Tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 13 dân tộc sinh sống và trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, có cả dân tộc rất ít người như đồng bào Si La, các dân tộc đặc biệt khó khăn như La Hủ, Cống, Mảng.
Nhằm phát triển các mục tiêu quốc gia trong phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mường Tè đã đưa ra nhiều giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm, hỗ trợ sinh kế và giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, viễn thông, nhu cầu thụ hưởng thông tin.
Từ đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh biên giới.
Tương tự, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có tới 95% dân số là đồng bào dân tộc sinh sống. Từ khi triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống bà con dân tộc tại đây đã có nhiều thay đổi rõ nét.
Người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, viễn thông, thông tin. Nhờ có các thông tin tới tận thôn bản, người dân đã bắt đầu cho con đi học đúng tuổi. Số trẻ em được đến trường qua các năm đều tăng. Người dân đã quan tâm tới sức khỏe như tiêm vắc xin, khám sức khỏe định kỳ.
Để công tác xây dựng đời sống mới ở các thôn, bản, công tác truyền thông phổ biến các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước tới người dân luôn được các địa phương trong tỉnh Lai Châu quan tâm.
Ngoài thông tin tới người dân bằng các hình thức trực tiếp từ đoàn, hội, người có uy tín, công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin chính thống như đài phát thanh, truyền hình cũng được Lai Châu vận dụng tối đa.
Các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc như tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Hà Nhì, tiếng Thái, tiếng Dao được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các đài truyền thanh huyện cũng tiếp sóng đưa thông tin về tận các thôn bản.
Ngoài ra, các phòng văn hóa thông tin chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động biểu diễn, tuyên truyền lưu động, phân công cán bộ xuống các bản, tổ dân phố tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
Từ những thông tin được thụ hưởng, người dân tộc thiểu số tại đây đã nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò của mình trong chủ trương xóa đói giảm nghèo và tham gia tích cực vào công tác này.
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có có 568 cụm loa truyền thanh, trong đó 348 cụm loa sử dụng công nghệ có dây/FM, 220 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông.
Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang được triển khai đến 100% xã; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng, cáp quang đạt 41,5%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 59%.
Với mục tiêu, người dân ở đâu thông tin tới đó, tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển thông tin trên không gian mạng với tất cả các loại hình như: báo chí, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo.
Để công tác giảm nghèo thông tin, phát triển chuyển đổi số tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới theo hướng hiện đại, đa dạng các dịch vụ, xây dựng hạ tầng số.
Ứng dụng, đổi mới công nghệ, kết hợp các loại hình thông tin và truyền thông nhằm thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền.
Người dân tộc thiểu số cũng được lĩnh hội các thông tin quan trọng từ đó họ thay đổi, nâng cao nhận thức trong việc xóa đói giảm nghèo, tránh tái nghèo.