Không phải tài chính cũng không phải bất động sản, hầu hết những gương mặt mới trong Top người giàu năm nay là những doanh nhân đi lên từ lĩnh vực sản xuất.

Năm ngoái (2014), việc Thế giới Di động tiến hành niêm yết cổ phiếu đã khiến Bảng xếp hạng những người giàu nhất Thị trường Chứng khoán Việt Nam có nhiều “xáo trộn” khi một loạt cổ đông sáng lập của doanh nghiệp này “đổ bộ” vào các vị trí cao trong Top đầu. Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Thế giới Di động thậm chí còn tiến thẳng vào Top 10 người giàu nhất.

Trong khi đó, năm nay không có doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn lên sàn nên không có nhiều cái tên mới với tài sản lớn. Thống kê của chúng tôi cho thấy có 5 người mới với lượng cổ phiếu nắm giữ trị giá từ 200 tỷ đồng trở lên.

Ông Đào Hữu Huyền (Hóa chất Đức Giang): 700 tỷ đồng

Trong số 20 người đang dẫn đầu, tất cả đều là những doanh nhân đã rất quen thuộc. Tính đến Top 30, cái tên “mới” nhất là ông Đào Hữu Huyền – chủ tịch của Hóa chất Đức Giang (DGC) và Hóa chất Đức Giang Lào Cai (DGL).

{keywords} 

Thực tế ông Huyền đã gia nhập Top người giàu từ năm 2014 khi tiến hành niêm yết cổ phiếu DGC, tuy nhiên vị doanh nhân này chưa được nhiều người chú ý.

Với việc đưa thêm DGL niêm yết trong năm 2015 và cổ phiếu DGC tăng gần 80% so với cuối năm ngoái thì lượng cổ phiếu của ông Huyền đã tăng vọt lên 700 tỷ đồng so với mức 300 tỷ cách đây 1 năm – đưa ông đứng ở vị trí thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất.

Hoạt động chính của Hóa chất Đức Giang là kinh doanh bột giặt, hóa chất. Tuy nhiên nguồn thu chính của công ty lại đến từ công ty con, Đức Giang Lào Cai, với hoạt động chính là sản xuất phốt pho.

Ông Đoàn Hồng Việt (Digiworld): 452 tỷ đồng

Sau cuộc đổ bộ của Thế giới Di động năm ngoái, ngành điện máy tiếp tục có thêm một đại gia gia nhập Top người giàu: Ông Đoàn Hồng Việt, chủ tịch của CTCP Thế giới số - Digiworld (DGW).

{keywords} 

Trong khi Thế giới Di động chuyên về bán lẻ thì Digiworld lại chuyên về phân phối bán buôn các sản phẩm laptop, điện thoại.

Tương tự như các lãnh đạo của Thế giới Di động, trước khi lên sàn ông Việt đã chuyển phần lớn cổ phần của mình sang công ty riêng mang tên Cty TNHH Created Future.

Ông Hồ Đức Lam (Nhựa Rạng Đông): 300 tỷ đồng

Sau gần 10 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Nhựa Rạng Đông (RDP), ông Hồ Đức Lam đã tận dụng cơ hội SCIC thoái vốn để trở thành “ông chủ” thực sự của công ty khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên xấp xỉ 65%. Ông Lam là anh trai của ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch Bóng đèn Rạng Đông (DQC).

{keywords} 

Cổ phiếu RDP đã tăng gấp đôi trong 1 năm qua và lượng cổ phiếu của ông Lam hiện có giá trị hơn 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Nafoods Group): 228 tỷ đồng

Niêm yết vào đầu tháng 10/2015, Nafoods Group – mã chứng khoán NAF – chưa để lại nhiều dấu ấn trên sàn chứng khoán. Hoạt động chính của công ty là chế biến nông sản với sản phẩm chính là nước ép trái cây.

{keywords} 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đang sở hữu 25% cổ phần của công ty.

Ông Đặng Triệu Hòa (Sợi Thế Kỷ): 207 tỷ đồng

Sợi Thế Kỷ mới lên sàn từ tháng 9/2015, là một trong những doanh nghiệp nội địa lớn hoạt động trong lĩnh vực dệt sợi. Ông Đặng Triệu Hòa, chủ tịch kiêm TGĐ, hiện đang sở hữu 13,9% cổ phần của công ty.

{keywords} 

Cả Sợi Thế Kỷ và Nafoods Group có chung 1 cổ đông lớn nước ngoài là Vietnam Holding Limited.

(Theo Trí thức trẻ)