Khi rơi vào tuyệt vọng, đại gia Đặng Thành Tâm đã có lúc muốn tìm đến cái chết, còn "ông trùm ngân hàng" một thời Đặng Văn Thành đã tìm đến cửa thiền để vượt khó khăn.
Trên con đường trở thành những doanh nhân quyền lực, giàu có, ngoài những khoảnh khắc nổi tiếng, vinh quang và tự hào, không ít các đại gia Việt đều trải qua những thời điểm khủng hoảng, khó khăn, rơi vào tuyệt vọng.
Bởi như bà Mai Kiều Liên, người đứng đầu của Vinamilk đã từng nhấn mạnh: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.
Người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007: Chỉ muốn uống thuốc sâu
Ông Đặng Thành Tâm là CTHĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
Ông là một doanh nhân Việt Nam thành đạt, được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Tuy nhiên, vào năm 2013, do gặp khó khăn không thể vay ngân hàng và gánh vác khoản nợ tồn đọng lên tới trên 3.000 tỷ đồng, ông Tâm bị gắn với biệt danh “đại gia Chúa Chổm”.
Chia sẻ trên Tiền Phong, ông Tâm buồn rầu nói: “Lúc đó tôi biết trông vào đâu nữa, cứ nằm như một xác chết. Nói thật có nhiều lúc tôi chỉ muốn tự tử, chỉ muốn uống thuốc sâu cho xong chuyện thôi.
Trên VNE, ông Tâm cũng thành thật tâm sự: “Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa. Không phải mình tôi đâu, những anh khác nằm trong danh sách giàu nhất nhì sàn chứng khoán cũng ước mơ như vậy đấy.
Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo...”.
Hiện tại, ông chủ của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã lấy lại được niềm tin bởi theo tính toán đến năm 2016, ông Tâm có thể xử lý xong số nợ trên nghìn tỷ đồng đang tồn đọng.
Doanh nhân này cũng chia sẻ sẽ không đầu tư tiếp vào ngân hàng hay chứng khoán trong thời gian tới bởi không còn tâm trí cho lĩnh vực này.
“Bà chúa” vàng nữ trang để nước mắt chảy vào trong
Trong giới doanh nhân Sài Gòn, ít có người nào trải qua nhiều thăng trầm như bà Cao Thị Ngọc Dung – TGĐ công ty PNJ.
Đã có lúc, tưởng như bà đã bị quật ngã, nhưng bà đã vượt qua ngoạn mục, tiếp tục dẫn dắt công ty đạt những thành tựu mới.
Nhớ về cú sốc của mình trong công việc, bà Dung bật mí trên tạp chí Thế giới Đàn ông: “Năm 1989, giám đốc công ty Nông sản thực phẩm Phú Nhuận bị bắt vì lời tố cáo bâng quơ là tham nhũng, hối lộ.
Tôi bị kéo dính vào chiếc bẫy quay cuồng của phe cánh trong nội bộ triệt hạ lẫn nhau.
Không ngơ ngác nhìn với cặp mắt lý tưởng màu hồng, đối diện với những lần bị điều tra như tội phạm, tôi là một con người bản lĩnh, tự tin - một niềm tin sắt đá vào chính mình.
May mà sự việc được xem xét minh bạch. Người giám đốc cũ của tôi vô can.
Lúc đó là những năm 1990, danh dự và uy tín của tôi được phục hồi. Kể ra cũng chua chát. Nhưng thôi, hãy chọn lấy hoa hồng và để nước mắt chảy vào trong. Tôi đã tự nhủ và hành động như thế!”.
Bà Dung cho biết: Thực tế đã dạy cho bà khôn lên rất nhiều. Cũng có lúc bà xao lòng tiến thoái lưỡng nan trước thực tế, nhưng rồi như một định mệnh, bà lại đứng lên và bước đi.
Bốn năm, từ 1988 với số vốn ban đầu 7,4 cây vàng, năm 1992, công ty đã có số vốn 20 tỉ đồng, là phần “lực” của Đông Á sau đó.
Hiện tại, PNJ đã tự hào khi sở hữu các nhãn hiệu trang sức có uy tín và đẳng cấp tại Việt Nam như: trang sức vàng PNJ, trang sức bạc PNJSilver, CAO Fine Jewellery, vàng miếng Phượng Hoàng PNJ – DongA Bank.
Tìm đến cửa thiền để vượt biến cố
Ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Sacombank đã từng phải tìm đến cửa thiền để vượt qua biến cố.
Năm 2012, gia đình ông Thành gặp biến cố lớn khi Sacombank bị thâu tóm, hai cha con ông phải bán toàn bộ số cổ phần (năm 2013) và rút lui khỏi ngân hàng do chính mình sáng lập ra.
Ông Thành bày tỏ cảm xúc về khoảng thời gian tuyệt vọng trên Bizlive: “Tôi còn nhớ lúc ấy mình chỉ biết đứng nhìn khách hàng đến rút tiền ồ ạt.
Nếu không có tiền chi trả họ sẽ họ ùa vào đập phá trụ sở, tranh giành tài sản. Ròng rã 6 tháng trời nhân viên chỉ được trả lương cầm chừng...
Hàng ngày, tôi lo việc đối phó chi trả ngoài ngân hàng, tính toán lượng khách sẽ đến đòi nợ trong ngày mai…”.
Ông Thành thú nhận: “Khoảng thời gian khó khăn ấy, nếu không có một “hậu phương vững chắc”, chắc hẳn tôi không thể trụ nổi”.
Để vượt qua khó khăn, ông lặng lẽ đi đến nhiều ngôi chùa để tĩnh dưỡng và tạm quên đi những muộn phiền vì lẽ sống, tình người, chấp nhận không cố giữ mọi thứ đã không còn thuộc về mình.
Đồng thời, để lấy lại năng lượng sau sự cố xảy ra với Sacombank, ông Đặng Văn Thành tạm gác công việc lại phía sau, ông cùng vợ du lịch.
Khi bình tâm trở lại, ông tái xuất trong lĩnh vực mía đường cùng Thành Thành Công, công ty do vợ chồng ông gây dựng nên từ ngày khởi nghiệp. Hiện tại ông rất tự tin và tràn đầy năng lượng.
Nữ doanh nghiệp được Forbes vinh danh: Từng thất vọng tới mức tuyệt vọng
Bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT công ty Dược Hậu Giang là một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Doanh nghiệp có doanh thu dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam này đã từng có thời điểm đứng trên bờ vực phá sản.
Bà Nga từng thú nhận trên báo Trí thức trẻ: “Tôi từng thất vọng tới mức tuyệt vọng, đó là khi Dược Hậu Giang không còn gì để mất, đứng trên bờ vực phá sản.
Trước áp lực anh em công nhân không có việc làm, không đủ tiền để trả lương, tôi đã đưa đơn từ chức.
Bởi tôi nghĩ, nếu tôi từ chức, sẽ có người tốt hơn lên thay thế, từ đó, anh em không rơi vào cảnh không có việc làm như vậy”.
Nữ doanh nhân quyền lực này cho hay: Tâm trạng tuyệt vọng đó của bà kéo dài suốt cả một năm trời.
“Tôi cứ bị giằng co giữa chuyện: nên ở lại hay nên thôi.
Tuy nhiên, vì danh dự của người Đảng viên, truyền thống gia đình và vì công nhân viên động viên, chấp nhận dù khó khăn thế nào cũng theo chân tôi, nên tôi đã quyết định ở lại để tìm mọi cách dẫn dắt mọi người vượt qua.
Đã có lúc tôi từng thất vọng tới mức tuyệt vọng”.
Cuối cùng, Dược Hậu Giang cũng tìm ra cho mình một lối đi đúng đắn và cho tới thời điểm hiện nay gặt hái được nhiều thành công vang dội.
Bà Nga được mọi người ưu ái gọi với những cái tên như “bông hoa thép trên thương trường”, “nữ tướng anh hùng ở xứ Tây Đô”, “nữ tướng thời mở cửa”.
Bà Mai Kiều Liên và Vinamilk từng phải trả giá
Năm 2013, với câu hỏi của phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp về việc Vinamilk đã từng phải trả giá chưa, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Vinamilk đã trả lời “có” bởi “ai nên khôn chẳng dại một đôi lần”.
Bà chia sẻ: “Cách đây khá lâu, nhiều ý kiến cho rằng, Vinamilk nên mở rộng đầu tư vào ngành hàng thực phẩm. Các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới cũng không chỉ làm có sữa, mà còn có đồ uống, bánh kẹo…
Chính vì vậy, tôi nghĩ Vinamilk cũng có thể trở thành tập đoàn thực phẩm.
Chúng tôi đầu tư chế biến cà phê trong vòng 2 năm, nhưng sau đó thấy không có triển vọng, chúng tôi bán mảng kinh doanh đó, không bị lỗ, nhưng việc này thể hiện là mình suy nghĩ chưa tới”.
Tuy nhiên, theo bà Liên, việc Vinamilk tạm ngưng đầu tư vào các mảng khác ngoài sữa, cũng không phải là thất bại của Vinamilk.
“Tôi không đặt tiêu chuẩn cho bản thân nên tôi không cảm thấy mình thất bại” – bà Liên nói.
Quan điểm của vị nữ doanh nhân quyền lực Mai Kiều Liên là: không có gì mình không làm được.
“Khi gặp khó khăn thì tôi lại càng tìm cách giải quyết cho bằng được.
Những cái khó khăn nhất từ thời bao cấp, tôi đã vượt qua rồi, còn bây giờ, mình đã có đủ tài chính và nguồn lực về con người thì không có gì gọi là khó nữa” – bà Liên nhấn mạnh trên Diễn đàn doanh nghiệp.
(Theo Trí thức trẻ)