Đầu năm 2014, Nga phải đối mặt với các trừng phạt tài chính vì đã sáp nhập Crimea bất chấp sự phản đối của phương Tây. Đối phó với sức ép từ phương Tây, Moscow đã chuyển hướng sự chú ý vào phương Đông, đặc biệt là tới Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi của ông Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập việc chuyển trọng tâm sang thị trường Đông Á từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng các trừng phạt của phương Tây đã đẩy nhanh “chính sách xoay trục sang châu Á” này.

Các lệnh trừng phạt đã dẫn tới việc ký kết một loạt các thỏa thuận nhiều chưa từng thấy với Trung Quốc hồi tháng 5/2014. Trong số này có một thỏa thuận khí tự nhiên, liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mang tên “Sức mạnh của Siberia” nhằm xuất khẩu hơn 38 tỷ m3 khí sang Trung Quốc mỗi năm. Trong bối cảnh quan hệ Trung – Nga đang ở thời điểm hoàng kim kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thỏa thuận trên trở thành biểu tượng của sự thách thức của Moscow đối với phương Tây.

Nhưng trong hai năm qua, Nga đã ghi nhận những tiến bộ rất nhỏ trong nỗ lực hướng Đông của mình.

{keywords}
Mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi của ông Putin. Ảnh: AP

Bề ngoài, hợp tác Nga – Trung đã được tăng cường kể từ khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt. Năm 2015 là năm ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đạt một thỏa thuận cùng theo đuổi các dự án phát triển giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu và “Vành đai kinh tế cong đường tơ lụa mới”. Có một thỏa thuận quốc phòng lớn, với việc Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 AA và máy bay SU-35 của Nga. Cũng trong năm ngoái, hai lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình đã viếng thăm lẫn nhau và tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhưng các sự kiện này không đủ để chứng minh rằng chính sách “xoay trục sang châu Á” của Moscow đã thành công. Cả thỏa thuận khí đốt năm 2014 và thỏa thuận quốc phòng năm 2015 đều đã trong quá trình thương lượng từ nhiều năm trước khi Nga bắt đầu chuyển hướng sang phía Đông. Kế hoạch khởi công đường ống “Sức mạnh của Siberia” đã bị hoãn lại từ năm 2018 sang 2019, thậm chí có thể là 2021, trong khi nguồn cung cấp khí đốt chỉ có thể đạt đến mức thỏa thuận vào năm 2024.

Các lợi ích kinh tế - hoàn toàn đối lập với giá trị biểu tượng về chính trị - của thỏa thuận khí đốt đối với Nga đã bị đặt câu hỏi ngay từ đầu. Nhưng đến năm 2016 này, những nghi ngại thậm chí còn nhiều hơn so với khi văn bản này được đặt bút ký, vì giá dầu thế giới đã bất ngờ sụt giảm mạnh.

Bất chấp những thỏa thuận song phương được ký trong hai năm qua, chẳng bên nào có thể hưởng lợi đầy đủ từ các văn bản này do những khó khăn về kinh tế.

Tại Nga, đồng rouble rớt giá khiến cho tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc vẫn giảm 30% dù xuất khẩu dầu sang Trung Quốc tăng 30%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm gần 20%. Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng cũng giảm hơn 50%.

Tại Trung Quốc, đồng NDT tăng giá. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc giảm gần 30% trong năm 2015. Và các nỗ lực của Moscow trong việc tạo một môi trường thu hút đầu tư không đem lại kết quả khả quan. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang Nga giảm 20% trong năm 2015, xuống còn chỉ chiếm 0,7% tổng FDI của Trung Quốc.

Cuối cùng, trong khi đường ống “Sức mạnh của Siberia” được xem như một sự thay thế cho thị trường châu Âu, nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hiện đã vượt quá nhu cầu vì nền kinh tế này đang tăng trưởng chậm lại. Hơn nữa, Nga vẫn chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, bên cạnh các đối tác truyền thống như Australia, Qatar và nhiều nhà cung cấp khác gần đây hơn như Turkmenistan chẳng hạn. Các nhà cung cấp này đều đưa ra mức giá rẻ hơn Moscow.

Việc Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt 2014 với Nga thực chất là vì Nga chấp nhận chịu toàn bộ chi phí xây dựng và bảo dưỡng đường ống mới. Nói một cách khác, Nga đang tự trả tiền để được ưu tiên bán khí đốt cho Trung Quốc.

Nhưng Nga có thể đạt tiến bộ trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của mình, dù có thể không phải là với Trung Quốc - đối tác mục tiêu ban đầu của họ. Ai cũng biết là Nhật Bản đang ngày càng cảnh giác, thậm chí tới mức hoàn toàn phản đối sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Và trong khi Nhật Bản đang dựa vào việc phối hợp với Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, Tokyo gần đây đã để ngỏ một quan hệ thân mật hơn với Moscow.

Sự thay đổi của chính sách chống hạt nhân của Tokyo kể từ sau sự cố Fukushima năm 2011 đã tạo ra một nhu cầu khổng lồ đối với khí tự nhiên mà chưa có nguồn cung đáp ứng. Nga lại đang có các thuận lợi để làm việc này, đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc đang có nhiều điểm không công bằng và không chắc chắn như đã nói ở trên. Nguồn năng lượng này có thể được chuyển từ vùng Viễn Đông của Nga, đi qua vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Vì vậy, Nhật Bản dường như thấy các nguồn cung ứng từ Nga có tính đảm bảo hơn các nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp lớn của họ hiện nay.

Một sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ Nga – Nhật về năng lượng và an ninh có thể cho thấy một cán cân phụ hữu dụng tại Đông Bắc Á đối với cả Tokyo và Moscow. Việc Thủ tướng Shinzo Abe gần đây nỗ lực khuyến khích sự xích lại gần hơn giữa hai nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 cho thấy ông đồng tình với điều đó.

Kể từ khi Nga phát động chính sách “xoay trục sang châu Á” của mình cách đây hai năm, các kết quả chưa được như kỳ vọng của giới lãnh đạo ở Moscow. Bắc Kinh tỏ ra không sẵn sàng hy sinh các quan hệ kinh tế và chiến lược truyền thống với phương Tây để thắt chặt quan hệ hợp tác với Nga. Nhưng các cơ hội hứa hẹn vẫn còn khi thúc đẩy quan hệ năng lượng và an ninh với Nhật Bản, quốc gia đang thể hiện mong muốn kiên định là duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga. Vấn đề hiện nay là liệu Nga có quyết định đáp lại mong muốn này hay không./.

Thảo Linh

Putin không hổ danh "đại pháp sư" chiến lược
Thế kẹt chưa từng có của Tổng thống Putin
Sau phát súng cảnh cáo, Putin thề sẽ trừng phạt
Putin đưa học thuyết mới nhằm thoát bao vây, cô lập
Putin bất ngờ quay sang "ủng hộ" Mỹ