Chiều 8/4, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) đã thông tin đến báo chí sự việc trên. 

Đầu tiên sự việc xảy ra vào ngày 23/3 khi có 1 bệnh nhân đến viện tư vấn và điều trị phơi nhiễm HIV. Song, người này khai do một người lạ tấn công bằng vật nhọn. Sau đó, rải rác các ca tư vấn tìm đến bệnh viện. Đỉnh điểm là vào ngày 30/3, 5 người đến tư vấn điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do cùng một người lạ dùng vật nhọn gây thương tích chảy máu. Trong 5 người có một người đàn ông nước ngoài (quốc tịch Philippines).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xét thấy thông tin các nạn nhân đến điều trị dự phòng phơi nhiễm đều khai do 1 người tấn công. Sau khi xâu chuỗi vấn đề, xét thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng bệnh viện đã gửi công văn đến Công an TP.HCM và Sở  Y tế TP.HCM. Ban đầu báo cáo được gửi đi vào ngày 1/4 chỉ có 9 người, song đến ngày 3/4 viện lại tiếp tục tiếp nhận thêm một ca tương tự. Như vậy, đến hiện tại đã có 10 người bị tấn công, nghi phơi nhiễm HIV.

Chiều cùng ngày, đại tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an quận 5, TP.HCM, cho biết đã bắt được đối tượng dùng vật nhọn đâm người đi đường. Đối tượng được xác định là Châu Kiều Bình Huy (30 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) người được cho là dùng vật sắc nhọn tấn công 10 người phải vào điều trị phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong mấy ngày qua.

Theo công an Quận 5, Huy khai nhận đã thực hiện 6 vụ dùng vật nhọn gây thương tích đối với người đi đường. Qua khám xét nhà đối tượng, công an phát hiện nhiều vật nhọn dạng xoắn. Đối tượng này từng có 1 tiền án về tội trộm tài sản và từng đi cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, khi làm việc đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần, chứng cứ thu thập ban đầu chưa đủ để tạm giữ nên công an đã cho gia đình bảo lãnh về nhà.

TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết thêm, ngay sau khi tiếp nhận các nạn nhân bệnh viện áp dụng quy trình điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV theo quy định.

 

{keywords}

Hiện nay, theo phác đồ của Bộ Y tế, người nghi ngờ phơi nhiễm HIV sẽ được dùng thuốc điều trị dự phòng 3 ngày đầu để thử tác dụng phụ. Sau đó, được làm các xét nghiệm xem trước đó có từng bị nhiễm HIV hay không rồi mới cấp thuốc điều trị trong vòng 25 ngày. Sau 1 tháng, bệnh nhân được kiểm tra tái khám và hẹn 3 tháng sau tiếp tục kiểm tra tình trạng nhiễm HIV.

Người công tác trong lực lượng công an, nhân viên y mắc tai nạn nghề nghiệp sẽ được điều trị phơi nhiễm HIV miễn phí.  

Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, thuốc điều trị có thể mang đến một số tác dụng phụ gây chóng mặt, buồn nôn, đau bụng hoặc nặng hơn là gây thiếu máu. Song, đa số người bị phơi nhiễm HIV khi đến viện tuân thủ phác đồ điều trị sau khi được tư vấn sẽ giảm được tác dụng phụ của thuốc.

Bác sĩ Hùng cho hay, bệnh viện luôn túc trực 24/24 để sẵn sàng tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm cho người dân.

{keywords}

Bác sĩ Hùng khuyên người dân khi có vết thương nghi ngờ phơi nhiễm HIV cần bình tĩnh xử trí. “Đối với vết thương chảy máu nên để thời gian ngắn cho máu chảy ra tự nhiên cuốn theo vi sinh vật gây bệnh. Tiếp đến rửa vết thương dưới vòi nước sạch, dùng thuốc sát trùng và đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Phan Nhơn

9 người ở Sài Gòn điều trị phơi nhiễm HIV do người lạ tấn công

9 người ở Sài Gòn điều trị phơi nhiễm HIV do người lạ tấn công

 - Một kẻ lạ mặt tấn công khiến 9 người (quận 5, TP.HCM) phải vào Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM điều trị phơi nhiễm HIV.