Khảo sát đã tiếp cận hơn 2.000 nhà đầu tư bán lẻ vàng tại Việt Nam. Kết quả cho thấy sự quan tâm đến vàng là rất lớn, vì người Việt Nam tin rằng vàng là một biện pháp bảo vệ tốt. Vàng là sản phẩm đầu tư hàng đầu của người Việt Nam, chiếm 68% nhà đầu tư, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm đầu tư nào khác.
Nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh với 72% đã đầu tư vào vàng 2019 trong 12 tháng gần đây. 81% đồng ý rằng vàng là một trong những biện pháp bảo vệ tốt trước những giai đoạn bất ổn. Thị trường vàng tại Việt Nam có triển vọng tích cực, 81% những người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng.
Trước nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào mảng kinh doanh này. Mới đây, tập đoàn FLC cũng tham gia kinh doanh vàng trang sức cao cấp FJC. Đây là bước tiến đầu tiên của FLC vào lĩnh vực vàng và trang sức cao cấp – một lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tiềm năng thị trường vàng trong nước (Ảnh:B.Anh) |
Theo đó, FJC sẽ chế tác, sản xuất, kinh doanh trang sức vàng bạc, đá quý thông qua 4 dòng sản phẩm: vàng 24K; trang sức kim cương; trang sức vàng Italia cao cấp và Sản phẩm phong thuỷ. Trong kế hoạch phát triển, FJC sẽ tiếp tục được mở rộng tại các hệ thống nghỉ dưỡng của FLC tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Quy Nhơn (Bình Định)… và mở rộng mạng lưới, phát triển hệ thống tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Hiện, Việt Nam có khoảng hơn 10 thương hiệu vàng, trong đó chiếm thị phần lớn thuộc về SJC, PNJ và Doji. Đơn cử SJC có mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.
Trong khi đó, tính tới cuối tháng 9, PNJ có tổng cộng 336 cửa hàng trên toàn quốc. Năm 2020, PNJ được Forbes Việt Nam định giá 93,1 triệu USD, tăng 18% so với kỳ đánh giá 2019. Trong quý IV/2021, doanh thu thuần hợp nhất của PNJ đạt 7.099 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 457 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 Chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán… Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 6.000 tỉ đồng với tổng tài sản là 15.000 tỷ đồng.
Nhu cầu vàng rất lớn (Ảnh:B.Anh) |
Ông Andrew Naylor, Giám đốc phụ trách ASEAN WGC, cho biết Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu, đây là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới. Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đối với vàng khoảng 56,4 tấn, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
"Nghiên cứu cho thấy nhu cầu mua vàng tại Việt Nam vẫn còn mạnh và có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm vàng đầu tư mới, như mua vàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số hoặc mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng. Khi hệ thống tài chính của Việt Nam phát triển, sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vàng, tăng khả năng tiếp cận và tin tưởng vào vàng" – ông Andrew Naylor nói.
Theo thông báo của McKinsey, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu Việt Nam có thể tăng thêm 37 triệu người, trải rộng về mặt địa lý và trở nên đa dạng hơn. Nhóm người này hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn và có thương hiệu. Thay vì sử dụng trang sức vàng thiết kế đơn giản của các thương hiệu nhỏ lẻ, người tiêu dùng trung lưu sẽ mua các sản phẩm hợp thời trang, thiết kế tinh xảo hơn của các thương hiệu lớn trong nước và quốc tế.
Theo các chuyện gia, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng từ tích trữ sang làm đẹp sẽ tiếp tục góp phần nới rộng dư địa tăng trưởng của thị trường trang sức hiện nay.
Bảo Anh
Áp Tết, giá vàng vượt 62 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước đang tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chiều nay (24/1), giá vàng 9999 của SJC đã vượt mốc 62 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng có xu hướng đi lên.