- Đàn Năng Long - “vua voi” Tây Nguyên, người sở hữu số lượng voi lớn nhất ở Việt Nam thời điểm hiện tại - đã hai lần làm đám ma cho những chú voi của mình. Anh cũng được biết đến như một doanh nhân làm du lịch gắn liền với những thớt voi hùng dũng ở Tây Nguyên.
Trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, con voi là vật nuôi gắn bó gần gũi, bình dị với họ giống như con trâu đối với người nông dân ở vùng Bắc Bộ. Nhiều gia đình còn coi những chú voi là thành viên, người thân trong gia đình.
Đàn Năng Long - người đang sở hữu số lượng đàn voi lớn nhất Tây Nguyên - là một trong những người như thế. Anh cũng là người đang cố gắng để duy trì, gìn giữ và bảo vệ những chú voi hiếm hoi còn lại ở đại ngàn.
Đàn Năng Long đang ấp ủ một giấc mơ dài, mà có lẽ, anh là người Chăm của Tây Nguyên đầu tiên dám nghĩ và dám bỏ toàn bộ thời gian, sức khỏe và tiền bạc thực hiện ước mơ tưởng như rất xa xôi ấy: thành lập một... nghĩa địa voi.
Cùng một lúc, Đàn Năng Long giữ trong mình rất nhiều nhiệm vụ: thầy thuốc chữa voi, người làm văn hóa về voi... ngay giữa buôn làng mà anh đã gắn bó suốt cuộc đời...
Trong cuộc đời của một gru, Đàn Năng Long đã hai lần làm đám tang cho hai chú voi nhà của chính gia đình mình. Với anh, “đấy không phải là đám tang một con vật, nó là lễ đưa tiễn một người thân về với đại ngàn của gia đình mình!”. Bởi, một chú voi rừng, tuổi thọ trung bình của nó trên dưới 80 tuổi, tương đương với số năm sống của một con người.
Đám tang cho hai chú voi do Đàn Năng Long tổ chức tại buôn Jun, huyện Lắc năm 2005. |
Năm 2005, con voi Trút đầu đàn của gia đình Đàn Năng Long chết vì tuổi già. Khi đó, Trút vừa bước sang tuổi 89.
Đàn Năng Long kể: hôm đó, Trút vừa chở khách lội hồ Lắc (huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc) sau một vòng đưa khách đi thăm buôn làng. Vừa lên tới bờ, con voi già đuối sức, nó bỗng rùng mình cảm lạnh, rồi hai chân trước khuỵu xuống. Nó rống lên thảm thiết rồi ngã lăn xuống đất. Rất may, hai vị khách đã được người nài voi hướng dẫn thoát khỏi ghế bành...
Con voi già nằm im trên mặt đất. Dường như nó biết trước số mệnh của mình đã kiệt, nó chỉ nằm thở khó nhọc, nước mắt trào ra từ khóe mắt. Đàn Năng Long lo lắng, nghĩ rằng con voi già trở bệnh. Anh cố gắng nhỏ thuốc, xoa dầu nóng, lấy mật gấu xoa bóp cho con voi nhà đã gắn bó với cả gia đình trong cả một thời gian dài.
Thuốc không cứu được Trút. Thầy cúng Gio Triêng (người Mơ nông) được mời tới để cúng cầu xin thần rừng ban sức khỏe và sự sống cho Trút. Lễ cúng đơn giản theo phong tục chỉ có cháo hoa ngay tại bãi đất trống của khu du lịch. Hơn một giờ đồng hồ sau, Trút ngừng thở.
Trong thời gian Trút nằm im bất động trên mặt đất, cả buôn làng đã không giữ được nước mắt khi voi Bách Khăm (chú voi đực mới được làm lễ cưới với Trút hai năm trước đó) quỳ bên bạn tình cả tiếng đồng hồ.
Tình yêu của loài động vật đã mách bảo Bách Khăm rằng bạn tình của nó không thể sống được, để tiếp tục cùng nó rong ruổi chở khách khắp buôn làng, hay cùng với nó lội hồ Lắc, vào rừng kéo gỗ như ngày xưa...
Đàn Năng Long chụp ảnh với vua voi Amakong |
Đám tang voi Trút được cử hành dưới sự chứng kiến của cả buôn. Những nài voi, thợ voi.. mặc trang phục truyền thống của người Mơ nông. Thầy cúng Gio Triêng thực hiện các nghi lễ của đám ma voi, đọc những câu thần chú để voi ra đi được an lành, cầu xin sự bình yên cho những con voi còn sống.
Xác voi Trút được đưa ra chôn tại bìa rừng. Người ta đào một cái hố lớn đưa Trút vào đó. Những ngày đầu, Đàn Năng Long đã phải dựng một cái lán cạnh mộ voi Trút để trông giữ, sợ kẻ xấu đến đào lấy xương Trút mang đi.
Hai năm sau, lại đến lượt con voi đực Bách Khăm bị động tình rơi xuống vực chết. Không phải nói cũng có thể hiểu được Đàn Năng Long buồn tới mức nào. Cả buôn Jun lại im lặng đưa xác voi Bách Khăm chôn cạnh mộ voi Trút.
Đàn Năng Long buồn rầu: “Hai năm liền mất đi hai thớt voi đầu đàn, chưa nói tới sự thiệt hại cả một gia tài lớn, mà đấy là nỗi buồn của cả buôn. Người Tây Nguyên gắn bó với voi rừng từ thuở bé. Một thớt voi sống với người ngót một thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu biến động trong cả gia đình. Nó không chỉ là con vật nuôi trong nhà, mà nó còn là một thành viên trong gia đình!”.
Ước mơ giữ gìn, duy trì đàn voi nhà còn lại ở Tây Nguyên của “vua voi” Đàn Năng Long gắn liền với việc phát triển du lịch cưỡi voi đi thăm buôn làng. |
Đàn Năng Long cho biết, trước, một con voi chết, người ta để nguyên cả ngà đem chôn, và thường để cặp ngà voi nhô lên khỏi mặt đất, như là một cái bia mộ của chính con voi đó. Thế nhưng bây giờ, ngay đến bộ xương voi còn bị kẻ xấu tìm mọi cách để đào trộm, gia đình phải chặt giữ lại bộ ngà voi khi voi chết. Đấy cũng là biện pháp để kẻ xấu không đào trộm mộ voi.
Anh buồn rầu: “Voi Bách Khăm bị chết là do động đực. Rừng bị phá, những đàn voi rừng ngày càng bỏ chạy vào rừng sâu. Chính điều đó đã khiến những chú voi nhà mất bạn tình, làm tâm sinh lý của nó thay đổi. Bách Khăm chết trong một lần động tình. Nó lên cơn điên loạn, chạy bổ vào trong rừng sâu rồi ngã xuống vực chết. Ngày càng nhiều những con voi nhà hiếm hoi còn sót lại, phải chết vì những lý do... không ai ngờ tới như thế!”.
Theo Đàn Năng Long, một chú voi bé (voi giống) rừng vừa bẫy được, giá của nó là 80 triệu đồng/con. Những voi trưởng thành, giá dao động từ 200-300 triệu đồng/thớt voi. Đấy là khó khăn lắm mới tìm mua được. Ngay những con voi nhà, nếu như không biết cách chăm sóc, chúng cũng dễ dàng bị ngã bệnh hay xuống sức, khiến chúng gầy trơ xương và xấu mã.
Để cứu đàn voi nhà hiếm hoi còn sót lại, Đàn Năng Long đã chủ động nhận chữa bệnh không công cho những chú voi ốm yếu. Dù voi ở bản xa cỡ nào, nếu gia đình biết tìm đến Long để nhờ anh chữa, anh cũng không nề hà. Tự tay Đàn Năng Long đã vực khỏe cho không dưới chục thớt voi nhà trong khắp buôn Jun, buôn Liên của vùng voi Lắc rộng lớn.
Thái Bình