Đại gia Lê Ân cho rằng, lợi dụng lúc ông ở tù, bà vợ đầu tiên đã chiếm 2 căn nhà trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trải qua bao sóng gió trên thương trường và trắc trở trong hôn nhân, đại gia Lê Ân vừa gắn kết cuộc đời với người vợ thứ 5 ở tuổi đôi mươi vào cuối năm ngoái. Nhưng ở tuổi 74, ông vẫn phải đeo đuổi vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn kéo dài gần 30 năm với người vợ đầu tiên.

Ông Ân trần tình, sau khi rời quê vào miền Nam kiếm sống, ông trốn lên Bình Phước làm ăn. Được người bạn mai mối ông gặp bà Liên rồi hai người thường qua lại. Vì "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", hai người lỡ có con với nhau mặc dù không có hôn thú, cũng chẳng có hai họ làm chứng. Sống với nhau được 6 năm, đến năm 1965 ông mới quyết định đưa bà về Sài Gòn để làm giấy kết hôn và khai sinh cho các con.

Hai người chung sống tại căn nhà số 408 Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình, TP.HCM) do ông đứng tên. Từ khi kết hôn xong, bà quản lý toàn bộ tiền bạc trong gia đình. Năm 1980 ông quyết định đưa các con vượt biên nhưng bị bắt tại Bến Tre. Các con thì được về sớm, còn ông phải ở tù cho đến năm 1984. Khi vừa được thả về thì vợ lại đâm đơn đòi ly hôn. Ông nhận nuôi 4 con, còn bà Liên nuôi 3 người còn lại. Vì lúc đó làm ăn được tài sản lớn nên ông bà chỉ khai trước tòa một phần. Phần còn lại bao gồm hàng chục cây vàng, ngọc bích, hột xoàn... hai người thỏa thuận sẽ phân sau. "Tuy nhiên, sau này bà ấy đều chiếm cả. Căn nhà 408 lúc đó chưa có giấy tờ hợp lệ nhưng tòa cũng giao cho bà ta", ông Ân nói.

Đại gia Lê Ân từng gây sốc với cộng đồng về đám cưới siêu sang với người vợ thứ 5 mới ở tuổi đôi mươi.

Thấy bao nhiêu công sức của ông bỗng dưng bị mất trắng, nhiều bạn bè lấy làm tiếc rồi khuyên ông đi đòi lại. Phải đến 3 năm sau ông Ân mới làm đơn khiếu nại, yêu cầu được xem xét lại việc phân chia tài sản và được tòa án hủy phần quyết định phân chia tài sản của bản án ly hôn. Trong thời gian đợi cơ quan xét xử giải quyết phần tranh chấp tài sản sau ly hôn, ông lấy người vợ thứ hai. Sống với nhau không được bao lâu, người vợ này cũng bỏ đi biệt tích.

Trong lúc đợi tòa án giải quyết tranh chấp, năm 1988, ông Ân mua thêm căn nhà số 929 đường Tự Cường (quận Tân Bình), sát đuôi với căn nhà 408 mà ông và vợ cũ đang tranh chấp. "Lúc đó tôi nghĩ vợ chồng bỏ nhau nhưng con thì không thể bỏ nên mua căn nhà phía sau để lúc cần lui tới thăm con", ông Ân chia sẻ.

Thêm một lần đổ vỡ nữa trong hôn nhân, ông xuống Vũng Tàu thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 1993, phát hiện người vợ đầu có ý định hợp thức hóa căn nhà 408, ông đã gửi đơn đến UBND quận yêu cầu ngừng việc cấp giấy chứng nhận vì vụ tranh chấp tài sản giữa ông và bà Liên vẫn chưa được giải quyết.

Sáu năm sau, ông Ân lại bị bắt giam vì vướng vào một vụ án liên quan đến ngân hàng Vũng Tàu. Trước khi thụ án tù ông đã gửi đơn lên tòa yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp với vợ cũ. Do không được trích xuất để tham gia phiên tòa, ông ủy quyền cho một người bạn. Song, sau nhiều lần triệu tập, bạn của ông bị bệnh nặng không thể đến dự phiên xử nên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án.

Đến năm 2006, được mãn hạn tù, ông Ân phát hiện bà Liên đã đục tường căn nhà 408 thông sang phần hậu của căn nhà 929 do ông mua sau khi đã ly hôn. "Bà ấy nhờ người vẽ lại diện tích căn nhà rồi tẩy xóa giấy tờ khai báo trình trạng không tranh chấp để xin ủy ban quận cấp giấy chứng nhận cho cả phần diện tích căn nhà 929", ông Ân cho hay. Ngậm ngùi tình nghĩa người xưa bạc bẽo nhưng ông vẫn muốn đòi lại tài sản chính đáng của mình nên tiếp tục khởi kiện và gởi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng can thiệp. Cho đến nay sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.

"Bà Liên không những muốn chiếm đoạt ngôi nhà tôi mua từ ngày còn là vợ chồng, mà bằng hành vi gian dối, bà ấy còn biến luôn căn nhà tôi mua sau này thành của bà ấy. Việc làm của bà ấy đã được cơ quan công an xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự", ông Ân khẳng định.

Khi liên hệ tìm hiểu sự việc, bà Liên tỏ ra bức xúc khi nhắc đến người chồng cũ. Bà từ chối nói về vụ tranh chấp với đại gia Lê Ân mà để người con trai lớn chia sẻ. Anh này cho biết gia đình anh đã ở trong căn nhà 408 cũng như phần phía sau của nó (căn nhà 929) từ những năm 1970, hàng xóm láng giềng đều biết. Vì vậy không thể có chuyện ông Ân mua sau thời kỳ hôn nhân.

Hiện anh đang đứng tên chủ quyền căn nhà mà cha anh, ông Lê Ân, cho rằng bà Liên đã chiếm đoạt trái phép. Tuy nhiên, người con cả khẳng định mọi thủ tục pháp lý của căn nhà đều đúng pháp luật. "Ông ấy không được trích xuất, người đại diện của ông ấy cũng không đến dự tòa. Điều đó có nghĩa ông từ chối quyền khởi kiện nên tòa đã đình chỉ vụ án. Lúc đó mặc nhiên không còn tranh chấp, việc hợp thức hóa giấy tờ căn nhà là đúng luật", anh này giải thích.

Ông Lê Ân là con thứ 5 trong một gia đình nghèo có 10 người con ở xứ Quảng. Sau nhiều năm mưu sinh qua đủ nghề may, nấu xà bông rồi đến vùng kinh tế mới, tham gia vượt biên, ông ngồi tù. Sau cải tạo, ông bỏ mối buôn thuốc tây, tích vốn kinh doanh vàng và ngoại tệ - đồng rúp Liên Xô khi đó. Với số vốn tích được, Lê Ân xin thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng, cái đích là thành lập ngân hàng Đại Nam. Nhưng vì tội từng ngồi tù, vượt biên, kế hoạch của ông bất thành. Từ đó, ông ra Vũng Tàu. Sau nhiều thăng trầm kinh doanh, hiện Lê Ân là Chủ tịch khu du lịch Chí Linh và công ty Lê Hoàng tại mảnh đất này. Vừa qua, vị đại gia 74 tuổi này gây xôn xao dư luận khi cưới cô vợ mới 20 tuổi. Trước đó, ông Ân từng 4 lần kết hôn, chia tay vợ thứ 4 khi cô ở tuổi 25.


(Theo NS)
* Tên người vợ cũ đã được thay đổi