Các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu mặt bằng sản xuất; nguồn nhân lực CNTT chưa đủ trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; thị trường liên kết sản phẩm đầu ra còn thấp, chủ yếu là gia công mà chưa tự sản xuất được... Để lắng nghe và tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề của các doanh nghiệp, UBND thành phố Đà Nẵng vừa qua đã tổ chức Hội nghị Phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Tham dự Hội nghị có ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng;  ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT; lãnh đạo, đại diện của gần 60 doanh nghiệp CNTT hoạt động trên địa bàn cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Ông Trương Thanh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Asian Tech chia sẻ: "Công ty đang đặt văn phòng tại tòa nhà VNPT (KCN An Đồn, Sơn Trà, Đà Nẵng) nhưng diện tích còn khá nhỏ. Chúng tôi muốn mở rộng mặt bằng để ổn định sản xuất và phát triển nguồn nhân lực với trên 500 nhân viên nhưng chưa thể tìm được mặt bằng phù hợp".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Global Cybersoft, chi nhánh Đà Nẵng thuộc tập đoàn Hitachi cũng đang thuê văn phòng tại tòa nhà VNPT (đường 2/9, Hải Châu, Đà Nẵng) nhưng không thể mở rộng sản xuất và tăng số lượng nhân công vì mặt bằng không đủ để đáp ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vì người giỏi kỹ thuật lại thiếu trình độ ngoại ngữ mà người giỏi về ngoại ngữ thì lại thiếu năng lực làm kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian cũng như kinh phí để đào tạo nhân sự phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Kha, Giám đốc Khách hàng Doanh Nghiệp Viettel Đà Nẵng cho biết: Nếu thị trường Việt Nam xác định là chuyên về gia công thì chúng ta sẽ luôn thiếu nhân lực vì khi đó toàn cầu sẽ nhìn vào Việt Nam như một phân xưởng để tiếp tục đưa sản phẩm vào gia công. Bởi vậy, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng như Đà Nẵng trong quá trình chuyển dịch phải hoạch định rõ ràng khi nào chúng ta chấm dứt được việc chỉ làm gia công, phải hướng đến thuê lại nước ngoài. Viettel đa phần tự lực trên những gì mình hiện có với chủ trương xây dựng nền tảng chứ không xây dựng ứng dụng. Do đó, các doanh nghiệp khác có thể cùng hợp tác với Viettel để tạo ra ứng dụng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác bày tỏ mong muốn được hợp tác với Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố thông minh, dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích và hỗ trợ các doanh nghiệp start-up. Để tìm kiếm đối tác liên kết kinh doanh, nhiều doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ cũng bày tỏ nguyện vọng được gặp gỡ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư vào Đà Nẵng. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn thành phố sẽ tạo điều kiện hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục, giấy phép lao động, visa, thị thực cho khách hàng, chuyên gia nước ngoài đến làm việc.

Hầu hết các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ đều có chung kỳ vọng thành phố sẽ đưa ra nhiều chính sách và quỹ hỗ trợ để các doanh nghiệp không những phát triển lớn mạnh trong nước mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng: Để quy tụ các doanh nghiệp CNTT, tạo môi trường liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian hoạt động với hạ tầng tốt và chi phí ưu đãi, thành phố Đà Nẵng đã và đang hình thành các khu Công viên Phần mềm và Khu CNTT tập trung. Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 3 khu đang hoạt động (Công viên Phần mềm, Tòa nhà Phần mềm FPT, Khu CNTT tập trung) và 3 khu đang triển khai đầu tư xây dựng (Khu CNTT tập trung số 2, Khu Công nghệ cao và Khu Công viên Phần mềm số 2). Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể nhận được nhiều chính sách hỗ trợ về giá thuê đất, thuê mặt bằng và hạ tầng khi đầu tư vào Khu CNTT tập trung của thành phố.

Về việc xây dựng thành phố thông minh, ông Thanh nhấn mạnh: Đà Nẵng tiếp cận dự án này trên nguyên tắc đa đối tác, đa nền tảng, đa nguồn vốn nên cơ hội sẽ mở rộng với tất cả các doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào bất cứ doanh nghiệp nào.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhận định: Thành phố Đà Nẵng sẽ quyết tâm đầu tư Công nghiệp CNTT và Truyền thông trở thành ngành mũi nhọn trong những năm tới. Do đó, Sở TT&TT sẽ là đơn vị tham mưu giúp thành phố đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết hết các vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra. Đồng thời, Sở TT&TT cần có những buổi tọa đàm, gặp mặt chuyên đề để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp và có phương án hỗ trợ kịp thời. Đối với vấn đề nhân lực, Sở TT&TT đã đề xuất thành phố ký kết hợp tác và yêu cầu các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực CNTT tiếp tục cập nhật đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giảng viên, tăng thời lượng dạy ngoại ngữ và tăng thời gian thực hành của sinh viên…

Tính đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng có gần 700 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động với nhiều dịch vụ khác nhau, được phân thành 5 nhóm dịch vụ chính: nhóm dịch vụ sản xuất, gia công cung cấp dịch vụ phần mềm (chiếm khoảng 43% số lượng doanh nghiệp); nhóm dịch vụ phân phối, buôn bán sản phẩm CNTT (chiếm 29%); nhóm sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử (chiếm 7%); nhóm dịch vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số (chiếm 5%); nhóm sản xuất, cung cấp dịch vụ CTTT khác (chiếm 16%).

Nguồn nhân lực CNTT của Đà Nẵng ước đạt khoảng 20.000 người. Các cơ sở đào tạo CNTT chủ yếu trên địa bàn như: Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Duy tân, Đại học FPT, Cao đẳng CNTT Đà Nẵng, Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn,…