- 18 tháng con em không thích ăn một thứ gì. Mọi đồ ăn mà các bé lứa tuổi này có thể ăn như phở, bún, mỳ, sữa công thức, sữa chua, phomai, váng sữa...chỉ cần nhìn thấy cháu đều lắc đầu.
Thưa chuyên gia!
Em thực sự stress vì chuyện ăn uống của con. Cứ mỗi khi đi làm, nghĩ về con ở nhà không chịu ăn uống là em còn chẳng có tâm trí làm việc. 18 tháng con em không thích ăn một thứ gì. Mọi đồ ăn mà các bé lứa tuổi này có thể ăn như phở, bún, mỳ, sữa công thức, sữa chua, phomai, váng sữa...chỉ cần nhìn thấy cháu đều lắc đầu.
Mỗi lần như vậy bà, bố, mẹ đều phải thay nhau ép cháu ăn. Mỗi bữa ăn của cháu ít nhất là 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Những hôm cháu ốm, sốt tình trạng ăn uống càng kinh khủng hơn. Mỗi bữa ăn người lớn phải làm đủ trò cháu mới chịu nuốt được 1, 2 thìa cháo, sữa, hoa quả...
Cháu không chịu ăn bất cứ một thứ gì (Ảnh minh họa) |
Em đã thử áp dụng các cách nhưng vẫn không ăn thua. Ví dụ em để con nhịn đói từ sáng đến 7h tối. Ban đầu cháu cũng tự động há miệng khi thấy mẹ xúc nhưng chỉ được 3,4 thìa đầu sau đó lại trở về tình trạng cũ. Hiện bé đã quá còi, em không nỡ tiếp tục bỏ đói con nhiều lần và nhiều giờ hơn nữa.
Nói về đồ ăn em đã thử đa dạng các loại đồ ăn cho bé. Về phương pháp em cũng thử cho bé bốc, khám phá đồ ăn để bé hứng thú rồi tự ăn. Ngoài ra, em cũng mua thêm vitamin bổ sung nhưng đều không thấy tác dụng. Quá lo lắng vợ chồng em cho bé đi khám dinh dưỡng cũng chỉ nhận được mấy loại men mà dùng một thời gian ngắn ban đầu thì có tác dụng, sau đó thì không còn hiệu quả
Mấy hôm nay cháu ốm không ăn bất cứ một thứ gì. Nhìn con còi, teo tóp cứ thấy thìa cháo là lắc đầu, mím chặt miệng em không khỏi đau lòng. Vì chuyện ăn uống của con mà cả nhà lúc nào cũng căng thẳng, cãi vã.
Có lẽ em đã sai khi không rèn con ngay từ đầu. Lúc trước bà hay dỗ cháu ăn theo kiểu đi rong, xem tivi, quảng cáo..Mỗi lần cháu ăn thì đồ chơi bát đũa bày các kiểu la liệt khắp nhà. Mỗi bữa ăn nhà như bãi chiến trường, bố mẹ thì stress căng thẳng. Nhưng giờ em không biết phải làm sao để cải thiện.
Độc giả Lê Hằng (Hải Phòng)
Trả lời:
Chào bạn, bạn không nói rõ con bạn là bé trai hay bé gái, các số đo về chiều cao, cân nặng để chúng tôi có thể đánh giá thể trạng của bé. Theo tôi hiện tại vấn đề không phải nằm ở bé mà vấn đề chính là ở bố mẹ. Qua câu chuyện bạn kể, tôi thấy bạn đã tạo áp lực cho con và chính bản thân mình khiến cháu đến giờ ăn sợ hãi, phản ứng tiêu cực với đồ ăn.
Trước tiên, bạn phải tạo thoải mái tâm lý cho con và mình khi mỗi giờ ăn đến. Bạn hãy rèn cho con nếp ăn cùng cả nhà. Theo đó, khi cả nhà ăn cơm cũng là lúc cháu được ngồi bên cạnh bàn ăn gia đình. Bạn hãy lấy một số thực phẩm luộc có màu sắc đẹp như cà rốt, khoai tây, bí đỏ...để cháu tự bốc ăn. Nếu cháu không ăn bạn hãy dọn dẹp và vui vẻ, hạn chế việc ép cháu phải ăn khiến bé sợ hãi. Khi xung quanh thấy bố mẹ, ông bà ăn một cách vui vẻ, thoải mái tôi chắc bé sẽ bắt chước làm theo nhanh chóng.
Bạn hãy cho cháu có cảm giác đói bụng thật sự. Bố mẹ cần hết sức tránh việc bé không ăn cơm, cháo thì "bù đắp" bằng bánh, kẹo, bim bim, nước ngọt... đặc biệt là lúc gần giờ ăn cơm. Trẻ được ăn thỏa thích các món này sẽ không còn hứng thú với bữa ăn chính nữa. Bạn có nói là đã "bỏ đói" con nhưng bạn phải chắc chắn trong khoảng thời gian đó cháu không được ăn bất cứ thứ gì và chỉ được uống nước lọc (tránh nước hoa quả). Việc cháu ăn 3, 4 thìa đầu đã cho thấy phương pháp này có hiệu quả. Bạn hãy kiên trì mới mong có kết quả khả quan.
Bạn tăng cường thay đổi món ăn cho con. Ví dụ ngày 3 bữa cháo cần đầy đủ bốn nhóm thực phẩm thay đổi trong ngày kết hợp rau xanh và dầu mỡ, bổ sung thêm hoa quả. Khẩu phần ăn càng đa dạng thực phẩm thì bé mới được cung cấp đủ chất để phát triển khỏe mạnh. Thời gian mỗi bữa ăn của cháu chỉ được giới hạn từ 15- 30 phút. Hết thời gian này bố mẹ lập tức dọn bàn ăn. Việc ăn uống mất cả tiếng đồng hồ sẽ vô tình tạo thói quen xấu cho bé.
Ngoài ra các thói quen không tốt như đi rong, vừa ăn vừa chơi, xem tivi...bạn cũng nên trao đổi với bà của cháu để thay đổi. Ngoài ra, nếu hàng xóm có con cùng lứa tuổi con bạn bạn có thể mời bé sang ăn cùng bữa tối. Khi thấy bạn ăn bé cũng sẽ bắt chước và ăn theo.
Bố mẹ cũng có thể bổ sung cho bé thêm lysin, men tiêu hóa, vitamin D, canxi, kẽm… theo chỉ định của bác sĩ giúp bé ăn ngon và phát triển chiều cao.
Chuyên gia tư vấn