Nỗi buồn trong giới chơi cây

Ông Nguyễn Văn Phiến (63 tuổi) người được biết đến với biệt danh Phiến "cá" với thú chơi cây cảnh nức tiếng khu vực phía Bắc. Giới chơi cây đồn đại rằng, hiện đại gia Phiến "cá" đang sở hữu khu vườn gồm hàng nghìn cây cảnh có giá trị lên tới hàng trăm tỷ ở TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Sở hữu trong tay khối gia sản lớn là thế nhưng ngày 20/7/2019 khi chia sẻ với Đất Việt, đại gia Phiến "cá" nhiều lần bày tỏ nỗi buồn của mình về tình trạng chơi cây cảnh của Việt Nam hiện nay. Vị đại gia này cho biết, sự du nhập của cây ngoại vào Việt Nam trong mấy năm gần đây đã gây ra rất nhiều hệ lụy, ngoài những thiệt hại về kinh tế (vì đa phần cây ngoại nhập vào Việt Nam đều chết) thì sự mất mát lớn nhất là sự tin tưởng vào giá trị của những cây cảnh Việt Nam.

"Nói về việc cây ngoại nhập vào Việt Nam như Tùng Nhật Bản, Phi lao Đài Loan, hay những cây từ Singapore nhập về... chỉ sau vài ba năm thì chết mặc dù được chăm sóc rất tỷ mỷ từ bàn tay của chuyên gia, người có hàng chục năm chơi cây cảnh thì nhiều người cũng đã nói rồi. Tôi không muốn nói thêm nữa.

Tôi chỉ chia sẻ một điều, vườn cây rộng 50ha của tôi ở TP. Vĩnh Yên thì không có một cây nào là cây ngoại nhập. Không phải vì tôi không thích cây mà thấy rằng đa phần cây ngoại không thể bằng được cây Việt Nam cả về giá trị kinh tế lẫn thẩm mỹ và ý nghĩa nhân văn ẩn đằng sau mỗi cây" - đại gia Phiến "cá" chia sẻ.

Hơn 20 năm kinh nghiệm chơi cây của mình, đại gia Phiến "cá" cũng chưa phải là chưa gặp những cây ngoại nhập về Việt Nam nhưng vẫn sống khỏe mạnh như cây Thanh tùng ngạo tuyết của đại gia Thành đất. Nhưng ông Phiến cho rằng, đó phải thực sự là cây Tùng cổ, có giá trị ở nước bạn. Những cây như thế về Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chỉ được có 1 cây như của Thành đất.

{keywords}
Đại gia Phiến "cá" cho rằng cây ngoại nhập vào Việt Nam đang bị thổi phồng giá trị bởi một nhóm người cơ hội.

Còn phần lớn những cây Tùng ngoại ở Việt Nam chủ yếu là cây công nghiệp, đường trồng và chăm sóc đại trà ở Nhật Bản, đưa về Việt Nam chỉ mất khoảng 300 - 400 triệu đồng nhưng sau đó rao bán giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đó là những "cú lừa ngoạn mục".

Theo vị đại gia này, sở dĩ cây ngoại nhập về Việt Nam mặc dù được chăm sóc cẩn thận nhưng chỉ sau khoảng 3 năm là chết vì do sự khác biệt về thời tiết, khí hậu.

"Có những thông tin nhà vườn chuyên bán Tùng Nhật Bản cho biết, việc chăm sóc cây ngoại phải có bí quyết như sửa cây cũng phải có thời điểm chứ không thể tùy tiện bất cứ khi nào trong năm, cho cây sử dụng túi dịch....

Nhưng tất cả những bí quyết đó đều chỉ là bánh vẽ vì điều kiện thời tiết ở 2 nước khác hẳn nhau. Trong khi cây công nghiệp có sức sống rất yếu, rời chất hóa học ra là cây sẽ tự chết.

Như ở Nhật Bản là xứ lạnh quanh năm trong khi Việt Nam lại nhiệt đới ẩm, gió mùa. Vào mùa hè thì cực nóng mà mùa Đông thì cực lạnh. Thử hỏi cây nào chịu nổi nếu như không phải cây sinh ra và lớn lên ở Việt Nam?" - vị đại gia này cho biết.

Trăn trở về nạn thổi giá cây ngoại

Cũng như đại gia Toàn đô-la (TP. Việt Trì, Phú Thọ), ông Phiến luôn trăn trở về nạn thổi giá cây ngoại của một nhóm chơi cây ở Việt Nam hiện nay. "Dưới danh nghĩa chơi cây, đam mê cây nhưng thấy ở đâu có lợi nhuận là họ nhảy vào. Nhận thấy tâm lý sính ngoại, thích ăn sổi của người Việt Nam nên nhóm này mới nhập những cây công nghiệp, chỉ trồng vài ba năm đã giống như cây sinh trưởng hàng chục, hàng trăm năm để về bán kiếm lời.

Họ được lợi nhuận rất cao nên không thèm để ý đến những hệ lụy đằng sau đó như thế nào. Điều này có thể giết chết cả làng cây của Việt Nam" - đại gia Phiến cá nói thẳng.

Để nêu lên dẫn chứng cho ý kiến của mình, đại gia Phiến "cá" nêu lên trường hợp có vị Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam hiện tại có vườn cây được quảng báo giá trị 40 - 50 tỷ đồng nhưng lại toàn cây ngoại nhập. Như thế, đáng nhẽ phải được gọi là Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh ngoại nhập chứ?

Đại gia Phiến "cá" kể tiếp, những lần ra nước ngoài gặp gỡ các nghệ nhân chơi cây cảnh của nước bạn, đoàn của Việt Nam được tiếp đón rất nhiệt tình. Thậm chí, chỉ cần nghe thấy có đoàn sinh vật của của Việt Nam tới chơi là những người chơi cây ở nước bạn cũng tự động tìm đến để học hỏi kinh nghiệm.

"Điều đó cho thấy đất nước chúng ta được đánh giá rất cao về lĩnh vực cây cảnh. Tại sao những người yêu cây không tận dụng điều này để phát triển cây cảnh của Việt Nam ra thế giới, như một mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao?

Tại sao không tổ chức có một vườn cây cảnh của Việt Nam ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Dubai... để quảng bá cho cây cảnh nước nhà, đây cũng còn là quảng bá nét nhân văn, cái hồn của đất nước Việt Nam mà lại đi sính ngoại, nhập cây ngoại về rồi thổi giá lên để làm giảm giá trị cây nội đi?" - đại gia Phiến "cá" băn khoăn.

(Theo Báo Đất Việt)