Cựu chiến binh Phùng Minh Út, hiện 64 tuổi là thương binh hạng 4/4. Nhắc đến ông, người dân ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng ai cũng ngưỡng mộ, biết ơn về những việc ông làm cho địa phương suốt mấy năm qua.
Giữa tháng 8, lần đầu tiên ông Út đặt chân đến Hà Nội. ‘Từ miền Nam ra thăm lăng Bác, tôi rất xúc động. Hình ảnh của Bác luôn hiện diện trong tôi với lòng kính trọng’, ông Út nói.
Ông cho biết, bốn ngày ở thủ đô, ông được ngắm nhà cao tầng, xe cộ, thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và 36 phố phường của Hà Nội. ‘Tôi ở quê, suốt ngày tiếp xúc với đồng lúa, vuông tôm, những cây cầu bắc qua sông quen rồi. Bây giờ ra thủ đô, mọi thứ rất lạ và mới mẻ’, ông Út nói.
Ông Út trong một lần đi phát gạo cho người nghèo. Ảnh: NVCC. |
Khi được lên sân khấu nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và giao lưu với khán giả tại chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng', ông vô cùng xúc động và tự hào.
Sáng ngày 21/8, ngồi trên chiếc xe ra sân bay về nhà, hình ảnh về một người mẹ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứ hiện ra trước mắt ông. 46 năm trước, ông là đội trưởng của một đội quân gồm 8 người. Lúc đó, ông và các đồng đội được người dân cưu mang, giúp đỡ, chăm sóc tận tình. Khi chiến tranh đang trong giai đoạn gấp rút, đội của ông đến ở tạm trong nhà một người mẹ lớn tuổi.
'Nhà mẹ nghèo lắm. Chồng mất khi đi bộ đội, một mình mẹ nuôi một đàn con. Một lần, chúng tôi phải đi đánh trận vào buổi tối. Chiều, mẹ nấu cơm đãi 8 anh em chúng tôi. Trong nhà không còn đồ ăn, chỉ có hai con gà đang đẻ trứng, mẹ đã làm thịt hết cho chúng tôi ăn.
Lúc dọn cơm ra, mẹ gắp cho 8 anh em chúng tôi mỗi đứa một miếng thịt và dặn: ‘Các con ăn đi. Qua đêm nay, 8 đứa bay sẽ có đứa không về nữa'. Nói xong, nước mắt trào ra, mẹ quay vội đi... Bữa cơm diễn ra trong nước mắt nhưng vô cùng ấm áp.
Trận đánh kết thúc, đội của tôi có một người hi sinh. Lúc chúng tôi chèo ghe đưa cậu ấy về, mẹ đã ngồi ở bến đợi, dáng người gầy ốm, hai mắt thâm quầng vì cả đêm không ngủ, thắp đèn ngồi đợi chúng tôi’, người cựu chiến binh sinh năm 1955 xúc động nhớ lại.
Ông Út giao lưu với khán giả. Ảnh: Trần Thường |
Ông cho biết, chính những hình ảnh của người dân và người mẹ năm xưa đã nhắc ông, nhất định phải làm gì đó để đáp lại công ơn mà mình đã nhận. ‘Tôi không bao giờ quên được. Tôi luôn lấy đó làm động lực cho mình’, ông Út nói.
Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương cùng gia đình khai phá 2 ha đất thực hiện mô hình tôm - lúa, gắn với phát triển trồng trọt và cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm.
Năm 2010, trong nhà đã có của ăn của để, ông bắt tay vào làm từ thiện. ‘Mới đầu, tôi chỉ làm nhỏ lẻ bằng việc đi phát gạo, quà cho người nghèo. Đến năm 2016, tôi thành lập Hội từ thiện Cựu chiến binh để cùng những người khác chung tay xây dựng, giúp đỡ cho gia đình các đồng đội, gia đình liệt sĩ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. ‘Tôi muốn làm nhiều hơn nữa, nhưng điều kiện chưa cho phép’, ông Út nói.
Ông Lê Xuân An, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 cho biết ông Út không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn làm công tác thiện nguyện tích cực ở địa phương. ‘Chú ấy là người có ý chí, nghị lực phi thường. Gần 3 năm hoạt động, hội của chú ấy đã giúp xây 32 căn nhà cho người nghèo, xây dựng 2 cây cầu cho địa phương và có các chương trình phát gạo, quà cho những gia đình khó khăn, không nơi nương tựa’ ông An nói.
Ông An cũng cho biết, việc làm của ông Út được người dân, chính quyền địa phương rất tin tưởng. ‘Thời gian qua, phía ủy ban chúng tôi cũng cùng chú ấy kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ người nghèo. Mỗi việc làm của chú ấy rất thành công và ý nghĩa’, vị chủ tịch xã Gia Hòa 2 nói.
Cô giáo Bình Phước hiến căn nhà hơn 100 m2 để xây bờ kè nghìn tỷ
Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà Hoa (Bình Phước) thuyết phục các con đồng ý hiến căn nhà đang ở để xây dựng cảnh quan đô thị.
Tú Anh