này là người nước ngoài đẹp trai nổi tiếng, Vũ Xuân  Tiến bộc lộ tình yêu cháy bỏng và mãnh liệt với Arsenal hay một số bạn trẻ còn hôn cả cái ghế ngồi của các sao Hàn Quốc ...”.

Đặt ra câu hỏi lớn: Vậy trong nước có ai, có giá trị nào để nguời  ta cuồng nhiệt và bộc lộ tình yếu mãnh liệt thế không? (Chúng ta) không có gì đáng để yêu mến và khâm phục như vậy sao? Bạn đọc nêu nhận xét: “Tôi tin là có nhưng chúng ta mang nặng tâm thức bụt chùa nhà không thiêng và tâm thức sính ngoại, và trong đó có cả hội chứng đám đông nữa. Rõ ràng xã hội đương đại Việt Nam có rất nhiều vấn đề phải xem xét lại. Tuy nhiên chúng ta đã không có được diễn đàn để các học giả và các chuyên gia đóng góp  trách nhiệm và trí tuệ cho dân tộc như hội trí  thức Meikiro ở Nhật Bản thế kỷ 19".

Mặt khác, TS.Ngô Xuân Điệp cũng cảnh báo giới truyền thông nên rất thận trọng khi đưa những hình ảnh hâm mộ thái quá như chuyện hôn cả ghế ngồi của sao Hàn. Bởi có thể câu chuyện chỉ bột phát khi cá nhân đang bị kích động bởi cơn cuồng nhiệt tập thể và cho thấy bất ổn tâm lý của người thực hiện hành vi. Nhưng khi đưa lên báo, nó có thể gây tổn thương niềm tự hào quốc gia cho một lượng người lớn hơn.

Minh Chánh

Quý độc giả có thể phản hồi cho người viết qua địa chỉ: minhchanh.dang@vietnamnet.vn