(VEF.VN) - Thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu có những tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản vừa qua vẫn đang rơi tự do và "chợ chiều" khiến những đại gia kinh doanh bất động sản như ngồi trên đống lửa...
Ảm đạm chợ chiều
Trong vai người đi tìm đất nền để định cư tại TP. Đà Nẵng, tôi tiếp cận "đại gia" chuyên kinh doanh bất động sản trên đường Nguyễn Văn Linh tên K. Không cần phải để khách đợi lâu, đại gia tên K. vừa là giám đốc vừa là người tư vấn hỏi tôi cần loại đất nào, ở quận nào và số tiền dự định để mua đất.
"Ở đây đáp ứng tất cả yêu cầu của khách hàng, đất có bìa đỏ, nhà có bìa hồng, đất không giấy tờ giá rẻ. Nhà mặt tiền đường trung tâm... đều có. Chỉ cần anh cho biết yêu cầu và số tiền đầu tư mua đất là chúng tôi đáp ứng ngay với giá cả hợp lý...", đại gia K. mở đầu buổi tư vấn cho tôi mua đất tại Đà Nẵng.
Theo lời K., thời điểm này là thích hợp nhất để mua đất nền làm nhà định cư tại Đà Nẵng, vì giá nhà đất tại đây đã giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Cách đây hơn 1 năm, để mua được một mảnh đất tại các khu dân cư, tuỳ theo mặt đường, rẻ nhất cũng phải lên đến 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Giờ, giá đất giảm chỉ còn khoảng 60-70%.
Đi một vòng các trung tâm giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng cũng như trung tâm môi giới nhà đất, một điều dể nhận thấy là cảnh ảm đạm, điều hiu không có người đến giao dịch.
"Trước đây, mỗi ngày, trung tâm của tui tiếp ít nhất 10 người đến giao dịch và tìm mua đất nền. Nhưng gần một năm nay, lượng người đến giao dịch giảm hơn 80%... ", anh Nguyễn Xuân H., giám đốc một trung tâm môi giới bất động sản trên đường Lê Duẩn, thở dài nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản Đà Nẵng có dấu hiệu khởi sắc bởi hội tụ các yếu tố "nhân hoà, địa lợi... ", nhưng còn phải đương đầu với nhiều thách thức. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương cũng như cơ chế thoáng là quan trọng trong việc tạo lực hút nhà đầu tư.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh, trong một cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt TP. Đà Nẵng, khẳng định trong tương lai không xa, quy mô dân số TP phải trên 2 triệu dân. Tuy nhiên, cần phải quản lý siết chặt nhập cư tránh bài học của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Để giải bài toán này, Đà Nẵng đã đưa ra những quy định riêng, như nhập cư phải có nhà đất ở tại TP và phải có công ăn việc làm - hai yếu tố quyết định để đợc làm công dân của đô thị loại 1 như Đà Nẵng.
Tiếng thở dài của đại gia
Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, thị trường đất nền ở Đà Nẵng vẫn đang đương đầu với nhiều khó khăn mặc dù thị trường vẫn có giao dịch. Tuy nhiên, các giao dịch vẫn hết sức khiêm tốn.
Nhiều nhà kinh doanh đất nền tại Đà Nẵng đang chào bán đất nền với giá lỗ để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Đây là yếu tố tác động lớn đến mặt bằng giá chung của thị trường đất nên hiện nay tại Đà Nẵng, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Gặp một đại gia kinh doanh đất nền tại Đà Nẵng tên Nguyễn Xuân L., anh thở dài và quăng ra trước mặt tôi một chồng bìa đỏ, mà theo lời anh, là vừa đủ bộ bài 52 cây. Anh L. nói: "Chú thích miếng nào thì cứ lấy, bảo đảm dưới mức giá anh mua hơn 20-30% tuỳ theo quận và khu vực. Anh cần tiền để thanh toán cho ngân hàng. Mệt mỏi lắm rồi, ngày nào ngân hàng cũng réo đòi nợ. Có ai cần mua đất nền chú cứ bảo, anh chi 5% cho môi giới khi giao dịch thành. Nếu bán được 5-10 lô tiền hoa hồng tăng lên 10%... ".
Theo Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Đà Nẵng Võ Văn Cường, phân khúc đất nền tại các khu dân cư mới, nhiều nhà đầu tư thứ cấp phải chấp nhận cắt lỗ. Nếu ôm đất nền trong bối cảnh hiện nay thì nguy cơ "sập tiệm" là rất lớn.
Ông Cường đưa ra minh chứng như khu dân cư Hoà Xuân và Nam Việt Á giá rao bán còn 7-8 triệu đồng/m2, thay vì 9,5-10,5 triệu/m2 vào quý I/2011; dự án Nam Cẩm Lệ rao giá 3,5-4,5 triệu/m2 thay vì 5 - 6 triệu đồng/m2; Golden Hill rao 3,5-4 triệu đồng/m2 thay vì 4,5 - 5,5 triệu đồng/m2... cùng nhiều khu dân cư khác trên khắp các quận ở TP. Đà Nẵng đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và giao dịch bán đất nền từ nhiều năm nay.
Một số chuyên gia cho rằng, giao dịch đất nền hiện vẫn là mối quan ngại của người mua vì tính thanh khoản, và tâm lý của người mua đất ở đang chờ đất rớt giá nữa mới mua để ở hoặc xem như tài sản cất trữ thay vì cất vàng hay gửi ngân hàng.
Hiện khách hàng của thị trường đất nền cũng đang có sự dịch chuyển mạnh từ người mua đầu tư sang người mua để ở. Ngay trong quý II/2012, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch tại Đà Nẵng phần lớn từ các dự án đã hoàn hoàn thành hoặc gần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có mức giá bán vừa phải, như dự án nam cầu Tuyên Sơn, nam cầu Cẩm Lệ, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu 387, khu 372...
Ngược lại, với giao dịch đất nền, thị trường căn hộ tại Đà Nẵng cũng đã có những tín hiệu tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đều có giao dịch mà tập trung ở một số dự án căn hộ cao cấp như OceanViews, HAGL Bàu Thạc Gián, FPT Smart Nano Flat, Azura, Hyatt Regency... Giao dịch tại các dự án này tăng và có dấu hiệu hồi sinh là do chiến lược bán hàng thích hợp và kịp thời cũng như tiến độ xây dựng đảm bảo.
Để thị trường BĐS Đà Nẵng hồi phục trở lại như thời điểm trước quý II/2010 và tăng trưởng, ít nhất cũng phải đến quý II2/2013 - ông Cường dự đoán.
Vũ Trung