Trung quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo báo cáo Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam (Tháng 7/2014) của Ngân hàng thế giới, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam (nhập khẩu + xuất khẩu): Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam và 28% nhập khẩu. Thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 10 lần trong vòng 10 năm qua, từ 4,9 tỷ USD năm 2003 lên 50 tỷ USD trong năm 2013. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc luôn tăng, đạt gần 24 tỷ USD vào năm 2013.

Giai đoạn 2007-2013, Trung Quốc luôn là đối tác xuất khẩu nhiều nhất tới Việt Nam với mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân khoảng 25,8%/năm. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh từ 20 tỷ USD lên 37 tỷ USD năm 2013, tăng 28,4% so với năm 2012 và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

{keywords}
Tỷ trọng Nhập khẩu Việt Trung trong tổng Nhập khẩu của Việt Nam, % (Nguồn: Tổng cục hải quan)

Trung quốc là nhà cung cấp lớn đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp Việt

Trung Quốc cung cấp tới 70% tổng nhập khẩu điện thoại và linh kiện cho Việt Nam trong năm 2013, gần 50% phân bón, vải, và gần 40% sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên phụ liệu, đầu vào của ngành da giầy … Có thể thấy, Trung Quốc hiện đang là nhà cung cấp lớn nhất của một số ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng, dệt may, da giầy…

Một trong những nguyên nhân của điều này là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có lợi thế hơn về chi phí và vận chuyển so với hàng hóa của các nước khác. Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Mại, phát biểu trên báo Công Thương, cũng cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam cũng chưa thể cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung quốc về các mặt hàng này. Nguyên vật liệu sản xuất, nhiều thứ Trung Quốc có Việt Nam không có hoặc có rất ít. Sản xuất trong nước thì từ công nghệ, mẫu mã, hàng hóa, thiết kế… đều yếu hơn doanh nghiệp Trung Quốc.

{keywords}

Tỷ trọng một số mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc trên tổng nhập khẩu năm 2013, % (Nguồn: Tổng cục hải quan)

Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu của các nhóm hàng máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, không ngừng tăng. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng từ Trung Quốc đã tăng từ mức 2,4 tỷ USD năm 2007 lên mức 6,6, tỷ USD năm 2013. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu vải tăng từ 1,35 tỷ USD năm 2007 lên mức 3,9 tỷ USD năm 2013; nhập khẩu nguyên phụ liệu da giày tăng từ 20,4 triệu USD năm 2007, lên gần 1,2 tỷ USD năm 2013 (tăng 58,6 lần).

{keywords}
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc năm 2013 (nguồn: Tổng cục Hải quan)

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh mới?

Trước thực tế Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nhà cung cấp Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu từ Trung Quốc bởi lợi thế của những mặt hàng nhập từ Trung Quốc rất lớn như: giá rẻ, thuận tiện (đặc biệt nhập qua đường tiểu ngạch), lợi nhuận cao khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các mặt hàng đền từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhập khẩu cần cân nhắc kĩ những tác động của việc phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng là đầu vào cho sản xuất như giống lúa, nguyên phụ liệu dệt may, điện. Những doanh nghiệp về linh kiện điện tử, điện máy (chẳng hạn như công Pico, Trần Anh); các doanh nghiệp dệt may… cần chuyển hướng tích cực hơn nữa sang các thị trường có thể cung cấp sản phẩm tương tự như Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia… để tránh phụ thuộc vào hàng Trung Quốc.

Ngoài ra, việc xây dựng nguồn cung cấp ngay tại trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu để chủ động xoay sở cũng là một phương cách thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Tập trung cho lĩnh vực sợi, dệt để phục vụ ngành may mặc, đầu tư nâng cao tay nghề lao động để tự chế tạo các linh phụ kiện máy móc… không chỉ giúp giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên nhiên liệu Trung Quốc vào Việt Nam, mà về lâu dài sẽ làm giảm nhập khẩu, từ đó sản xuất ra các sản phẩm hoàn toàn Made in Vietnam với chất lượng ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khắt khe trên thế giới, nhất là khi Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lựa chọn đúng nhà cung cấp, thay đổi chiến lược kịp thời sẽ là bí kíp để dành chiến thắng trên thương trường. Đó cũng là những suy nghĩ và trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt hiện nay. Những bài học quý báu sẽ được chia sẻ tại Hội nghị thường niên CEO Summit 2014 tới đây được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 5/8/2014 tới đây, hi vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tự tin chọn lựa hướng đi mới, tận dụng cơ hội và bứt phá thành công trong tương lai.

Vietnam Report