Chỉ với chi phí rẻ gần như bằng con số 0, chị Trần Thơm đã sở hữu khu vườn rau sạch đậm nét thôn quê với giậu mồng tơi, giàn mướp, giỏ rau,...
Khu vườn rau sạch 0 đồng
Với niềm đam mê cỏ cây, chị Trần Thơm (32 tuổi, Hà Giang) quyết định thiết kế khu vườn nhỏ trên sân thượng để gieo trồng đủ các loại rau, quả. Chị tâm sự: “Mình lấy chồng xa quê, hình ảnh cánh đồng, vườn rau, ao cá luôn hiện diện trong ký ức. Ở thành phố, mình không bao giờ được tận mắt thấy chúng. Chính vì vậy, mình đã bắt tay thực hiện mô hình vườn rau sạch mang đậm nét thôn quê, tạo không gian cho các con vui chơi và thỏa niềm đam mê trồng trọt”.
Vườn rau sạch của gia đình chị Thơm rất đặc biệt. Từ giậu mồng tơi, giàn bầu, giàn mướp cho đến giỏ rau bạc hà,… đều tự tay chị Thơm thiết kế và thực hiện thủ công. Chị cho biết, để “dựng” lên khu vườn rau sạch, chị đã tận dụng nguyên liệu sẵn có như cây tre, cây vẩu hoặc thùng chậu bỏ đi. Nhờ vậy, người thân và bạn bè chị gọi đó là khu vườn 0 đồng.
Để “dựng” lên vườn rau sạch, chị Thơm đã tận dụng nguyên liệu sẵn có như cây tre, cây vẩu hoặc thùng chậu bỏ đi |
Khu vườn 0 đồng rộng chừng 30m2, hội tụ đầy đủ các loại rau quả theo mùa. Chị kể: “Mình thường trồng rau củ quả theo mùa, năng suất và chất lượng sẽ ngon hơn những loại trái mùa. Mùa đông, mình trồng các loại rau cải, củ cải, cà rốt, khoai tây,…Sang hè, những loại rau đặc trưng như rau muống, rau đay, mồng tơi, mướp đắng, dưa chuột,… được trồng mới”.
Chăm sóc tỉ mỉ từng bước
Chị Thơm cho biết, khâu chuẩn bị đất rất quan trọng trong quá trình gieo trồng và chăm sóc rau củ quả. Đất sẽ được khử độc bằng vôi và trộn với mùn, phân bò hay tro trấu.
Dựa vào đặc tính của từng loại rau, chị Thơm sẽ thiết kế thùng trồng. Đối với loại ưa nước, thùng trồng không cần đục lỗ hoặc đục ít lỗ và ngược lại. Tiếp đó, chị sắp xếp chỗ để rau phù hợp với không gian khu vườn. “Do diện tích sân thượng hẹp, mình ưu tiên trồng loại rau phổ biến, ăn được bền, cây leo cho ăn ngọn - lá - quả,…Mình tuyệt đối không trồng tràn lan mỗi loại 1 ít, khó đảm bảo nguồn rau cho gia đình”, chị Thơm tâm sự.
Đối với loại ưa nước, thùng trồng không cần đục lỗ hoặc đục ít lỗ và ngược lại |
Hằng ngày, chị Thơm tưới rau 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Thi thoảng, chị tưới nước vo gạo lên men hoặc nước tiểu pha loãng để rau xanh tốt hơn. Chị cho hay, chị có dùng phân hóa học với số lượng ít để bón cho rau củ. Chị bón khoảng 3 lần vào các đợt sinh trưởng của cây như cây ra 5-7 lá, cây ra hoa và có quả. Sau khi thu hoạch, chị bón thêm lượt phân để phục hồi, kéo dài thêm tuổi thọ cho cây.
Chia sẻ về những khó khăn khi làm vườn, chị tâm sự: “Người làm nông không chuyên khi trồng rau trên sân thượng sẽ gặp phải 1 số khó khăn như vận chuyển đất, nguồn dinh dưỡng ít, nước tưới, vấn đề chống thấm, mái che,…Mỗi lần thu hoạch rau củ, mình cảm thấy rất hạnh phúc và mọi khó khăn đều tan biến”.
Cùng ngắm nhìn dậu mùng tơi, giàn mướp, giỏ rau trong khu vườn rau sạch 0 đồng của gia đình chị Trần Thơm:
Khu vườn 0 đồng rộng chừng 30m2, hội tụ đầy đủ các loại rau quả theo mùa
Sang hè, những loại rau đặc trưng như rau muống, rau đay, mồng tơi, mướp đắng, dưa chuột,...được trồng khắp vườn Giậu mồng tơi được thiết kế đậm chất hồn quê... ...và cho nhiều lá xanh non, mơn mởn
Chị Thơm cho biết, rau muống trồng trên cạn có vị đậm, ngon hơn dưới nước Đất trồng được khử độc bằng vôi và trộn với mùn, phân bò hay tro trấu Dựa vào đặc tính của từng loại rau quả, chị Thơm sẽ thiết kế thùng trồng cho phù hợp Dưa chuột đơm hoa và cho quả sai trĩu
Mướp đắng lủng lẳng trên giàn "cao tít" Từng hốc đậu đũa leo chụm 1 giàn thẳng Thiết kế giỏ trồng hành lá mang tính sáng tạo của chị Thơm Trái cà chua xanh "tắm" mình trong ánh nắng sớm Rau cải ngọt xanh tốt trồng trong chậu sành Giỏ rau bạc hà treo trên cao Mỗi cây rau đay sẽ được gieo trồng trong 1 thùng sơn nhỏ bỏ đi
|
Theo Khám phá