Dân tộc Ba Na là một trong những dân tộc thiểu số đông dân cư nhất tại Tây Nguyên. Địa bàn cư trú của họ khá rộng ở nam Kon Tum, bắc Gia Lai và phía tây tỉnh Bình Định.

Theo các nhà nhân chủng học thì người Ba Na có nguồn gốc thuộc chủng Indonesia, tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me. Vì sống rải rác trên một địa bàn rộng lớn nên phong tục, tập quán của người Ba Na có thay đổi ít nhiều theo phong thổ từng địa phương và sự giao lưu với xã hội bên ngoài. Song những biến đổi đó không rõ rệt.

Về tiếng nói, các nhánh người Ba Na cùng một thứ tiếng, tuy cũng có sự thay đổi ít nhiều tùy theo địa phương. Về chữ viết, người Ba Na là dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên biết đọc, biết viết và biết làm tính. Năm 1861, chữ Ba Na viết theo mẫu tự la tinh như chữ quốc ngữ được đặt ra và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.

Người Ba Na có bản tính mộc mạc, chất phác, hiền lành và hiếu khác, họ coi người Kinh là anh em nên đối đãi rất thân thiết. Tuy nhiên, người Ba Na không muốn khách lạ đụng chạm đến phong tục, tập quán kiêng cữ của họ. Muốn vào thăm một nhà nào thì phải được chủ nhân ưng thuận; kỵ nhất là xông thẳng vào bếp núc (một số người Ba Na thờ thần ở bếp).

Họ ăn mặc giản dị, đàn ông thường ở trần hay mặc áo cánh tay cụt, cổ xẻ để hở ngực, đóng khố. Phụ nữ mặc áo cộc tay, ngực kín, váy dài. Ngoài ra họ còn có một tấm vải quấn quanh lưng dùng để địu con nhỏ lúc lên rẫy hoặc về phố chợ. Ở những vùng sâu, vùng xa, đàn ông chỉ mang khố, đàn bà quấn yêng (xiêm), còn mình thì để trần. Vải do người Ba Na dệt bằng vải bông, màu đen chàm và trắng, kẻ viền màu đỏ gạch, hoa văn mộc mạc đơn sơ. Đàn bà, đàn ông đều thích đeo những vòng bằng bạc, bằng đồng hoặc những chuỗi hạt cườm.

Người Ba Na thích ăn bốc, không dùng đũa. Cơm hay thức ăn nấu trong những cái nồi đất miệng loe ra, không có nắp đậy, không có quai; thường đậy nồi bằng lá chuối. Ngày nay, họ thường dùng nồi đồng hay xoong nhôm mua của người Kinh để nấu ăn. Rượu là thức uống rất được ưa thích, phổ biến nhất là rượu cần, rượu cần được ủ bằng cơm gạo nếp hay tẻ, bằng bắp, củ mì, bo bo.

Nam nữ Ba Na đều hút thuốc lá. Thuốc được trồng tại chỗ. Sau khi thu hoạch có thể thái thành sợi nhỏ và dùng tẩu để hút hoặc để nguyên lá khô cuốn thành điếu để hút. Tẩu thuốc được làm từ thân tre, nứa hoặc bằng gỗ và được tạo dáng đẹp.

Người Ba Na canh tác theo hình thức phát, đốt, chọc, tỉa cổ truyền. Bộ công cụ sản xuất rất đơn giản nhưng thích hợp và công hiệu. Dùng cây gậy gỗ dài được đẽo nhọn một đầu, đốt qua lửa cho bớt bị xước, tăng độ cứng hoặc dùng gậy làm bằng cây le, đẽo vát móng lợn một đầu để chọc hốc khi trỉa hạt. Để làm rẫy, họ dùng dao chặt bỏ những mầm cây dại mọc lên từ những gốc cây sau khi phát rẫy; dùng cuốc và cái nạo để vạc cỏ mọc chen lẫn với cây trồng.

Người phụ nữ Ba Na dùng chày, cối để giã thóc ra thành gạo, nhưng việc đẽo chày, khoét cối, đan nia là của đàn ông.

Một vật dụng quen thuộc gắn bó với người Ba Na là chiếc gùi. Họ đeo gùi khi đi rẫy, thăm bà con hay ra phố thị. Gùi là một thứ đồ đựng và là phương tiện vận tải phổ biến.

Đối với người Ba Na, cồng chiềng không chỉ là biểu tượng linh thiêng trong thờ cúng mà còn là tài sản có giá trị trong đời sống vật chất. Âm vang của cồng chiêng là thứ không thể thiếu trong các lễ hội như: Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa. Những lễ hội không chỉ là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp vui chơi, đánh cồng chiêng, uống rượu cần...và cũng là dịp để người Ba Na thể hiện tài năng chế biến những món ăn vô cùng độc đáo có hương vị đặc trưng riêng của núi rừng…

Thực hiện: Quốc Huy, Thanh Bình, Lục Tiến

 Ảnh 360 - Dân tộc Ba Na