Nhắc đến ẩm thực Tây Bắc, người ta thường nghĩ tới các món ăn nổi tiếng như thịt gác bếp, cơm lam, măng rừng, lợn cắp nách,… Thế nhưng, ở vùng đất này còn xuất hiện một món ăn đặc biệt được ví như đặc sản "trời ban" mà ít người biết tới, đó chính là rêu suối.
Rêu suối là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày hay xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Thái, Tày ở các tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang,... Ở mỗi nơi, rêu đá lại có hương vị và cách chế biến riêng nhưng vẫn là "thức quà" từ nhiên nhiên không chỉ bà con vùng Tây Bắc yêu thích mà còn "được lòng" cả thực khách gần xa.
Rêu mọc tự nhiên, bám quanh những tảng đá ở dưới suối, chỉ xuất hiện theo mùa, vào tầm cuối thu, đầu đông. Rêu có nhiều loại nhưng rêu mọc ở chỗ nước sạch, chảy xiết thì mới có thể ăn.
Người dân thường hái rêu ở khu vực suối có mực nước nông đến đầu gối. Chỗ nước sâu, nước tù thì rêu ít mọc, nếu có thì rêu cũng không được sạch vì dính nhiều sạn cát.
Chị Nguyễn Thị Lài (sinh sống tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, vài năm gần đây, cứ đến mùa lại ra suối thu hoạch rêu về ăn và đem bán.
"Nên hái ở những bãi rêu lớn bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu phải đứng ở dưới suối rồi tiến dần lên trên, tránh làm đục nước. Vì nước đục sẽ khó nhìn thấy rêu và làm cát sạn dính vào rêu.
Rêu chỉ sống khoảng một tuần, tức là đến mùa rêu mọc được 3-4 ngày thì phải ra vớt ngay. Khi ấy rêu mọc tốt nhất và non. Nếu thu hoạch chậm thì rêu sẽ chuyển sang màu trắng và không dùng làm thức ăn được nữa", chị nói.
Sau khi thu hoạch rêu từ suối, người dân thường dùng chày gỗ, khúc gỗ hoặc chuôi dao để đập rêu nhiều lần trên mặt tảng đá to, sạch hay trên mặt thớt cứng. Sau đó nhặt sạch rác, sỏi đá lẫn trong rêu rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát. Cuối cùng là công đoạn "giặt rêu".
Rêu được thả vào những chậu nước lớn. Người dân dùng tay vò qua lại giống động tác giặt quần áo để giũ sạch những chất bẩn, nhớt còn sót lại nám ở rêu. "Giặt" qua nhiều lần nước xong, rêu được vắt ráo nước, túm lại thành từng nắm chắc nịch.
Theo những người có kinh nghiệm, cần tránh thu hoạch rêu vào ngày rằm vì thời điểm này, ốc sẽ sinh sản và bám vào các đám rêu. Ảnh: Thơm Mỹ |
Ban đầu, người dân địa phương thường chỉ hái rêu suối về ăn, làm món rau cho các bữa cơm trong gia đình. Khi rêu được biết đến nhiều hơn bởi hương vị lạ miệng, người ta lại thu hoạch rêu đem ra chợ bán.
Rêu được nặn thành từng tảng hình tròn, nặng khoảng trên dưới 1kg với giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/nắm tùy từng nơi.
Theo những người có kinh nghiệm, cần tránh thu hoạch rêu vào ngày rằm vì thời điểm này, ốc sẽ sinh sản và bám vào các đám rêu. Ảnh: Thơm Mỹ |
Rêu là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn ngon như rêu nướng, canh rêu, rêu xào tỏi, nộm rêu... Mỗi món lại có cách chế biến khác nhau, mang đến những hương vị đặc trưng riêng.
Với món canh rêu, rêu sau khi sơ chế sạch sẽ được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm. Lúc chín tới, mùi rêu kết hợp với nước hầm tạo nên hương thơm hấp dẫn. Được thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh, thực khách mới cảm nhận được cái thú ẩm thực độc đáo nơi vùng cao Tây Bắc.
Với những mẻ rêu non, bà con dân tộc thường dùng để làm nộm. Rêu được làm sạch, cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng các gia vị như gừng, mùi, mắc khén, muối, mì chính. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Trộn đều tất cả là đã có ngay món nộm rêu thơm ngon, hấp dẫn.
Theo những người có kinh nghiệm, cần tránh thu hoạch rêu vào ngày rằm vì thời điểm này, ốc sẽ sinh sản và bám vào các đám rêu. Ảnh: Thơm Mỹ |
Rêu được chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất, đặc trưng nhất có lẽ vẫn là rêu nướng (hay còn gọi là rêu pho). Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm và gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng.
Khi nướng, không được để rêu quá gần ngọn lửa, tránh để rêu cháy, chảy gia vị ra ngoài hay dính tro bếp. Thỉnh thoảng phải xoay chiều gói rêu để các mặt đều được tiếp xúc đủ lửa, giúp rêu bên trong chín đều. Khi phần vỏ hơi cháy xém là rêu chín, dậy mùi thơm phức. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà,...
Anh Trần Huy (đến từ Hà Nội) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái. "Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon.
Rêu mềm, có hương vị riêng, bùi bùi, thoang thoảng cả vị của nước suối, ăn một lần vẫn nhớ mãi. Tôi thích nhất món nộm rêu. Tôi cũng mua vài cân rêu về làm quà cho cả nhà, ai ăn cũng khen ngon và thích thú", anh nói.
May mắn được thưởng thức rêu nướng ở Hà Giang 2 năm trước, chị Phạm Thu Nga (đến từ Hải Phòng) "phải lòng" món đặc sản này ngay từ lần đầu. "Có những lần thèm rêu nướng quá, tôi lại bắt xe khách lên Hà Giang chơi vài ngày để được thưởng thức hương vị của món ăn này.
Những gói rêu nóng hổi, vừa mở ra đã nức mùi thơm từ các loại nguyên liệu hòa trộn với nhau. Vị rêu rất lạ, kèm với mùi thơm hạt dổi, chút cay cay của hạt tiêu rừng càng làm món ăn thêm đậm vị hơn", chị Nga bày tỏ.
Theo những người có kinh nghiệm, cần tránh thu hoạch rêu vào ngày rằm vì thời điểm này, ốc sẽ sinh sản và bám vào các đám rêu. Ảnh: Thơm Mỹ |
Theo lời của bà con dân tộc vùng Tây Bắc, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh như giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Còn theo kinh nghiệm dân gian, rêu có tính thanh mát nên có thể trị mụn nhọt, sốt rét, phòng hàn. Rêu chủ yếu là chất xơ, có tác dụng giảm mỡ trong máu, thích hợp cho những người muốn giảm cân.
Loài cá có hình thù kỳ dị là đặc sản ở Nhật Bản
Vẻ ngoài đáng sợ như "sinh vật ngoài hành tinh" làm người ta bị ám ảnh, song từ lâu nó là món ăn ngon ở Nhật Bản.
Theo Dân trí