Việc thực hiện bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Những kết quả này đã làm thay đổi chất lượng giáo dục vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, nâng giáo dục vùng này lên một bước cao hơn.

Từ năm 2015 trở lại đây, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc được chính quyền các địa phương hết sức quan tâm, thể hiện  qua việc ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án. 

Theo số liệu thống kê đến năm 2017, đối với các điểm trường lẻ của giáo dục mầm non các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang chỉ còn 1.308 điểm; Yên Bái: 732 điểm; Lai Châu: 724 điểm; Điện Biên: 823 điểm... Đối với giáo dục tiểu học, hầu hết các địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện việc dồn điểm trường lẻ về trường chính chỉ thực hiện đối với học sinh từ các lớp 3, 4, 5. Tính đến năm 2017, tỉnh Hà Giang đã giảm 61 điểm trường lẻ; Yên Bái: 113, nhưng một số tỉnh vẫn còn cố điểm lẻ cao như Hà Giang: 1.027; Yên Bái: 673; Lai Châu: 552; Điện Biên: 645....

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục này đang tồn tại một số vấn đề bất cập như: số trường và số phòng học vẫn còn thiếu nhiều trên một số địa bàn; diện tích nhiều trường trong vùng chật hẹp, thiếu công trình phụ trợ như khu thể dục thể thao, nhà vệ sinh tiêu chuẩn; tỷ lệ trường PTDTNT, PTDTBT đạt chuẩn quốc gia còn thấp… Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường còn thiếu, chưa đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa cao.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường học và các điểm trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc là một trong những vùng thấp nhất cả nước, đến năm 2019, tỷ lệ các trường các tỉnh Miền núi phái Bắc được kiên cố hóa chỉ đạt 90,8% các trường trên địa bàn; tỷ lệ điểm trường kiên cố thấp nhất trong các vùng của cả nước chỉ đạt 46% (thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước là 54,4%); các tỉnh có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước là Bắc Kạn (69,9%), Tuyên Quang (77,4%)(14).  Ngoài ra, một số chính sách, chế độ còn chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính đặc thù cần thiết đối với hệ thống trường chuyên biệt;...

Trong bối cảnh đó, ThS Trần Minh Đức (Học viện Chính trị khu vực I) cho rằng, để bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:

Tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục đối với DTTS và vùng đồng bào DTTS. Chỉ có những quy định rõ ràng và cụ thể bằng hệ thống các văn bản pháp luật về những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền con người, đến quyền bình đẳng trong giáo dục như: quyền và nghĩa vụ học tập của các DTTS, của vùng DTTS; cơ chế hỗ trợ học sinh người DTTS; quy định hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS; quy định về chế độ giáo dục song ngữ…

Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng DTTS, trong đó xã hội hóa giáo dục để toàn xã hội có thể tham gia đóng góp một cách thiết thực cho sự phát triển giáo dục vùng DTTS là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Rà soát quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách giáo dục đối với vùng DTTS; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng và thực hiện các chính sách giáo dục ở vùng DTTS, đảm bảo tính khoa học, khả năng thực thi với từng khu vực, từng vùng miền.

Tăng cường, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cũng như của mọi người dân về vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Đặc biệt, cần chú trọng phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong các hoạt động khuyến học, phát huy vai trò của hương ước, quy ước của thôn bản, dòng họ nhằm cổ vũ khuyến khích những tấm gương học tập, và tạo động lực khuyến khích lớp trẻ noi theo.

Hồ Nhi