Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa có quyết định đưa cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 3/11. Nguyên nhân do HPX đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Cổ phiếu HPX bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 4/7, do chưa tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.
Ngày 11/9, cổ phiếu HPX bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch từ 18/9, do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Sau đó, Hải Phát đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2022, báo cáo bán niên năm 2023 và báo cáo tài chính quý III/2023.
Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của Hải Phát vẫn còn nhiều khó khăn. Trong quý III/2023, Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt 301,14 tỷ đồng, giảm 58,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 4,33 tỷ đồng, giảm 95,3% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết do một số dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng để hạch toán doanh thu nên doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận giảm. Ngoài ra, giá bán sản phẩm năm 2023 giảm nhiều so với năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Hải Phát có doanh thu đạt 1.196,99 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 61,5 tỷ đồng, giảm 50,1% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm 2023, HPX đã chậm trả lãi 3 trái phiếu với tổng mệnh giá lên tới 1.250 tỷ đồng. Tổng lãi chậm trả là 44,34 tỷ đồng.
Lý do cho việc không trả lãi đúng hạn cho trái chủ do thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt và thanh khoản giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án.
Công ty đã đàm phán được với các trái chủ về thời hạn thanh toán lãi, cam kết sẽ thanh toán đầy đủ tiền lãi trong hạn và tiền lãi quá hạn cho tất cả các trái chủ.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* HOSE công bố tính tới ngày 31/10, chỉ có 4 doanh nghiệp chưa nộp Báo cáo tài chính quý III/2023 gồm CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG), CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) và CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF).
*HUT: Ông Phạm Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Ford Việt Nam, nắm giữ cương vị Chủ tịch Công ty TNHH SVC Holdings (SVC Holdings), công ty thành viên của Tasco, từ ngày 1/11.
Ông Nguyễn Thiện Minh, nguyên kiến trúc sư hệ thống Be Group, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) và Chủ tịch Hội đồng công nghệ của Tasco từ 1/11.
* TTF: CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ghi nhận lỗ 6,3 tỷ đồng trong quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 lỗ 42,74 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế lên tới 3.128,9 tỷ đồng, bằng 76,1% vốn điều lệ.
* VJC: CTCP Hàng không Vietjet công bố thông tin bất thường thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Kỳ hạn phát hành 60 tháng, là loại hình trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
* EVF: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực thông qua phương án phát hành hơn 3,51 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
* CAV: Ngày 23/11 CTCP Dây cáp điện Việt Nam chốt giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2023. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, thanh toán bắt đầu từ ngày 8/12.
* VNE: CTCP Chứng khoán HD đã bán giải chấp 121.200 cổ phiếu VNE của CTCP Xây dựng Điện Việt Nam theo phương thức khớp lệnh từ ngày 25/10-26/10.
* GMD: CTCP Gemadept thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần sở hữu, tương ứng tỷ lệ 99,98%/vốn tại CTCP Cảng Nam Hải, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần.
* VNL: CTCP Logistics Vinalink thống nhất việc thoái vốn hơn 878.000 cổ phần sở hữu tại CTCP Giao nhận vận tải miền Trung theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên UpCoM.
* CKG: Ông Nguyễn Xuân Dũng, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang đã mua vào 1,2 triệu cổ phiếu trong ngày 26/10. Ông Dũng nắm giữ hơn 9,16 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,62%.
VN-Index
Chốt phiên 2/11, VN-Index tăng 35,81 điểm (+3,44%), lên 1.075,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 772,1 triệu đơn vị, giá trị 14.637,2 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 8,32 điểm (+3,97%), lên 217,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 116,1 triệu đơn vị, giá trị 2.036,6 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 2,27 điểm (+2,78%), lên 83,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,2 triệu đơn vị, giá trị 567,4 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, Chứng khoán Vietcombank cho rằng về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục nối dài đà phục hồi sau nhịp giảm điểm lớn. Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện trở lại.
Với diễn biến hiện tại, mức kháng cự gần nhất mà VN-Index phải đối mặt là vùng 1080-1.100 điểm và xác suất lực bán bất ngờ quay trở lại quanh vùng điểm số nêu trên cũng như trong một vài phiên tới, khi cổ phiếu bắt đáy về tài khoản của nhà đầu tư là điều cần được tính đến.
Nhà đầu tư đã bắt đáy thành công phiên ngày 1/11, hạn chế giải ngân thêm để mua đuổi cổ phiếu, nên tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn để có thể thực hiện hóa lợi nhuận kịp thời nếu áp lực bán bất ngờ quay trở lại quanh khu vực 1.080 điểm.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) tiếp tục giữ nguyên quan điểm nắm giữ danh mục đã mua trước đó, và có thể mở thêm vị thế mua mới khi thị trường chung có nhịp rung lắc. Ưu tiên dòng cổ phiếu tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản, xây dựng.