XEM CLIP:
Đầu thập kỷ 1990, trong một lần vào huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nghiên cứu địa chất, nhóm kỹ sư người Bắc tình cờ phát hiện ở xã Châu Bình có nhiều đá đỏ quý hiếm. Họ âm thầm khai thác đá đỏ cho đến khi người dân địa phương nhìn thấy. Và cuộc chạy đua chen chúc tìm vận may viên đá đỏ ruby kỳ bí bắt đầu.
Trong thời kỳ hỗn mang ấy, có kẻ nổi lên nhờ cướp bóc, chém giết như Phong “trọc”, Đường “lỳ”… Nhưng cũng có người giàu lên bằng sự khôn ngoan, máu kinh doanh. Trong số này phải kể đến ông Kim Văn Phong (SN 1960, trú tại xã Châu Bình).
Đại gia đá đỏ một thời ông Kim Văn Phong. Ảnh: Quốc Huy |
Nhìn thân hình nhỏ gầy, khuôn mặt xám xịt của người đàn ông lục tuần, ít người biết rằng, cách đây gần 30 năm, ông Phong từng là đại gia bậc nhất nơi thủ phủ đá đỏ.
Nhớ lại viên đá đầu tiên đào được, ông Phong vẫn chưa quên hết cảm giác sung sướng. Viên đá có màu đỏ tía 3,2cm. Mới mang ra khỏi mỏ, ông đã được một người ở Thanh Hóa hỏi mua với giá 2,7 triệu đồng.
Ông Phong chia sẻ, đá đỏ ngày xưa nhiều vô kể, nếu đúng mạch, chỉ cần đưa tay nắm một vốc đất là có. Trên đồi Tỷ, đồi Triệu người dân thắp đèn đào đá thâu đêm suốt sáng. Tên những địa danh các quả đồi này cũng nhờ phu đá đặt cho.
Phía sau cánh cổng này là đồi Tỷ nơi có những hòn đá đỏ ruby bán tiền tỷ. Ảnh: Quốc Huy |
Đá đỏ màu của máu trong bộ sưu tập của đại gia một thời. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Với số lượng nhiều và chưa hiểu được giá trị thực của đá, dân bản địa bán với giá rẻ bèo, có người còn mang đi đổi lấy mấy cân gạo, vài lạng thịt... Cho đến khi dân tứ phương, giang hồ lũ lượt kéo về Quỳ Châu phân chia lãnh địa, chém giết, họ mới biết sức hút từ những viên đá ruby mang màu máu.
Sau thời gian đào bới tìm vận may, ông Phong quyết định chuyển sang buôn đá đỏ. Thời gian buôn nhỏ lẻ, về sau ông Phong bắt đầu thu nhận hàng chục “đệ tử” chuyên đi săn tìm đá, túc trực tại các điểm nóng để mua lại đá của người dân vừa đào được rồi đem về tìm mối bán lại.
Giữa năm 1991, ông mua viên đá có đường kính 7,7cm với giá 45 triệu. Chiếu đèn vào, viên đá đổi thành màu tiết dê tuyệt mỹ. Biết được viên đá quý hiếm, ông Phong cùng người em rể quyết định ra tận Hà Nội để bán.
Viên đá ruby quý hiếm đặt lên phần trôn của bát ăn cơm - Ảnh nhân vật cung cấp |
Ra đến nơi, ông lần tìm đến một vài tiệm vàng bạc lớn. Sau khi ngắm nghía viên đá hồi lâu, một chủ tiệm quyết định ra giá 100 triệu đồng. Mừng thầm với số tiền lời lớn, ông Phong gật đầu đồng ý.
Vào thời đó, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất chỉ 5.000 đồng, 100 triệu là cả một “núi tiền”. Để qua mặt công an kiểm soát mà không bị nhòm ngó, hai anh em nghĩ ra cách bó tiền thành từng cục, buộc kín từ chân lên ngực, bên ngoài khoác một chiếc áo dù, lẳng lặng bắt xe khách về quê.
Khi đến nhà, ông lấy tiền đóng vào 4 thùng mỳ tôm, giấu trong bồ đựng lúa, bỏ lên gác bếp, gầm giường. Tối hôm đấy, cả gia đình ông mổ lợn liên hoan tưng bừng.
Tiền đếm cả ngày không hết
Sau nhiều chuyến buôn có lãi, ông Phong cùng người em rể ra Hà Nội tậu 2 chiếc xe máy Honda DD. “Nhờ người quen mà tôi mua được 2 chiếc xe máy DD có giá 1.500 USD/chiếc. Cả tỉnh Nghệ An thời này cũng chỉ có duy nhất 2 chiếc của anh em tôi, không phải ai có tiền cũng mua được” ông Phong kể.
Đôi bàn tay của ông Kim Văn Phong từng ngồi đếm tiền nguyên một ngày không hết. Ảnh: Quốc Huy |
Viên đá ruby màu hơi nhạt mà ông Phong đang soi qua ánh đèn. Ảnh: Quốc Huy |
Từ khi có xe máy, công việc kinh doanh đá của ông ngày càng thuận lợi. Dù không hút thuốc lá nhưng trong túi áo ông luôn có một hộp, khi gặp khách hàng thì lấy ra mời.
Cuối năm 1991, ông Phong mua được viên đá ruby màu tiết dê, to bằng quả trứng gà có giá 150 triệu đồng. Viên đá to, hoàn mỹ khiến nhiều dân buôn phải lác mắt. Sau nhiều lời trả giá, cuối cùng ông quyết định bán cho một người đến từ Sài Gòn với giá 320 triệu. Hai người đàn ông thuê một phòng khách sạn để giao dịch.
“64.000 tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng là một số lượng khổng lồ. Tôi phải đếm một ngày một đêm mới xong hết” ông Phong nhớ lại.
Ông Kim Văn Phong nhớ lại một thời vàng son của đá đỏ, cái duyên đến với mình về những viên đá mang màu máu. Ảnh: Quốc Huy |
Về nhà, ông xếp tiền vào 10 thùng mì tôm. Số còn lại dùng xây nhà, sắm xe máy Honda Dream, máy phát điện, tivi màu... những thứ xa xỉ thời bấy giờ.
Thời đó, muốn xây được ngôi nhà cũng rất khó khăn, vận chuyển vật liệu xây dựng phải được cấp giấy phép. Ngôi nhà của ông Phong phải xin 36 giấy phép, mất nửa năm xây dựng. Khi hoàn thành, cả xứ Châu Bình chỉ có nhà của ông to đẹp nhất.
Ở “lãnh địa máu”, chuyện cướp của, giết người diễn ra như cơm bữa. Nhưng vì có mối quan hệ tốt, lại luôn có cách phòng vệ cẩn trọng nên khi nhắc đến ông Phong, bọn cướp không dám động đến.
Một hôm, đám “đệ tử” vòi thêm tiền hoa hồng cò đá tại nhà riêng, ông Phong không đồng ý. Có 4 người đòi xông vào nhà cướp tiền, ông nhanh tay xử lý, cả đám hoảng sợ bỏ chạy. Đến bây giờ dấu vết của vụ việc vẫn còn trên nền nhà...
Căn nhà được xây dựng từ tiền bán đá đỏ của ông Phong lớn nhất vùng hồi đó. Ảnh: Quốc Huy |
Người này nhớ lại, có một lần ông đi xe máy xuống TP Vinh chơi ngày lễ Quốc khánh. Khi về đến huyện Nghĩa Đàn, trời nhá nhem tối, có 2 kẻ bịt mặt đã dùng dao uy hiếp, cướp đi 4 chỉ vàng.
Ông Phong cho biết, thời đó tiền của ông nhiều vô kể, mất 4 chỉ vàng cũng không đáng bao nhiêu. Không chỉ hiền lành, ông Phong còn nổi tiếng hào sảng, tốt bụng. Thỉnh thoảng gặp bạn bè hay người nghèo ông lại biếu họ 1-2 triệu đồng làm quà và xem rất bình thường.
Ông Phong cười tươi khi nhớ lại thời vàng son. Ảnh: Quốc Huy |
Ông Phong đưa ra một dĩa đá quý trong nhà mình ra cho mọi người xem - Ảnh: Quốc Huy |
Đến năm 1995, cơn bão đá đỏ đi qua, những vùng đồi trở nên xác xơ, bản làng đìu hiu, vắng lặng. Những người từng có tiền, giàu có cũng dần tiêu xài hết tiền bạc. Người dân vùng đá đỏ nghèo lại hoàn nghèo.
Cuộc đời ông Phong không nằm ngoài vòng xoáy quy luật này. Những đồng tiền ông kiếm được từ đá đỏ cũng dần đội nón ra đi.
“Đá đỏ của thiên thì trả cho địa, tất cả đều đi hết, chỉ còn lại gia đình và ngôi nhà cấp 4 cũ” ông Phong ngậm ngùi.
Bù lại, người dân Châu Bình bây giờ có thể ngủ ngon giấc, không còn giật mình bởi tiếng súng, tiếng la hét, không còn cảnh chết chóc đau thương.
Chuyện về những viên đá đỏ trong lăng Bác
“Vào mùa hè năm 1974, hàng ngàn người dân đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái ở huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hoá đã về công trường đá tại thung lũng Ken Rai để khai thác đá Hồng Ngọc quý gửi về xây lăng Bác...”.
Quốc Huy - Phạm Tâm