- Tại tòa, hầu hết nhân viên Vietinbank – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng thừa nhận dù không có mặt khách hàng vay và người đứng tên bảo lãnh nhưng vẫn ký lập hồ sơ, phê duyệt, giải ngân tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 132 tỷ đồng.
Ngày thứ 5 xét xử “đại án” lừa đảo 4.000 tỷ đồng, HĐXX tiếp tục thẩm vấn nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng Vietibank – chi nhánh TP.HCM bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Thế chấp thẻ ăn cắp có vay được tiền?
Liên quan đến thủ đoạn chiếm đoạt tiền của các nhân viên ACB và Navibank đứng tên gửi tại Vietibank – chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như khai: sau khi các nhân viên của ACB gửi tiền vào tài khoản thanh toán của họ tại Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm hồ sơ giả, giả chữ ký của các nhân viên ngân hàng để mở thẻ tiết kiệm đứng tên họ.
Sau đó, Như tiếp tục làm giả lệnh chi, chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang các tài khoản tiết kiệm này.
Các bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng đa số được tại ngoại, mặc áo trắng đến tòa |
Sau khi tiền được chuyển vào 83 thẻ tiết kiệm, Như sử dụng các thẻ tiết kiệm trên làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ với vai trò là người bảo lãnh, người đứng tên vay để vay tiền.
Trong đó, Như vay tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ 274,6 tỷ đồng và tại phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng 239,94 tỷ đồng. Cũng vì lý do trên, 9 cán bộ ngân hàng đã bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay”.
Để làm rõ hành vi của các bị cáo nhóm cán bộ ngân hàng, HĐXX và các luật sư mời từng bị cáo lên trả lời thẩm vấn. Trả lời tòa, bị cáo Huỳnh Trung Trí – nhân viên tín dụng chi nhánh Đinh Tiên Hoàng thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm quy kết. Bị cáo Trí khai với vai trò là cán bộ tín dụng, bị cáo có trách nhiệm tiếp xúc khách hàng khi lập hồ sơ tín dụng cho vay.
Thế nhưng, trong quá trình lập hồ sơ tín dụng chỉ có bị cáo Trần Thị Tố Quyên (nhân viên của Như tại công ty Hoàng Khải) và một vài cá nhân khác được Như nhờ đứng tên vay có mặt tại Phòng giao dịch để ký vào hồ sơ.
Tương tự, các cá nhân là chủ thẻ tiết kiệm (bên có tài sản bảo lãnh cho hợp đồng vay trên) cũng không có mặt để ký vào hồ sơ vay nhưng vẫn đề xuất cho vay. Sau khi giải ngân xong, các bị cáo mới chuyển hồ sơ cho Như bổ sung chữ ký hợp thức hóa.
Khi HĐXX đặt câu hỏi khi cho khách hàng vay bằng tài khoản đảm bảo là thẻ tiết kiệm mà không có chủ thẻ tiết kiệm (thực chất Như đã giả chữ ký mở thẻ tiết kiệm), bị cáo có thấy có gì bất bình thường ở không?
Bị cáo Trí khai do phòng giao dịch của bị cáo chỉ tiêu phải cho vay là 200 tỷ nhưng mới cho vay được vài tỷ nên bị cáo áp lực doanh số. Hơn nữa, khi Như cho biết đây là khoản vay của khách hàng phòng Điện Biên Phủ chuyển sang để san sẻ chỉ tiêu doanh số cho phòng giao dịch nên bị cáo không đề cập nữa.
Nghe những lời khai trên, HĐXX đặt câu hỏi làm việc như các bị cáo thì có phải “thẻ tiết kiệm đánh cắp mang đi thế chấp cũng vay được tiền?”.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân – giao dịch viên Đinh Tiên Hoàng, bị cáo Đoàn Lê Du – Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Phạm Thị Tuyết Anh – giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ cũng thừa nhận sai phạm khi ký duyệt hồ sơ mà không có đầy đủ chữ ký, không có mặt khách hàng.
Một bị cáo kêu oan
Cũng trong nội dung thẩm vấn sáng nay, ngoài các bị cáo nhận tội, có một bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng Vietinbank đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh và mức độ hành vi, một bị cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội.
Các bị cáo tại tòa |
Trong đó, bị cáo Bùi Ngọc Quyên – Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ thừa nhận là người kiểm soát tính xác thực của tài sản đảm bảo, nhập kho tài sản đảm bảo nhưng khi không có chủ tài sản đảm bảo (chủ thẻ tiết kiệm) có mặt, bị cáo vẫn duyệt hồ sơ và cho Như bổ sung chữ ký sau.
Theo bị cáo Quyền, bị cáo chỉ làm sai quy trình cho vay theo quy định của Vietinbank, bị cáo kêu oan tội vi phạm quy định về cho vay.
Trước lời trình bày trên, đại diện VKS đã phải thốt lên: “Toàn bộ do bị cáo Như ký giả hết mà các bị cáo bỏ qua thủ tục để cho Như bổ sung chữ ký sau. Đó chính là kẽ hở chết người. Nếu bị cáo không bỏ qua chữ ký này thì Như có lấy được tiền không? Vậy bị cáo cho rằng hành vi giúp cho Như chiếm đoạt số tiền 132,2 tỷ đồng của bị cáo không phạm tội vi phạm quy định cho vay mà bị cáo thừa nhận sai vậy có phải đồng phạm tội danh bị cáo Như không”? Nghe đến đây, bị cáo Quyên xin được xem xét.
Cũng trong phần thẩm vấn buổi sáng, HĐXX dành khá nhiều thời gian để làm rõ các nội dung xung quanh kháng cáo kêu oan của bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên - Phó Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.
Theo bản án sơ thẩm, mặc dù biết hồ sơ vay chưa đầy đủ chữ ký của khách hàng xin vay và bên có tài sản đảm bảo nhưng bị cáo vẫn phê duyệt cho 6 khoản vay tổng cộng 33,29 tỷ đồng và tuyên phạt bị cáo mức án 11 năm tù.
Tại tòa, bị cáo Tiên liên tục kêu oan đến HĐXX. Bị cáo Tiên thừa nhận có ký giải ngân đối với 6 khoản vay trên nhưng các hồ sơ bị cáo ký đều đã đầy đủ các chữ ký theo quy định còn việc Như làm giả các chữ ký đó hay không bị cáo không thể biết.
Ngay sau đó, HĐXX mời Huỳnh Thị Huyền Như; Huỳnh Trung Chí; Nguyễn Thị Phúc Ngân; Trần Thị Tố Quyên có thể xác định 6 hồ sơ cho vay khi Tiên ký duyệt là chưa có chữ ký của người có tài sản đảm bảo (chủ thẻ tiết kiệm); sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.
HĐXX lại mời bị cáo Đoàn Lê Du lên hỏi ai là người kiểm soát cuối cùng trong quá trình thực hiện các hợp đồng trên? Bị cáo Du cho biết chính là bị cáo. Tòa hỏi tiếp vậy theo bị cáo khai tất cả hồ sơ bị cáo duyệt cho vay chữ ký của khách hàng đều bổ sung sau đúng không? “Dạ, đúng”, bị cáo Du trả lời.
Từ đó, HĐXX đặt câu hỏi bị cáo Du là người kiểm soát cuối cùng cũng thừa nhận các hợp đồng chưa đầy đủ chữ ký người vay, bên bảo đảm mà bổ sung sau thì sao bị cáo Tiên ở khâu trước lại cho rằng có đầy đủ hết các chữ ký? HĐXX cũng cung cấp bản cung gốc do chính tay bị cáo Tiên khai trước đây và bị cáo thừa nhận những sai phạm này.
M.Phượng