Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm qua đã thúc giục Nhật Bản xin lỗi vì đã bắt nhiều phụ nữ làm nô lệ tình dục trong suốt Thế chiến II.
Một góc Đài Loan |
"Các sai lầm của lịch sử có thể được thứ lỗi, nhưng bài học lịch sử thì không ai được phép quên" - ông Mã nói
"Tôi nghĩ rằng một lời xin lỗi và đền bù đôi khi trở nên mạnh mẽ nhất" - ông Mã nói.
Thời gian dành cho các nô lệ tình dục thời chiến tranh đã không còn nhiều khi mà rất nhiều người trong số họ đã qua đời vì tuổi già.
Tại Đài Loan, một phong trào bảo vệ quyền của các nạn nhân đã nổi lên từ hai thập kỷ trước. Khi đó, con số nạn nhân tổng hợp được là 58 người, nhưng hiện nay chỉ còn lại tám người còn sống.
Các nhà sử học thống kê có trên 200.000 phụ nữ trẻ chủ yếu là từ Hàn Quốc và Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan từng bị buộc làm nô lệ tình dục ('phụ nữ giải khuây') trong các trại lính của Nhật thời chiến tranh.
Chuyện Nhật Bản xin lỗi về vấn đề này kéo dài từ rất lâu và gây ra nhiều bất đồng.
Trong một tuyên bố năm 1993, ông Yohei Kono sau này làm người phát ngôn chính phủ Nhật đã xin lỗi các nạn nhân chiến tranh này và thừa nhận việc Nhật Bản có liên quan tới những đau khổ mà họ phải chịu đựng.
Tuy nhiên, năm 2007 ông Shinzo Abe - người sau đó làm Thủ tướng Nhật - đã nói rằng không hề có bằng chứng cho thấy Nhật Bản trực tiếp bắt buộc các phụ nữ thời đó phải làm nô lệ tình dục.
Cho đến nay, vấn đề này vẫn gây tranh cãi giữa Nhật và một số quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan.
- Lê Thu (Theo CNA)