Bố mẹ chị Đặng Thị Thanh Mai (phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có 7 người con. Các con hầu hết đã lập gia đình riêng, sống trong 4 ngôi nhà gần nhau (chỉ cách từ vài trăm mét đến 2km). Vì vậy họ thường xuyên qua lại, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Chị Mai chia sẻ, từ lúc dịch bùng phát ở thành phố, chị đã vô cùng lo lắng. Chị lên mạng đọc các thông tin về cách phòng tránh, đồng thời tham gia các hội, nhóm có bác sĩ tư vấn về cách ly, điều trị F0. Chính sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức đã giúp chị rất nhiều trong việc hỗ trợ đại gia đình vượt qua dịch bệnh.

{keywords}
Chị Mai mua nhiều thực phẩm phân phát cho các nhà để hạn chế ra ngoài.

Không chỉ tìm hiểu kiến thức, chị Mai còn đặt khối lượng lớn thực phẩm chia cho các nhà để hạn chế việc ra ngoài. Chị cũng đặt thuốc, vitamin cho mọi người. “Nhìn số lượng lớn thức ăn, thuốc tôi mua, các em còn trêu: “Chị định mang đi phát từ thiện à?” vì nghĩ sẽ không dùng đến. Vậy mà cuối cùng, chính nó lại giúp cả nhà tôi vượt qua Covid-19”, chị nói.

Gia đình đầu tiên mắc Covid-19 là chị Ngọc Sương, em gái họ của chị Mai. Họ có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 con.

Ngày 29/7, 4 người trong gia đình có kết quả dương tính, chỉ có người chồng âm tính. Nhưng chị Mai nhận định chắc chắn chồng của em họ cũng sẽ lây nhiễm vì cả nhà dùng chung điều hòa. Đúng như chị dự đoán, người này có kết quả dương tính sau đó không lâu.

Nhờ có kiến thức do tìm hiểu từ trước, chị Mai hướng dẫn cả gia đình xông sả, chanh… mỗi ngày. Nhà có máy tạo nước sát khuẩn, chị gửi nước sát khuẩn sang cho gia đình em súc miệng. Đồng thời, chị Mai được sự tư vấn của bác sĩ Phạm Văn Thọ, chuyên khoa Tai Mũi Họng (Hà Nội) – người tư vấn, hỗ trợ cho rất nhiều F0, để có đơn thuốc phù hợp cho mỗi người.

{keywords}
Vitamin, thuốc, thuốc hạ sốt, khẩu trang chị chuẩn bị khi dịch bùng phát

Chị đã gửi thuốc (kháng sinh, kháng viêm, chống đau bao tử), vitamin C (tăng sức đề kháng), thuốc hạ sốt… sang cho người em. Chỉ sau 10 ngày kiên trì uống thuốc và ăn uống, vận động, cả gia đình đều có kết quả âm tính.

Gia đình chị Thúy Hiền, Ngọc Khanh – 2 em gái ruột của chị Mai là nhà tiếp theo trong đại gia đình mắc Covid-19. Họ gồm 4 người (2 chị em và 2 người con). Nhà chị Thúy Hiền còn có 2 người khác thuê phòng ở và 2 người này cũng có kết quả dương tính. Như vậy, 6 người sống trong một nhà đều là F0.

Tương tự, chị Mai cũng chuyển thuốc, vitamin, nước súc họng và đồ xông để giúp các em chống lại bệnh. Qua điện thoại, chị khuyên các em thường xuyên theo dõi các chỉ số sức khỏe, ăn đủ bữa và vận động. 14 ngày, những người trong nhà đều khỏi bệnh.

Tiếp theo là một gia đình đình em gái ruột khác của chị Mai, gồm 2 vợ chồng và 1 con, cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tháng 9/2021. Qua điện thoại, chị Mai đã tư vấn cho em cách để tăng sức đề kháng vượt qua dịch bệnh. Chị tạo một nhóm trên mạng xã hội có đủ thành viên của các gia đình. Hàng ngày, mọi người đều báo cáo tình hình sức khỏe để theo dõi. Các số đo huyết áp, chỉ số SpO2 đều được cập nhật liên tục.

Gia đình tiếp theo của họ có kết quả dương tính là người em gái ở cùng nhà với mẹ chị Mai. Nhà này chỉ cách nhà chị Mai vài trăm mét. Đây cũng là 2 người có triệu chứng nặng nhất trong đại gia đình. Em gái chị Mai có dấu hiệu ho, đau họng nhưng không nghĩ mình mắc Covid-19 bởi suốt nhiều tháng người em này không ra khỏi nhà.

{keywords}
Kết quả test nhanh của mẹ chị Mai

“Tôi gửi bộ kit test để em test nhanh thì cả em và mẹ đều có kết quả dương tính. Đặc biệt, em lúc này mới thú thật, mình có triệu chứng từ 5 ngày trước. Nhưng do chủ quan nên em không nghĩ mình mắc Covid-19”.

Đến ngày thứ 12 từ lúc phát hiện bệnh, mẹ của chị Mai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên khi chưa kịp có kết quả âm tính thì mẹ chị trở nặng. Lý do là buổi tối, bà đội mưa chạy ra ngoài nên bị cảm, sốt. “Lúc đó, khoảng 10h đêm, mẹ nghĩ giờ này bên ngoài không còn ai nên chạy đến đoạn đường vắng, cách nhà mấy trăm mét, để cho mấy con mèo hoang ăn. Thường ngày, bà hay cho chúng ăn. Thương mấy con mèo nhiều ngày qua bà mắc bệnh, bị bỏ đói nên bà lén các con đội mưa đi”, chị Mai nói thêm.

Mẹ chị sau đó sốt cao. Sức đề kháng yếu, cơ thể mệt mỏi lại bị virus tấn công nên chỉ số SpO2 của bà chỉ còn 89, 90. Lúc này, con gái ở cùng nhà đã soạn quần áo cho vào balo để chuẩn bị cho tình huống bà phải nhập viện cấp cứu.

Sau khi nghe thông báo, chị Mai vừa giận sự chủ quan này lại vừa thương mẹ. Nhờ được các bác sĩ tư vấn, chị hướng dẫn bà uống thuốc, tập thở. Nhận thông báo chỉ số SpO2 của mẹ đã vượt qua 94, lúc này, chị mới thở phào. Vì vậy trong đại gia đình, mẹ chị là người mắc Covid-19 lâu nhất. Sau 21 ngày, bà mới có kết quả âm tính.

Những ngày gia đình các em mắc bệnh, chị cùng chồng thường mua thêm thực phẩm sau đó đèo nhau đưa đồ ăn, thuốc, que thử… sang tiếp tế cho các em. Chúng tôi chỉ dám để ở cổng mỗi nhà, dù rất lo lắng cho nhau những cũng không thể tiếp xúc.

{keywords}
Chị Thanh Mai và mẹ

May mắn trong đại gia đình, nhà chị Mai (2 vợ chồng và 2 con) đều vẫn đang an toàn.

Như vậy khoảng 1,5 tháng, đại gia đình chị gồm 14 người lần lượt dương tính với SARS-Co-V. Tuy nhiên tất cả đều vượt qua nhờ sự tư vấn sát sao của chị Mai. Không những vậy, chị còn dùng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn 7 F0 trong gia đình thông gia (chồng của người em họ) vượt qua SARS-CoV-2.

“Ba tôi mất sớm, mẹ nuôi 7 chị em khôn lớn. Hiện nhà tôi có 1 em sống ở Đà Lạt, 1 em định cư ở Canada, còn 5 người con và mẹ sống quây quần gần nhau. Là chị cả, tôi không thể không lo cho mẹ và các em khi hoạn nạn”, chị nói.

 Chứng kiến nhiều nhà mất người thân vì dịch bệnh nên dù tốn một khoản tiền không nhỏ cho thực phẩm, thuốc men nhưng chị lại cảm thấy may mắn vì qua đại dịch, gia đình còn đầy đủ các thành viên.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Ngọc Trang

F0 thoát cửa tử kể về 'trải nghiệm không muốn lặp lại trong đời'

F0 thoát cửa tử kể về 'trải nghiệm không muốn lặp lại trong đời'

4 ngày đầu tiên khi phát hiện mắc Covid-19, anh Việt liên tục sốt trên 39 độ, không hạ. Những ngày sau, chỉ số SpO2 của chỉ còn 88, anh nói đó là một “trải nghiệm không muốn lặp lại trong đời”.