Danh sách dữ liệu thu thập được tiết lộ khi Google tuân thủ quy định mới của Apple, buộc tất cả ứng dụng phát hành trên App Store liệt kê các loại dữ liệu thu thập như lịch sử duyệt web hay vị trí, kể cả thông tin liên kết với danh tính người dùng (dữ liệu tài chính, danh bạ...), phục vụ quảng cáo được cá nhân hóa. Danh sách này có tên Privacy Label (nhãn quyền riêng tư).
Ngay khi Apple công bố chính sách mới vào năm 2020, mọi con mắt đổ dồn về Google và Facebook. Nhiều người nhận định nhãn quyền riêng tư sẽ gây khó khăn cho 2 “cỗ máy kiếm tiền” giá trị nhất ngành công nghệ, số tiền quảng cáo chiếm phần lớn doanh thu.
Zing lược dịch bài viết của tác giả Zak Doffman trên Forbes về lý do ngừng sử dụng Google Chrome nếu không muốn bị thu thập quá nhiều thông tin.
Chrome thu thập nhiều dữ liệu đến vô lý
Nhìn vào nhãn quyền riêng tư của Facebook và Google trên App Store, không ngạc nhiên khi lượng dữ liệu được thu thập bởi sản phẩm của họ nhiều hơn so với các ứng dụng khác. Một trong những ứng dụng gây chú ý là Chrome, trình duyệt web phổ biến nhất thế giới hiện nay.
“Google không quan tâm đến quyền riêng tư người dùng… Họ quan tâm đến việc bảo vệ mô hình kinh doanh dựa trên sự giám sát. Nếu thực sự coi trọng quyền riêng tư, họ sẽ ngừng theo dõi hàng tỷ người trên thế giới” là nhận xét của đại diện DuckDuckGo, công cụ tìm kiếm tập trung vào quyền riêng tư, không liên kết dữ liệu tìm kiếm với người dùng.
Nhãn quyền riêng tư của Google Chrome trên App Store tiết lộ lượng dữ liệu mà trình duyệt này thu thập. Ảnh: DuckDuckGo. |
Sundar Pichai, CEO Google từng khẳng định “không sử dụng thông tin trong ứng dụng chủ yếu lưu dữ liệu cá nhân như Gmail, Drive, Calendar và Photos cho mục đích quảng cáo”. Trình duyệt Chrome không được nhắc đến, dù nó là nơi bạn nhập mọi từ khóa tìm kiếm hàng ngày, truy cập các website và thực hiện các giao dịch riêng tư.
Google đã mất 3 tháng trước khi cập nhật ứng dụng để tuân thủ quy định của Apple. Dựa trên danh sách dữ liệu thu thập bởi Chrome, bạn sẽ thấy cam kết về quyền riêng tư của Google chỉ là lời sáo rỗng khi lượng dữ liệu được thu thập nhiều hơn so với những trình duyệt khác.
Không giống với Safari, Microsoft Edge hay Firefox, Chrome thu thập và liên kết tất cả dữ liệu với thiết bị và danh tính người dùng. Để so sánh, Safari thu thập nhưng không liên kết lịch sử duyệt web, dữ liệu sử dụng và vị trí, trong khi Firefox và Edge hoàn toàn không liên kết dữ liệu với người dùng.
“Bạn không thể trở thành doanh nghiệp tỷ USD nếu không kiếm tiền bằng cách thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt”, Ian Thornton-Trump, Giám đốc An toàn Thông tin công ty tình báo an ninh mạng Cyjax nhận xét.
“Tại sao một trình duyệt web lại muốn có dữ liệu thanh toán của tôi? Điều đó đã nói lên tất cả. Tôi không tìm được lời biện minh hợp lý nào”, nhà nghiên cứu bảo mật Sean Wright cho rằng người dùng có thể chọn không chia sẻ vài thông tin cho Google, nhưng một số dữ liệu được ẩn giấu khéo léo dưới vỏ bọc “cải thiện trải nghiệm sử dụng”.
Lượng dữ liệu mà Chrome thu thập, liên kết với danh tính người dùng so với những trình duyệt khác. Con số trong dấu ngoặc là thị phần trên toàn cầu. Ảnh: UKZAK. |
Loại bỏ cookie để đánh lạc hướng người dùng?
Không chỉ trình duyệt web, Gmail cũng là ứng dụng thu thập nhiều dữ liệu hơn đối thủ. Hình ảnh trên cho thấy lượng dữ liệu được dịch vụ của Google thu thập và liên kết, so sánh với sản phẩm tương tự của Apple và Microsoft.
Khi câu chuyện phức tạp hơn, Google đã đưa ra cách giải quyết khi tuyên bố “không sử dụng mã nhận dạng cá nhân hóa (IDFA) trên iOS phục vụ quảng cáo và đo lường hiệu quả” bên cạnh việc bỏ hoàn toàn cookie của bên thứ 3.
Cookie là những tập tin do một trang web gửi đến thiết bị của người dùng. Chúng được lưu lại khi người dùng truy cập website đó. Cookie được dùng để ghi nhớ thông tin, trạng thái, hoạt động của người dùng trong quá trình truy cập hay duyệt web.
Một số người cho rằng Google đã thực sự quan tâm đến quyền riêng tư người dùng. Tuy nhiên khi biết thứ sẽ thay thế cookie, bạn nên từ bỏ suy nghĩ ấy.
Trước hết, quá trình thay đổi sẽ không áp dụng với bên thứ nhất, tức các sản phẩm do Google phát hành. Như vậy, Google vẫn có thể thu thập dữ liệu khi người dùng sử dụng Chrome, Gmail hay YouTube để nhắm quảng cáo.
Cookie chính là nguồn tài nguyên giá trị giúp các công ty quảng cáo phân tích và nhắm mục tiêu tiếp cận tốt hơn. Ảnh: BBC. |
Ngoài ra, Google kiếm tiền từ việc bán quảng cáo dựa trên dữ liệu được liên kết với người dùng. Hầu hết quảng cáo hướng đến từ khóa tìm kiếm. Google sẽ thay thế cookie bằng FLoC (Federated Learning of Cohorts) để phân chia người dùng theo các nhóm số đông “ẩn danh” có cùng sở thích.
Tuy nhiên, FLoC bị chỉ trích khi có thể mang đến quá nhiều quyền kiểm soát cho Google. Nó sẽ được kích hoạt trên Chrome, trình duyệt với hơn 60% thị phần trên toàn cầu. Đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
“Người dùng cần tẩy chay FLoC và những động thái khác nhằm tạo lại hình thức nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên hành vi. Chúng tôi khẩn cầu Google từ bỏ FLoC, chuyển sang xây dựng website thực sự thân thiện với người dùng”, Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF) cho biết.
“Lý do chính đáng duy nhất để sản phẩm thu thập dữ liệu người dùng là đảm bảo chúng có đủ thông tin cần thiết để hoạt động. Mức độ cần thiết giữa các sản phẩm là khác nhau, nhưng trình duyệt không cần thu thập mọi dữ liệu về người dùng để hoạt động. Các công ty lớn nhất đã lợi dụng lòng tin người dùng quá lâu, đến lúc phải có giải pháp thay thế”, Andy Yen, nhà sáng lập kiêm CEO dịch vụ email bảo mật ProtonMail chia sẻ.
Dù sử dụng trình duyệt nào, hãy tắt quyền sử dụng cookie nếu website cho phép. Ảnh: iMore. |
Quyết định nằm ở người dùng
Người dùng có nhiều lựa chọn thay thế Google Chrome. Tuy nhiên dù sử dụng trình duyệt nào, hãy tắt quyền sử dụng cookie nếu website cho phép, đồng thời cân nhắc bật chế độ ẩn danh dù các tài khoản đăng nhập sẽ không được ghi nhớ sau khi tắt trình duyệt.
Sự phát triển của Internet cho thấy quyền riêng tư của bạn bị xâm phạm ngày càng nhiều. Các nền tảng miễn phí để sử dụng luôn tăng doanh thu từ dữ liệu, đó là sự đánh đổi tất yếu. Tuy nhiên khi Google và Facebook, 2 trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới tạo ra phần lớn doanh thu từ quảng cáo được cá nhân hóa, sự trao đổi ấy đã không còn công bằng
Trong vài năm qua, ngành công nghệ đã phải chú trọng đến quyền riêng tư của khách hàng hơn khi nhiều nhà lập pháp dần lo ngại về tình trạng lạm dụng dữ liệu người dùng. Google đang đối mặt ít nhất 3 vụ kiện chống độc quyền lớn, gồm một vụ kiện mang tính bước ngoặt do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng và một khiếu nại từ liên minh lưỡng đảng các bang.
Mọi người có quyền lựa chọn dịch vụ, dữ liệu nào được thu thập. Điều đó sẽ được cân nhắc kỹ hơn khi những tính năng như nhãn quyền riêng tư được áp dụng. Nếu vẫn sử dụng Google Chrome dù đã đọc nhãn quyền riêng tư, đó là quyết định của bạn.
(Theo Zing)
Nếu thích dùng Google Chrome, bạn nhất định phải làm điều này trên iPhone ngay và luôn
iOS 14 bắt đầu cho phép người dùng lựa chọn trình duyệt của bên thứ ba làm trình duyệt mặc định.