Đa số là không hiểu về kiến trúc mà lại chạy đua nhau về kiến trúc, cho nên tạo ra những công trình diêm dúa, không đẹp mắt.

Bắt chước một cách chắp vá

Trước việc hàng loạt các đại gia khắp các tỉnh thành trên cả nước rầm rộ xây biệt thự theo kiến trúc cổ điển, KTS Võ Kim Cương - Nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết: "Xây dựng theo kiến trúc cổ và hiện đại đều là hai xu hướng kiến trúc phổ biến hiện nay. Đầu tiên là chiều hướng muốn phát minh, sáng tạo ra các hình thái mới mẻ làm đẹp cho đô thị, nhưng tương đối khó khăn vì đòi hỏi sự sáng tạo nhiều, nhất là sự chấp nhận của công chúng.

Xu hướng khác là xu hướng hoài cổ, tức là lấy lại những dạng kiến trúc đẹp, nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ của ngày xưa, đây là xu hướng tốt, không xấu. Thế nhưng, nó cần được chọn lọc, hoài cổ phải được lựa chọn cho phù hợp với thị hiếu, xu hướng hiện đại, không được chép nguyên si, phải có sự hòa hợp với kiến trúc đương đại.

Tất nhiên, kiến trúc sư cũng đòi hỏi phải có sự sáng tạo thì mới có thể tạo ra sự hòa hợp như vậy. Thế nhưng, có một tình trạng đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam, thích bắt chước.

Tôi tin chắc không phải do kiến trúc sư làm, do năng khiếu tự nhiên để tạo ra công trình, mà là sự bắt chước một cách máy móc, tạo nên những kiến trúc kỳ dị. Có nét cổ nào đó nhưng không hình thành lên hình dáng kiến trúc đẹp mắt.

{keywords}

Cung điện dát vàng của đại gia xứ chè Thái Nguyên.

Trong khi, kiến trúc kị nhất chuyện bắt chước, một công trình đẹp nhìn vào có sự chắp vá, giống như mảnh áo, mình mặc mà cứ vá chằng, vá chịt thì cũng khó chấp nhận. Có một số nhà bắt chước kiến trúc cổ gần như vô thức, thích gì thì làm, tạo nên công trình không đẹp".

Một yếu tố khác được ông Cương phân tích, đó chính là vấn đề hài hòa cảnh quan. Mong muốn của kiến trúc là công trình hài hòa với cảnh quan, thống nhất với các công trình lân cận, nhưng ở đây mỗi công trình làm một kiểu, sẽ không thể hài hòa.

Thường thì ở châu Âu có kiến trúc đẹp, là bởi vì các biệt thự có tỷ lệ mật độ xây dựng thấp, sân vườn rất rộng, cho nên dù xung quanh có các kiến trúc khác cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì bản thân công trình độc lập.

Nhưng ở Việt Nam đất đai khó khăn, ít hơn nên thường mật độ xây dựng các biệt thự, làm thành lâu đài sống như vua chúa, diện tích nhỏ, nên không tạo ra sự uy nghi, khang trang giống như lâu đài ở châu Âu.

"Tôi không biết chúng ta có nên kết tội đó là tính cách người Việt hay không, nhưng có một số người như vậy, thích phô trương, thích chạy đua cạnh tranh nhau, những việc thể hiện sự thiếu trình độ, thiếu văn hóa.

Không hiểu về kiến trúc mà lại chạy đua nhau về kiến trúc, cho nên tạo ra công trình diêm dúa, không đẹp mắt.

Bên cạnh đó, tình trạng đó khá phổ biến, cạnh tranh nhau xây mộ, các nhà chùa, phải rộng lớn, khang trang. Xu hướng kiến trúc châu Âu khiến tôi rất ngưỡng mộ, như bây giờ họ có xu hướng làm các mộ cỏ, tức là chôn rồi tạo ra sân vườn rất nhiều cây cỏ, rồi làm 1 cái bia bên trên, không thấy mộ", ông Cương chỉ rõ.

Phải có Hội đồng kiến trúc phê duyệt

Một vấn đề khác được ông Cương chỉ ra, đa số những người giàu thực sự thì muốn giấu sự giàu có đi, nhưng hầu hết những người không giàu lắm thì lại thích khoe, sính hình thức.

Bản thân ông Cương cũng thấy lạ khi trong thời gian gần đây cũng xuất hiện tình trạng một số đại gia mới nổi ở Trung Quốc cũng đua nhau xây biệt thự diện tích lớn và giờ là Việt Nam.

{keywords}

Tư dinh của một đại gia ở Sóc Trăng

"Tôi không biết trào lưu trên bắt nguồn từ đâu, nhưng đúng là Việt Nam có bệnh hình thức, theo thành tích, sống ảo, không phải thực chất, khá phổ biến trong tâm lý nhiều người, thích được vinh danh. Đây là thói quen văn hóa xấu, cần phải giáo dục, nếu không phát triển sẽ không bền vững.

Hơn nữa, Việt Nam cũng gần với Trung Quốc nên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa cho đến cách ứng xử, một số quan niệm sống", ông Cương nhấn mạnh.

Riêng về vấn đề xây dựng hàng loạt các biệt thự, theo ông Cương, việc quản lý hình thức kiến trúc rất khó, có làm thì cũng chỉ một phần nào đó. Hiện nay, các quy định chưa thật đi sâu vào các chi tiết về kiến trúc để khống chế được tình trạng đó.

Ví dụ các nước, họ quy định tới cả màu sắc, trang trí mặt tiền, ở Việt Nam chưa làm được điều này. Hơn nữa, Việt Nam còn đang khuyến khích sáng tạo kiến trúc, quy định quá chặt chẽ thì kiến trúc sư không có sân để sáng tạo.

Thế nhưng, xen lẫn trong kiến trúc sư lại có những người không phải kiến trúc sư chân chính, nên mới xây dựng lên những công trình diêm dúa, chắp vá như vậy.

Ông Cương khẳng định: "Hiện nay, tương lai cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn, thông thường, các biệt thự đều phải được xem xét qua các Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố, chứ không phải thả nổi hoàn toàn.

Chỉ có các biệt thự nằm ở vị trí không quan trọng thì mới quản lý nhẹ nhàng còn những vị trí quan trọng ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc thành phố thì bắt buộc phải đưa ra Hội đồng kiến trúc thành phố để phê duyệt.

Phải có một quy hoạch cảnh quan kiến trúc, hiện nay tất cả các thành phố đều chưa làm được quy hoạch này, có thiết kế đô thị, mỗi khu vực có thiết kế riêng, nếu theo đúng quy định trong thiết kế thì sẽ đảm bảo cảnh quan kiến trúc khu vực đó, nơi nào chưa có thiết kế, hướng dẫn kiến trúc mà chỉ dựa theo luật chung, thì rất khó quản lý.

Vì thế, cần thiết phải có thiết kế đô thị, tuy không đi sâu vào chi tiết kiến trúc nhưng sẽ tạo ra các hình thức kiến trúc hài hòa chung cho cả một tuyến phố, trục cảnh quan, tránh tình trạng làm chắp vá.

Giống như bộ mặt đường phố thương mại, nhiều cửa hàng, mỗi người trang trí quảng cáo, bảng hiệu tùy tiện, treo tùy thích, nhìn vào cảnh quan đó thấy lộn xộn, rất khó chịu nhưng chưa có cách quản lý chặt chẽ".

Theo Báo Đất Việt