- Nhiều ý kiến cho rằng vẫn có “cửa” cho gia cầm nhập lậu vào chợ Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội). Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan chức năng khẳng định, chợ đầu mối này đã vắng bóng gia cầm lậu.

Đã “sạch” gia cầm nhập lậu?

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện “Phương án ngăn chặn, xử lý việc chuyển gia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn Hà Nội, báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) cho thấy, qua 6 tháng triển khai, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý: 155 vụ việc vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch; xử lý vi phạm hành chính được gần 280 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy hơn 27,5 tấn gà lông; 34 tấn sản phẩm gia cầm tươi sống và sản phẩm gà đông lạnh; 216.880 quả trứng gia cầm và 16.000 con gia cầm giống.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục QLTT, tự tin cho rằng gần đây, hiện tượng vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch... trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, không còn tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu bằng ôtô trọng tải lớn.

Tại chợ gia cầm Hà Vĩ, trước có 16 hộ kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, nay không còn hộ nào hoạt động. Một số tiểu thương chủ động tìm đến nguồn hàng, hợp đồng với những hộ chăn nuôi gà ở Bắc Giang và các hộ chăn nuôi trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

{keywords}
Liệu các chốt kiểm dịch có kiểm soát hết lượng gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thành phố?

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu trên địa bàn rất khó. Các đối tượng kinh doanh trộn lẫn gà nhập lậu vào gà nội địa, dùng hồ sơ kiểm dịch để vận chuyển gà vào phố; giết mổ trước khi đưa đi tiêu thụ. Thậm chí, họ còn chống lại lực lượng thi hành công vụ, cản trở công tác điều tra... Chưa kể, việc vận chuyển trứng, con giống gia cầm vẫn còn khá phức tạp.

Nhiều khe lọt

Song, tại hội nghị trên, theo phản ánh thì các chốt kiểm dịch tại mỗi cổng chợ vẫn bị bỏ ngỏ, thậm chí có phía cổng chợ còn không có lực lượng chức năng làm việc tại chốt để kiểm soát gia cầm lậu. Đó là chưa kể tình trạng xe công nông, xe lôi chở gà từ nhà dân vào chợ không phải kiểm dịch vì đã có giấy kiểm dịch trước đó vẫn diễn ra. Vậy liệu các hộ kinh doanh có lợi dụng các kẽ hở này để trà trộn gà nhập lậu vào gà nội để bán ngoài chợ không. Và như thế, liệu chợ gia cầm Hà Vĩ có “sạch” được gà lậu như báo cáo?

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, nói rằng theo quy định, không chỉ từ 5h sáng đến 7h sáng các chốt kiểm dịch mới hoạt động, mà trong 24h, lúc nào cũng có người làm việc tại chốt kiểm dịch, ít nhất mỗi chốt phải có 2 người của chi cục thú y và một trưởng tạm hoạt động cả ngày nghỉ lễ và chủ nhật.

Song bà Mai cũng phải thừa nhận rằng, thời gian qua, việc nhập lậu diễn biến phức tạp, các chốt kiểm dịch lập ra đã thực hiện được một số nhiệm vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại.

{keywords} 

“Tôi có 2 đêm xuống trực tiếp chốt kiểm dịch này nhưng đều phải nhắc nhở. Đêm đầu tiên không có sự xuất hiện của cảnh sát, nếu tôi không có mặt thì làm sao tiến hành kiểm tra và nhắc nhở, phạt những vụ vi phạm? Đến đêm thứ hai tôi cũng có mặt lúc 2h sáng thì chốt kiểm dịch thực hiện đầy đủ nhưng làm không nghiêm túc”, bà Mai nói.

Bà Mai còn khẳng định: “Chúng tôi phải bố trí đầy đủ lực lượng cho chi cục thú y. Tôi không được nghe báo cáo về việc thiếu lực lượng bổ sung cho chi cục thú y khu vực Hà Vĩ và các chốt kiểm dịch. Nếu có việc xảy ra trách nhiệm thuộc về các chốt. Thành phần của chốt kiểm dịch hoạt động 24/24h, không bao giờ nào được phép không có người”.

Còn hiện tượng ban quản lý chợ trả lời phóng viên có xe công nông, xe lôi chở gia cầm từ nhà dân vào phân phối trong chợ không cần giấy kiểm dịch vì đã được kiểm dịch trước đó, bà Mai cho rằng đó là thiếu trách nhiệm, không đúng quy định. Không có việc gia cầm vào chợ quá nhiều, phải cho chở gia cầm về tích trữ trong dân, bởi chợ Hà Vĩ chưa bao giờ ở trong tình trạng báo động về việc thừa gia cầm, không còn chỗ chứa gia cầm.

“Tôi chưa bao giờ được nghe chuyện này, và nếu quá sức chứa thì khu vực dân trong đó sức tiêu thụ chưa nhiều đến mức phải tập trung gia cầm trong dân”. Còn giải thích như ban quản lý chợ là lời giải thích cho sự xuất hiện của gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào phân phối mà thôi”.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ gia cầm được đưa về nhà dân vào đêm ngày 15 hàng tháng. Bà Mai lý giải, một tháng phải có 2 ngày đóng cửa và vệ sinh toàn bộ khu vực chợ, phun thuốc tiệt trùng để đảm bảo an toàn vệ sinh. Vì thế, ngày hôm trước, những hộ sẽ phải hạn chế nhập gia cầm vào. Thế nhưng, trong quá trình buôn bán không thể tránh khỏi còn tồn vài chục con hoặc trăm con gà vịt, ngan, ngỗng... từ hôm trước nên ban quản lý cho phép họ được chuyển gia cầm về nhà (?!?).

Bà Mai cho hay, tất cả các gia cầm này đều được lập biên bản, hộ nào có bao nhiêu con gà, con vịt dưới sự giám sát của chốt kiểm dịch thì ngày hôm sau số gia cầm đó mới được phép vận chuyển vào lưu thông trong chợ, nếu không có biên bản thì số gia cầm đó coi như không rõ nguồn gốc. Việc dùng xe lôi đưa gia cầm vào chợ không có giấy kiểm dịch từ trên 50 con được phép xử lý, còn dưới 50 con thì cần phải xuất trình giấy xác nhận của xã nơi xuất gia cầm đi.

“Còn nếu có trường hợp như phản ánh, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh”, bà Mai khẳng định.

Bảo Hân