Số lượng người giàu châu Á đã vượt qua Bắc Mỹ lần đầu tiên vào năm ngoái nhưng khối lượng tài sản của họ lại giảm.
Báo cáo của tổ chức quản lý tài sản Capgemini&RBC cho biết, khu vực châu Á Thái Bình Dương là ngôi nhà của 3,37 triệu người sở hữu trên 1 triệu USD để đầu tư trong khi ở Bắc Mỹ là 3,35 triệu và châu Âu là 3,17 triệu người.
Người giàu châu Á tập trung ở các nền kinh tế lớn. 54% trong số họ sống tại Nhật Bản, 17% tại Trung Quốc và hơn 5% tại Úc. Trong khi đó, tổng tài sản của tầng lớp này giảm về 10,7 ngàn tỷ USD vào năm ngoái từ mức 10,8 ngàn tỷ USD năm 2010, bám sát con số 11,4 ngàn tỷ USD của Bắc Mỹ.
Báo cáo nghiên cứu việc giới giàu đầu tư tiền vào đâu, như thế nào và tài sản của họ thay đổi ra sao? Theo đó, nhiều người giàu châu Á kiếm hàng triệu thậm chí hàng tỷ USD từ doanh nghiệp gia đình và đầu tư bất động sản.
"Chúng tôi không nhận thấy có sự dịch chuyển lớn về danh mục đầu tư của họ", ông Claire Sauvanaud, phó chủ tịch dịch vụ tài chính Capgemini, cho biết.
Tài sản đã giảm đáng kể vào năm ngoái tại Hong Kong (20,1%), Ấn Độ (18%). Trong khi tại Thái Lan, tài sản tăng 9,3%, Indonesia tăng 5,3%, Nhật Bản 2,3% và Trung Quốc 1,8%.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của hãng Wealth-X, tài sản của giới giàu châu Á, đặc biệt là Trung Quốc giảm mạnh kể từ giữa năm 2011 cho đến nay.
Sự suy yếu của nền kinh tế châu Âu cũng như toàn cầu đã khiến tổng tài sản của khu vực châu Á giảm nhẹ, báo cáo cho hay. Tuy nhiên, khu vực cũng đã phải vật lộn với những thử thách kinh tế của chính họ trong đó có tình trạng lạm phát, tăng trưởng chậm và sự rút vốn của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, "châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán là sẽ tiếp tục chứng tỏ được nội lực tăng trưởng mạnh hơn các khu vực khác trong thời gian tới. Số lượng người giàu cũng như giá trị tài sản của họ sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai".
Giới giàu châu Á đang nỗ lực tìm kiếm những bến đỗ tài sản tại các trung tâm lớn trong khu vực Singapore và Hong Kong để tiếp cận tốt hơn với những sản phẩm, dịch vụ và sự bảo mật tài chính, báo cáo cho biết.
Thử thách đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản nước ngoài bao gồm việc thiếu thốn nguồn lực giỏi chuyên môn, lợi nhuận thấp hơn trong khi chi phí cho các dịch vụ lại tương đối cao.
Sự đa dạng về nhận thức tài chính và kỳ vọng của những khách hàng giàu có cho thấy nhu cầu đối với những sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó người giàu cũng thể hiện những mong muốn lớn hơn đối với vai trò chủ động trong việc quản lý danh mục đầu tư.
HungNinh (Theo Reuters)