Đến Đà Lạt du khách không thể không ghé thăm Biệt điện Bảo Đại (Dinh 3) lộng lẫy và hoành tráng nằm ở đường Triệu Việt Vương. Tọa lạc trên một ngọn đồi cao tựa thế "long chầu hổ phục" Biệt điện ẩn hiện giữa rừng thông thơ mộng. Nơi đây đã ghi dấu biết bao cuộc tình trăng gió của Bảo Đại- vị hoàng đế hào hoa cuối cùng của đất nước An Nam.

Kỳ 2: Dinh Decoux và dấu ấn 'bà cố vấn' Trần Lệ Xuân

Kỳ 1: Cựu cận vệ chia sẻ những bí mật của Ngô Đình Diệm

Lịch sử ghi lại: Biệt điện Bảo Đại được chính thức được khởi công xây dựng vào năm 1933 và đến năm 1938 thì hoàn thành với những đường nét kiến trúc châu Âu lộng lẫy, sang trọng như hôm nay. Sau lễ khánh thành, Hoàng đế Bảo Đại gần như chuyển hẳn "hộ khẩu thường trú" vào Đà Lạt, thi thoảng có lễ nghi trọng đại của triều đình thì Đức Kim thượng mới rời Biệt điện để về kinh đô Huế vài ngày cho có mặt, rồi lại bay vào "thành phố mộng mơ".

Trên thành phố hoa này, do rượu ngon, gái đẹp nhà vua hầu như quên hẳn chuyện "sơn hà xã tắc" và cũng chẳng thiết tha gì đến "bầu đoàn thê tử".

"Mặc dù trong Biệt điện có xây hẳn phòng riêng cho Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long và cho các Công chúa: Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên xinh đẹp và ấm cúng như ri, nhưng phải vào dịp hè hoặc lễ tết thì Hoàng hậu và các Hoàng tử, Công chúa mới vào đây nghỉ mát độ vài tuần lễ và thăm sức khỏe Đức Kim thượng", Cụ Nguyễn Đức Hòa - một người hầu cận thân tín của cựu hoàng Bảo Đại từng kể (nay cụ Hòa đã qua đời).

Dinh III, biệt điện Cựu hoàng Bảo Đại, Ảnh Phúc Ân

Xa vợ con, Bảo Đại đâm ra... trữ tình và mê săn bắn. Ngày ngày Hoàng đế thức dậy vào lúc 8 giờ sáng và đi ngủ từ lúc 9 giờ đêm. Tất cả mọi việc triều chính đã có các gia nhân và người Pháp coi sóc, nhà vua chỉ việc ăn chơi và tiếp khách.

Đức Kim thượng thích mặc đồ Tây, ăn cơm Tây hơn là mặc quốc phục ăn cơm ta. Ngài ít uống rượu, nhưng hợp khẩu vị nhất vẫn là Cognac và sau đó là... giai nhân. Mỗi lần đi thưởng ngoạn chẳng may gặp người đẹp thì Hoàng đế "cầm lòng không đậu", chỉ còn cách mật lệnh cho quan hầu cận bằng mọi giá phải "điệu" cho bằng được "người ngọc" về Biệt điện để ngài thỏa chí mây mưa.

Những cuộc tình hối hả, vụng trộm của Đức Kim thượng thì không sao kể xiết, nhưng da diết nhất vẫn là với những người tình của thành phố cao nguyên như: Mộng Điệp, Phi Ánh, Génie... Ngài yêu những người phụ nữ xinh đẹp này không thua kém gì nàng Lý Lệ Hà trước đó.

Tuy nhiên, để tránh sự nhòm ngó của quần thần và bàn dân thiên hạ, cũng như đối phó với cơn ghen của các nàng và Hoàng hậu Nam Phương, Đức Kim thượng đã sắm riêng cho mỗi cô tình nhân một biệt thự ở Đà Lạt. Ví dụ cô  Mộng Điệp được ngài mua cho một biệt thự nằm ở đường Graffeuil (nay là đường Hùng Vương), nàng Phi Ánh được ngài tậu cho một biệt thự gần nhà ga Đà Lạt nằm trên đường René Robin (nay là đường Quang Trung) để tiện vui vầy duyên cá nước.

Bà Mộng Điệp và con gái ngoại hôn của Cựu hoàng Bảo Đại

Đêm đêm khi màn sương mỏng buông trùm xuống thành phố cao nguyên, Đúc Kim thượng lại bí mật "vi hành" tìm về với tổ uyên ương để thỏa sức đắm chìm trong "nguồn ân bể ái". Có những ngày đẹp trời, men tình dậy sóng, nhà vua còn đánh liều cho "vời" từng nàng vào Biệt điện dùng cơm, cùng đi dạo vườn thượng uyển và ở lại chăn gối qua đêm.

Để bồi dưỡng cho cơ thể và tăng cường sinh lực sau mỗi đêm "chiến đấu" ngoài những món sơn hào hải vị ngài thường phải dùng đến sâm nhung, hổ cốt.

Kết quả của những cuộc tình vụng trộm và bỏng cháy ấy, Đức Kim thượng đã để lại cho mỗi người tình một ... " bầu tâm sự". Mộng Điệp đã có con gái ngoại hôn với Bảo Đại. Hoàng  hậu Nam Phương và bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) cũng biết việc ăn chơi trác táng của Đức Kim thượng ở thành phố cao nguyên, nhưng không thể nào can ngăn được, chỉ còn biết trách móc và đau khổ.

Tháng 4/1994, con gái của bà Mộng Điệp là Mộng Hiền - một giọt máu rơi của cựu hoàng Bảo Đại (xem ảnh) sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người đã tìm về Biệt điện Bảo Đại và xin nghỉ lại qua đêm trong phòng của cựu hoàng nhằm hồi tưởng lại những giờ phút hồng hoang đầy hạnh phúc của mẹ mình với một đấng thiên tử ở chốn tôn nghiêm này.

Nam Phương Hoàng hậu

Một số bậc cao niên từng ở Đà Lạt từng ở bên cạnh cựu hoàng kể lại rằng: Trong những ngày "tha phương cầu thực" cùng Ngô Đình Nhu trên thành phố hoa vào những năm 1950, khi chưa trở thành "bà cố vấn", Trần Lệ Xuân cũng đã từng có dịp yết kiến Bảo Đại và làm say đắm đấng quân vương bằng tiếng đàn Piano và thân hình căng đầy nhựa sống, đôi mắt lá răm như biết nói của mình.

Sau lần được Hoàng đế Bảo Đại "sủng ái" và trọng thưởng, Lệ Xuân thường xuyên lui tới Biệt điện để hầu Đức Kim thượng, vì Nhu vốn là một tay "bạch diện thư sinh" ốm o, gầy guộc, vốn nghiện thuốc Basto và suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào xào nấu một số học thuyết phương để cố sản xuất ra cái gọi là học thuyết "Cần lao nhân vị" hơn là vui chuyện gối chăn.

Cựu hoàng Bảo Đại

Sự việc rồi cũng đến tai Ngô Đình Nhu. Bức bối, đau đớn, nhưng Nhu không còn cách nào hơn là phải ngoảnh mặt làm ngơ nhằm đổi lấy cuộc sống và sự nghiệp trong lúc "vận bỉ thời quan".

Từ sau ngày Hoàng hậu Nam Phương - một người phụ nữ đoan chính và hiền thục đưa các con sang Pháp định cư (1950-1953) thì Bảo Đại hầu như "cắm cung" ở Biệt điện Đà Lạt để vui hưởng lạc thú, ngài không còn tha thiết về Huế nữa.

Sau đó, những căn phòng xinh xắn của Hoàng hậu và các Hoàng tử, Công chúa được dùng làm nơi ngủ nhờ của một số hoàng thân quốc thích như: Bửu Lộc, Vĩnh Cẩn... và có lúc còn là nơi ngủ qua đêm của quan thượng thư Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, Biệt điện Bảo Đại trở thành nơi nghỉ mát của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với vợ con hoặc người tình của Thiệu trong mỗi dịp xuân, hè.

Ngày nay, nếu có dịp đến thăm Biệt điện Bảo Đại thì du khách mới có thể hình dung được hết lối sống vương giả, hoan lạc của một đấng "con trời" trên thành phố cao nguyên này.