- Đánh giá tham nhũng chưa được ngăn chặn, ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng người trong bộ máy chống tham nhũng phải thực sự trong sạch, quả cảm.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/5 khi đề cập vấn đề chống tham nhũng, ĐB Lê Như Tiến cho rằng thực trạng này vẫn chưa được kiềm chế, đẩy lùi. Lãng phí xuất hiện ở các hoạt động xây dựng cơ bản, cấp phép, trong lĩnh vực tài chính, thu chi ngân sách, hợp tác đầu tư....

"Nơi nào có quyền được quyết định những vấn đề đó là phát sinh tham nhũng lãng phí và chúng ta chưa ngăn chặn được. ĐBQH hy vọng rằng phải quyết liệt hơn. Bộ máy chống tham nhũng của chúng ta hiện nay chưa hoàn thiện và đang trên đường củng cố. Đặc biệt là những người trong bộ máy phòng chống tham nhũng phải thực sự trong sạch, có năng lực, quả cảm và có bản lĩnh" - ông Tiến nói.

{keywords}

ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng


Ông có đề xuất những giải pháp gì để phòng chống tham nhũng?

Phải có một hệ thống giải pháp. Trước hết phải hoàn thiện các văn bản pháp luật. Luật Phòng chống tham nhũng, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có rồi nhưng những văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ.

Thứ hai, bộ máy để phòng chống tham nhũng cho đến nay dường như chưa có hiệu lực, hiệu quả và cũng chưa củng cố xong, từ Trung ương đến địa phương. Bây giờ mới có chỉ thị về thành lập các Ban Nội chính ở các tỉnh nhưng từ chỉ thị ấy đến việc có một bộ máy thực sự để giúp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong phòng chống tham nhũng là cả một quá trình.

Thứ ba, cần có những quy định rất rõ ràng đối với cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hoặc tổ chức có thể phát sinh tham nhũng như quản lý đất đai, quản lý công sản, quản lý tài chính và những người quyết định trong bổ nhiệm.

Đề bạt, cất nhắc cán bộ phải có những quy định hết sức cụ thể và có tính răn đe rất cao. Xử lý nghiêm một số vụ trong phòng chống tham nhũng chứ vừa qua vụ việc xảy ra cũng nhiều nhưng đưa ra xử lý một cách nghiêm minh còn ít.

Tỷ lệ số vụ việc vi phạm tham nhũng, lãng phí chuyển cơ quan điều tra là rất ít.

Đưa ra ánh sáng vi phạm

Báo cáo của Chính phủ gửi ĐBQH có nêu thực trang tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản với gần 78% các vụ khiếu kiện về đất đai và kéo dài nhưng xem ra những giải pháp vẫn chung chung. Ông có nhận xét gì?

Luật Đất đai thực hiện có những hạn chế và vì những khiếm khuyết được  bộc lộ trong thời gian qua sẽ được luật Đất đai mới (sắp được thông qua) khắc phục. Nhưng từ luật thành các văn bản hướng dẫn dưới luật còn cả một vấn đề chứ không phải thực hiện được ngay. Cho nên quá trình xây dựng pháp luật phải đi liền với củng cố tổ chức bộ máy và có những biện pháp về tư pháp.

Các biện pháp về phòng chống phải đưa ra ánh sáng những vụ vi phạm về cấp đất, thu hồi đất, rồi chuyển đổi sử dụng mục đích sử dụng đất trong thời gian vừa qua dẫn đến khiếu kiện của người dân.

L.Thư ghi