Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh, nhiều đại gia Hà Nội và Sài Gòn vượt núi tìm về xem và mua sâm. Có đại gia ngồi ở Sài Gòn điện thoại và đặt 400 triệu đồng mua sâm.

Kết thúc phiên chợ sâm núi, lần đầu tiên được tổ chức trong 3 ngày, từ 11-13/6, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), những người trồng sâm Ngọc Linh đã bán được hơn 2 tạ, thu về 12,5 tỷ đồng.

Đó là chưa kể, người dân còn bán các loại dược liệu khác như mật ong, các loại sâm nam,...

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, đây có thể coi là phiên chợ có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại khu vực.

{keywords}
Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Nam thu hút nhiều người đến xem và mua sâm

Theo ông Bửu, phiên chợ thu hút hàng chục nghìn khách. Đặc biệt, nhiều đại gia Hà Nội và Sài Gòn đã vượt núi tìm về xem và tìm mua sâm. Thậm chí, có đại gia ngồi ở Sài Gòn, điện thoại và đặt mua 400 triệu tiền sâm của một hộ dân bày bán tại chợ.

Từ thành công của phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ nhất này, huyện nam Trà My đang xây dựng kế hoạch tổ chức chợ phiên thường niên. Mục đích là để nông dân đem sâm núi Ngọc Linh về chợ bán, tránh tình trạng sâm giả rao bán tràn lan trên mạng hiện nay.

Một chiến lược chống lại nạn sâm giả đang được huyện nam Trà My triển khai thực hiện. Toàn bộ sâm trồng tự nhiên trên núi Ngọc Linh sẽ được cơ quan chức năng địa phương bảo hộ và xác nhận.

“Trà trộn sâm giả để bán, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Chợ sâm này chỉ bán duy nhất loại sâm Ngọc Linh tự nhiên, trồng trên núi hàng chục năm nay nên giá rất đắt đỏ. Mỗi kg sâm có giá từ 50 đếm 200 triệu đồng, tùy năm tuổi và cân nặng từng củ” - ông Bửu nói.

{keywords}
{keywords}
Hoa và củ sâm Ngọc Linh bày bán tại chợ

Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh - ngọn núi cao nhất miền Trung và Tây Nguyên - dùng để chữa bách bệnh, gọi là "thuốc dấu". Những năm chiến tranh, người dân thường dùng trị vết thương, sốt rét,... cho bộ đội.

Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây thuốc dấu của người dân Xê Đăng vẫn dùng trị bệnh. Ông Long đặt tên cây là sâm K5 và bây giờ là sâm Ngọc Linh.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.

Vũ Trung