Vướng mắc cụ thể, trả lời chung chung

Liên quan đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 20, một loạt doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đã “kêu trời” vì phải nộp thêm tiền thuế do quy định bất hợp lý.

Năm 2018, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đã gửi hàng loạt thắc mắc đến Văn phòng Chính phủ liên quan đến quy định này vì “có rất nhiều vướng mắc và cũng thấy có nhiều bất hợp lý, gây thiệt hại quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp”.

Lý do là các quy định tại Nghị định 20 Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP.HCM đều xác định quan hệ giữa cá nhân với doanh nghiệp nếu hội đủ điều kiện (một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp) thì cũng là quan hệ liên kết.

{keywords}
Doanh nghiệp lo lắng vì bị khống chế chi phí lãi vay.

Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế cũng có "nhiều điểm chưa rõ ràng".

Cụ thể, trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm (lỗ) thì sao? Trường hợp 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ bị âm (lỗ lớn hơn chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) thì sao?

Công ty luật này cũng phản ánh đã có doanh nghiệp bị Cục thuế TP.HCM không cho bù trừ doanh thu lãi tiền vay với tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ khi xác định 20% chi phí lãi vay khống chế như trên. Điều đó được đánh giá là “cũng rất bất hợp lý”.

Cho nên, công ty luật này kiến nghị Chính phủ khắc phục quy định bất hợp lý của Nghị định 20 và có hiệu lực ngay để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Phản hồi DN khi đó, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chỉ trả lời chung chung rằng “đang tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế liên quan đến áp dụng Nghị định 20 và thực hiện nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ để có hướng dẫn thực hiện đúng quy định”. 

Cuối năm 2018, Công ty TNHH BOT 36.71 cũng bày tỏ sốt ruột với quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp kể trên.

Gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, công ty này trình bày: Là doanh nghiệp BOT được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, công ty có 100% vốn chủ sở hữu là của tổng công ty (công ty mẹ). Chiếu theo quy định trên, DN cũng thuộc diện bị khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% EBITDA khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công ty này cho rằng: BOT là dự án có vốn đầu tư rất lớn, vốn vay chiếm tỷ lệ cao (81%), tỷ lệ này đã thể hiện rõ trong hợp đồng BOT và doanh nghiệp buộc phải vay vốn thông qua tổng công ty (công ty mẹ). Toàn bộ chi phí lãi vay đều là chi phí lãi thực tế phải trả ngân hàng để thực hiện dự án BOT. Hiện dự án đã đi vào hoạt động (thu phí hoàn vốn) nhưng do còn mới, vốn đầu tư lớn, điểm hoà vốn dài, chi phí lãi vay cao, những năm đầu lợi nhuận trước thuế bị âm nhiều. Điều này cũng đã được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

“Nếu tuân thủ theo quy định trên có nghĩa là doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi thấp thì chi phí lãi vay bị loại sẽ rất lớn. Tôi được hiểu tinh thần của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá, chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng “lãi thật lỗ giả”. Nhưng trong trường hợp công ty tôi thì nếu bị khống chế lãi vay theo quy định trên sẽ chuyển thành tình trạng “lỗ thật lãi giả” khi quyết toán thuế TNDN, gây khó khăn cho công ty trong quá trình huy động vốn và thanh toán nợ + lãi vay ngân hàng thông qua tổng công ty (công ty mẹ)”, công ty này trình bày.

Đáp lại, Tổng cục Thuế trả lời: Đây là nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của Tổng cục nên ghi nhận kiến nghị để báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết và có hướng dẫn chung để cộng đồng DN thực hiện.

Phần trả lời này của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính có 15 đánh giá “không hài lòng”,  đánh giá hài lòng là 0.

Đây cũng là nội dung Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trả lời hàng loạt DN thời gian qua. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thất vọng vì “không biết đến khi nào Bộ mới đưa ra được hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi càng để lâu DN càng khốn đốn.

“Nộp tiền vào đố rút được ra”

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh: Về nghị định 20, doanh nghiệp trong hiệp hội rất bức xúc. Nếu áp theo thì mỗi năm DN phải nộp thêm mấy trăm tỷ cho ngân sách nhà nước. Nộp đúng thì không sao nhưng khoản này không đúng.

“Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá nhưng mục tiêu “bắn trượt”, lại “bắn trúng quân ta”, toàn bắn trúng doanh nghiệp trong nước. EVN năm ngoái nộp thêm khoảng 700 tỷ nhưng không hợp lý. Luật doanh nghiệp cho huy động các nguồn, vay ngân hàng là hợp lý, luật thuế cho khấu trừ khoản hợp lý... nhưng lại khống chế 20%, còn bao nhiêu phải xuất ra ngoài, không được trừ khi tính thuế”, ông  Nguyễn Trần Nam băn khoăn.

Điều này, theo ông Nam, là đã thủ tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cho nên, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng cần phải sửa nghị định, trước khi chưa sửa thì đề nghị tạm dừng. “Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế không từ từ được. Doanh nghiệp thì rất sợ, nộp tiền vào rồi đố rút được ra”, ông Nam nhấn mạnh, “Không chỉ bất động sản, điện lực cũng như các lĩnh vực khác vướng hết”.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận xét: Mục tiêu nghị định chưa trúng. Chúng ta chống chuyển giá nhưng tỷ lệ 20% không hợp với doanh nghiệp trong nước của chúng ta.

“EU quy định 30%, Việt Nam lại quy định 20% trong khi DN đi vay rất nhiều, ít ra nó phải cao hơn 30%. Chưa kể thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển, phát hành cổ phiếu chưa được. Doanh nghiệp châu Âu chỉ dựa 35% vốn ngân hàng nhưng Việt Nam ngược lại, doanh nghiệp dựa vào 60-65% vốn ngân hàng”, ông Lực chia sẻ.

Khi nghiên cứu kỹ nghị định này, ông Cấn Văn Lực thấy rằng Nghị định chưa đạt mục tiêu đề ra. 20 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trên sàn đều “dính” Nghị định 20.

“Nghị định đã kí tất nhiên không thể bỏ được, nhưng nó phải ở tỷ lệ phù hợp hơn với bối cảnh. Chúng tôi đang đề xuất đâu đó ở mức 35-40% và phải có lộ trình để kéo về chứ không phải đùng một phát như vậy được”, ông Lực góp ý và nhấn mạnh phải điều chỉnh lại quy định này ngay chứ không chờ thêm được nữa.

Hoài Nam