- Đái dầm là chứng bệnh thường gặp ở trẻ em trong khi ngủ. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên như cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ thần kinh chưa làm chủ được việc tiểu tiện...

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của cơ thể và hệ thần kinh, chứng đái dầm sẽ từ từ biến mất. Nhưng nếu trẻ đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn đái dầm thì đây lại là biểu hiện của bệnh lý. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh đái dầm và cách chữa trị để theo dõi, phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.

Bệnh đái dầm ở trẻ em có liên quan đến một hoặc nhiều điều sau đây:

- Bàng quang của trẻ phát triển chậm hơn bình thường.

- Bàng quang chứa ít nước tiểu hơn bình thường.

- Đái dầm do di truyền. Nếu bố mẹ đái dầm lúc còn nhỏ thì nhiều khả năng con cũng bị đái dầm.

- Sự suy giảm của vasopressin (một loại hormone làm giảm quá trình sản xuất nước tiểu).

{keywords}


8 nhóm nguyên nhân chính gây đái dầm:

1. Di truyền

Đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đái dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con cái sẽ là 77%. Tỷ lệ này giảm còn 44% nếu chỉ bố hoặc mẹ từng đái dầm, và còn 15% nếu không ai trong cha mẹ từng đái dầm.

2. Giảm dung tích chức năng bàng quang

Ở nhóm trẻ này, thể tích bàng quang vẫn bình thường nhưng khả năng chứa nước tiểu lại thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Ban ngày, trẻ phải đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh để tránh sự cố. Khả năng giữ nước tiểu qua đêm cũng thấp hơn.

3. Tăng sản xuất nước tiểu về đêm

Ban đêm não sản xuất một loại hoóc môn gọi là vasopressin, giúp làm giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận, cho phép chúng ta ngủ tới sáng mà không phải dậy đi tiểu. Sản xuất không đủ hoóc môn này có thể gây đái dầm.

4. Không thể tỉnh giấc

Một số trẻ đái dầm không có khả năng tỉnh giấc khi bàng quang đạt dung tích tối đa.

5. Táo bón

Khi trực tràng bị đầy, phân có thể ép vào bàng quang, khiến cơ quan này “hiểu nhầm” và gửi tín hiệu thần kinh tới não như khi bàng quang bị đầy. Trực tràng đầy phân cũng làm giảm dung tích bàng quang hoặc khiến trẻ không thể làm rỗng tối đa cơ quan này.

6. Các yếu tố tâm lý

Trẻ có thể bị đái dầm thứ phát sau những căng thẳng đáng kể như chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân, cha mẹ ly dị hay bị lạm dụng tình dục. Đái dầm thường mất đi khi rắc rối tâm lý được xử lý. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng rắc rối tâm lý không gây đái dầm tiên phát.

7. Lạm dụng tình dục

Lạm dụng tình dục có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ trước đó không gặp khó khăn trong vấn đề này. Cần nghĩ tới lạm dụng tình dục nếu thấy trẻ có các biểu hiện: nhiễm trùng tiết niệu mãn tính, ra nhiều chất tiết vì bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ngứa hoặc đau ở bộ phận sinh dục.

8. Các tình trạng bệnh lý

Đái dầm có thể xuất hiện ở một số bệnh lý như bệnh thiếu hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường và một số bệnh lý thần kinh. Nguyên nhân này chỉ chiếm 3% trường hợp đái dầm.

Thái Thị Hậu